Ngay từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (từ ngày 1-8-2024), các địa phương đã lúng túng trong cách áp dụng quy định về bảng giá và cách tính nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Sự lúng túng, loay hoay này được đẩy lên cao khi TP.HCM là địa phương duy nhất đến nay công bố xin ý kiến về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh.
Phản ứng của dư luận không chỉ nằm ở mức giá cao từ 5 - 30 lần so với bảng giá cũ, mà còn đặt vấn đề liệu TP.HCM có đang quá vội vàng khi ban hành bảng giá đất điều chỉnh bởi trong luật mới quy định cho các địa phương sử dụng bảng giá đất cũ đến hết ngày 31-12-2025.
Điều đáng nói ở đây dù cho áp dụng bảng giá cũ nhưng luật không nói đến có cho áp dụng cách tính nghĩa vụ tài chính như luật cũ (giá đất có nhân với hệ số điều chỉnh - hệ số K) hay sử dụng luôn cách tính mới (không nhân với hệ số K)?
Chính từ đây phát sinh ra vướng mắc, hạn chế. Như vậy nếu cách hiểu của TP.HCM buộc phải ban hành bảng giá điều chỉnh để áp dụng cách tính mới là đúng thì các địa phương khác không điều chỉnh bảng giá sẽ có thể áp dụng sai quy định.
Ngược lại, nếu cách hiểu của các địa phương đúng, nỗi lo gây thất thoát ngân sách của TP.HCM là quá thận trọng, không hiểu kỹ tinh thần của luật.
Hoặc cũng có thể có cách hiểu như ông Đào Trung Chính - cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - khi chia sẻ với báo chí rằng có thể áp dụng cả hai cách tính, địa phương áp dụng bảng giá cũ sẽ tính theo cách cũ, có hệ số điều chỉnh; còn áp dụng bảng giá mới thì tính theo cách mới.
Nhưng theo các chuyên gia, cách hiểu này không đúng nguyên tắc luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức thực thi pháp luật.
Thực tế trong khi cơ quan thực thi còn lúng túng, có nhiều cách hiểu về quy định của luật, hồ sơ liên quan đến nhiều thủ tục đất đai như chuyển nhượng, chuyển mục đích, hợp thức hóa... đang bị ngưng trệ.
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công việc, tính toán kinh doanh, đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Luật không những chưa đi vào cuộc sống mà còn dẫn đến những ách tắc, điểm nghẽn cục bộ không đáng có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được phân công chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thi hành các luật; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Vướng mắc về cách hiểu quy định bảng giá đất đang là vướng mắc nổi lên ngay khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, đang ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.
Sự vào cuộc của các bộ, ngành để thống nhất cách hiểu đúng và triển khai thực hiện sẽ khơi thông hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận