09/11/2023 09:00 GMT+7

Khơi thông nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành, gỡ vướng mắc về luật

THÀNH CHUNG
và 1 tác giả khác

Dự kiến hôm nay (9-11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết 53 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tỉnh Đồng Nai cần giải ngân số vốn hơn 2.510 tỉ đồng đến hết năm 2024 để hoàn chỉnh dự án đền bù, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành. Trong ảnh: Trường mầm non Lộc An ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã đi vào hoạt động - Ảnh: Lò Văn Hợp

Tỉnh Đồng Nai cần giải ngân số vốn hơn 2.510 tỉ đồng đến hết năm 2024 để hoàn chỉnh dự án đền bù, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành. Trong ảnh: Trường mầm non Lộc An ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã đi vào hoạt động - Ảnh: Lò Văn Hợp

Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỉ đồng (trong đó bao gồm hơn 1.543 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và hơn 966 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024.

Nếu được Quốc hội đồng ý điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết 53, Đồng Nai sẽ cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ và rất mong Quốc hội ủng hộ.
Ông Quản Minh Cường (phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai)

Đồng Nai đã tạm ứng gần 1.300 tỉ bồi thường

Nói về việc tham gia dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, ông Lê Văn Tiếp - chủ tịch UBND huyện Long Thành (chủ tịch hội đồng bồi thường) - cho biết đến nay huyện đã cơ bản bồi thường xong phần diện tích của toàn dự án. Tuy nhiên, do niên độ giải ngân tiền ở dự án trên (nghị quyết 53/2017/QH14 ngày

24-11-2017 cho phép giải ngân từ năm 2017-2021) nên tỉnh Đồng Nai phải đợi điều chỉnh niên độ, phần nào có ảnh hưởng đến nhiều dự án thành phần.

Chia sẻ về lý do một số dự án thành phần chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ông Lê Văn Tiếp cho hay trong niên độ cho phép giải ngân đã xảy ra hai năm dịch bệnh COVID-19, phải giãn cách xã hội nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, bị kéo dài.

Mặt khác, dự án có quy mô, khối lượng công việc thu hồi đất thực hiện trên địa bàn rất rộng, liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính năm xã và giải thể một xã nhưng chỉ tập trung trên địa bàn của một huyện, trong khi bộ máy hành chính cấp huyện có số lượng cán bộ hạn chế. Hơn nữa, nguồn gốc đất đai có nhiều phức tạp, nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất (viết tay, vô chủ, thừa kế…), cần phải kéo dài thời gian xác minh.

Khi hết niên độ giải ngân, ông Tiếp cho hay tỉnh Đồng Nai đã cho phép huyện tạm ứng trên 1.260 tỉ đồng để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. "Nhờ vậy tỉnh mới bàn giao kịp toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 để khởi công các dự án của sân bay Long Thành", ông Tiếp chia sẻ.

Cũng theo ông Tiếp, đến nay phần diện tích 5.000ha làm toàn bộ sân bay đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng. Huyện đã xét duyệt 4.246 hộ đủ điều kiện để nhận suất tái định cư ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Hiện đã có gần 1.500 hộ xây dựng chỗ ở ổn định trong khu tái định cư, trong đó có 530 hộ đã nhập khẩu vào khu tái định cư với trên 2.100 nhân khẩu. Những trường hợp còn lại huyện đang rà soát xét duyệt và có trường hợp không đủ điều kiện để xét tái định cư hoặc đang chờ rà soát, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích trên 282ha - Ảnh: Lò Văn Hợp

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích trên 282ha - Ảnh: Lò Văn Hợp

Đã có vướng mắc về luật, quy định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết do quy hoạch 5.000ha đất sân bay Long Thành cách đây hơn 20 năm và luật không có quy định cấm chuyển nhượng đất, vì vậy người dân chuyển nhượng không sai và có rất nhiều vụ chuyển nhượng chỉ trên giấy viết tay.

"Chúng tôi đã phải xử lý vấn đề này rất nhiều và hiện còn hơn 1.000 đơn khiếu nại về sở hữu đất, trong đó cha mẹ kiện con cái, anh em kiện nhau để giành quyền được hưởng bồi thường, định cư.

Theo luật, phải tòa án mới có thể tuyên là ai được hưởng chứ ban giải phóng mặt bằng không quyết được. Đây là vướng mắc khách quan nhưng không dễ giải quyết", ông Cường nêu. Ngoài ra, ông Cường cũng cho hay có các nguyên nhân chủ quan, trong đó vừa qua tỉnh đã khởi tố, bắt hai cán bộ bồi thường giải phóng mặt bằng do có hành vi tham nhũng hay có cán bộ ngại khó ngại khổ.

Ông Cường cũng cho hay khi Quốc hội chưa đồng ý cho thực hiện giải ngân ngân sách đền bù, tỉnh đã chi ngân sách hơn 105 tỉ đồng để xây trường học. Về luật là sai, nhưng Ban thường vụ Tỉnh ủy họp và thông qua HĐND tỉnh nên vì dân, vì nước thì kỷ luật cũng phải chịu thôi. Không làm trường thì không có chỗ cho học sinh học, người dân ra tái định cư rồi mà không có chỗ cho học sinh học thì không được.

Về niên độ quyết toán ngân sách, ông Cường thông tin lý do theo Luật Ngân sách quy định hết năm 2021, tiền để đền bù sân bay Long Thành hết niên độ. Song luật không tính đến dịch COVID-19 và các yếu tố khách quan khác.

Chỉ còn 64ha đất chưa bàn giao, không ảnh hưởng tới sân bay

Khơi thông nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành - Ảnh 4.

Ông Cường cho hay hiện nay tỉnh đã bàn giao được gần 100% đất cho chủ đầu tư ACV để thi công dự án sân bay Long Thành. Còn lại 64ha đất chưa bàn giao nằm ngoài đường ranh giới nhà ga sân bay, đường lăn, bến đỗ.

"Thậm chí nếu 64ha này không giải phóng được cũng không ảnh hưởng gì đến sân bay. Như vậy là thuận lợi, không có khó khăn", ông Cường nói.

Cũng theo thông tin từ ông Cường, hiện cả dự án còn ba hộ dân chưa chịu di dời và quan điểm của tỉnh là trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, nhận đền bù thì có thể thực hiện cưỡng chế.

Đối với 64ha đất chưa bàn giao, ông Cường nói chủ yếu là đất trồng cao su của Tổng công ty Cao su thuê lại từ UBND tỉnh.

"Do thuê đất của UBND tỉnh nên sẽ tiến hành bồi thường đối với cây cao su, còn tiền sẽ trả lại cho Chính phủ. Cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về tiến độ bàn giao đất dự án sân bay Long Thành. Đến thời điểm này không thể nói việc bàn giao đất chậm và thậm chí giai đoạn 1 tỉnh còn bàn giao trước cả thời hạn", ông nhấn mạnh.

Ông Cường cũng thông tin hiện vướng mắc chủ yếu liên quan đường T1, T2 là đường vành đai bên ngoài và thuộc giai đoạn bồi thường sau. Với đường T1 đã bàn giao đất gần xong, còn đường T2 mới được 40%. Nguyên nhân là trong giai đoạn vừa qua, tỉnh phải tập trung vào giải tỏa, bàn giao đất để thực hiện dự án sân bay Long Thành. Bên cạnh đó có khó khăn là hai xã gần giải tỏa trắng, trong đó xã Lộc An gần như giải tỏa toàn bộ nhà cửa, mồ mả, nhà thờ, chùa chiền với hàng chục ngàn dân…

Liên quan đến việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất xây dựng sân bay Long Thành đến hết năm 2024, ông Cường cho biết thêm việc thu hồi đất thời gian qua gặp khó khăn do cả khách quan và chủ quan. Trong đó khách quan là do từ 2020-2022 ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến cán bộ không đi đo, kiểm đếm được khiến kéo dài thời gian đền bù, giải tỏa.

Bên cạnh đó, lịch sử đất nước chưa bao giờ có cuộc đền bù nào lớn như thế này, riêng sân bay 5.000ha còn bên ngoài khoảng 5.400ha nhưng chỉ làm trong thời gian rất ngắn, đặc biệt giao hoàn toàn cho tỉnh. Do đó, Đồng Nai đã tập trung thực hiện và có thời điểm huy động 300 cán bộ ở tỉnh, các huyện tăng cường để tập trung cho việc giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.

Nhiều hộ dân đã có chỗ ở ổn định trong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn - Ảnh: LÒ VĂN HỢP

Nhiều hộ dân đã có chỗ ở ổn định trong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn - Ảnh: LÒ VĂN HỢP

* Đại biểu TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH (TP Cần Thơ):

Đảm bảo tính pháp lý, giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ

Tôi nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất xây dựng sân bay Long Thành và giải ngân vốn đến hết năm 2024. Thực tế có những nguyên nhân khách quan dẫn đến dự án bị chậm dù tỉnh Đồng Nai đã rất nỗ lực triển khai, thậm chí đã ứng vốn của địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án thực hiện tại sân bay Long Thành cũng được xem là mô hình thí điểm đầu tiên để đánh giá vai trò của các địa phương khi thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Nếu được Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn dự án và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, đây sẽ là điều kiện để đảm bảo tính pháp lý, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao cho địa phương.

Giáo viên Trường THCS Suối Trầu trong Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hướng dẫn học sinh thực hành môn kỹ thuật điện - Ảnh: CÔNG NGHĨA

Giáo viên Trường THCS Suối Trầu trong Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hướng dẫn học sinh thực hành môn kỹ thuật điện - Ảnh: CÔNG NGHĨA

Chờ kéo dài niên độ giải ngân để hoàn chỉnh hạ tầng

Có mặt tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, bà Thu Hà (một cư dân ở đây) cho hay nhiều công trình xã hội trong khu tái định cư còn dở dang. Có chỗ người dân vẫn còn câu ké điện, nước. Đây là khu tái định cư rộng lớn, đưa dân ra đây nên Nhà nước cần sớm chuẩn bị hạ tầng chỉn chu để người dân đi lại an tâm và ổn định đời sống.

Giải thích việc này, huyện Long Thành cho hay khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được tỉnh xây dựng có diện tích trên 282ha với quy mô dân số 28.000 người. Đây là khu dân cư kiễu mẫu, có cơ sở hạ tầng hiện đại.

Tuy nhiên do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình thi công các công trình hạ tầng xã hội trong khu tái định cư. Khi nhiều nhà thầu thi công trở lại thì giá vật tư cao đã "tháo chạy". Mặt khác, thời hạn giải ngân vốn theo niên độ Quốc hội cho phép đã hết nên ảnh hưởng đến tiến độ ở các dự án thành phần khiến người dân phản ảnh những bất cập về điện, nước tại nơi ở mới…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Đức - quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay dự án hạ tầng xã hội khu dân cư tái định cư Lộc An - Bình Sơn có sáu gói thầu chậm tiến độ. Bên cạnh đó, dự án tái lập hạ tầng ngoài ranh giới sân bay có một số nơi chưa hoàn thành khối lượng nên phải tiếp tục thi công.

Do vướng mắc về niên độ giải ngân của dự án nên Đồng Nai đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết số 53 gồm các nội dung như đề nghị điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án, diện tích đất thu hồi, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và kéo dài thời gian giải ngân đến 2024…

Khi Quốc hội thông qua nghị quyết điều chỉnh dự án, Đồng Nai sẽ tiếp tục làm gì ở dự án tái định cư sân bay Long Thành? Ông Võ Tấn Đức cho hay sẽ giải ngân để hoàn trả tiền tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng. Đồng thời giải ngân để tiếp tục thi công các dự án còn dang dở và điều chỉnh quy hoạch trong khu tái định cư cho đúng tiến độ cam kết.

Việc đền bù, tái định cư thế nào?

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về biện pháp nào để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí trong đền bù, tái định cư của dự án, ông Võ Tấn Đức cho hay quá trình đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất đều có sự tham gia của người có đất bị thu hồi.

Việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường được phê duyệt sau khi có ý kiến tham vấn cộng đồng. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được họp công khai đến từng người có đất bị thu hồi, được niêm yết 20 ngày làm việc tại trụ sở UBND xã Bình Sơn và các điểm sinh hoạt cộng đồng dân cư (nơi có đất thu hồi).

Ông Đức chia sẻ thêm về việc xét tái định cư, bốc thăm lô tái định cư rằng việc này dựa trên quy chế đã ban hành và có quay phim, ghi hình trong tất cả các buổi bốc thăm.

Chạy đua kết nối với sân bay Long ThànhChạy đua kết nối với sân bay Long Thành

Bên cạnh việc triển khai dự án sân bay Long Thành đúng tiến độ và chất lượng, một vấn đề cũng được quan tâm là cần chủ động làm cầu, đường để kết nối với sân bay nhằm tăng hiệu quả dự án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên