Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ ngày 24-10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự sốt ruột trước thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nút thắt lớn nhất theo các đại biểu là những vướng mắc bất cập trong quy trình, thủ tục hành chính, các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, làm chậm quá trình phát triển.
Cần phân cấp phân quyền thực chất
"Có nhiều việc quyền hạn không rõ mà cứ mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu ba tháng, trung bình sáu tháng và thậm chí có vấn đề chín tháng để nhận được một văn bản trả lời làm theo quy định của pháp luật", Chủ tịch nước cho rằng cùng với thực tế trên là tư duy "thích ôm đồm" quyền lực trong xây dựng chính sách nên "không chịu phân cấp".
Từ thực tế của địa phương, đại biểu Lò Thị Luyến (Lạng Sơn) cũng bày tỏ sốt ruột khi hiện nay việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội giám sát tối cao đang thực hiện khó khăn. Đơn cử như quy định mua giống cây con, số vốn được phân bổ chưa tiêu hết thì sẽ thu lại. Theo đại biểu, việc chưa tiêu được hết vốn là do giao vốn chậm và phải hướng dẫn.
"Chậm là thủ tục, hướng dẫn nên vốn không kịp tiêu hết. Đến nay dù đã ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện nhưng nhiều địa phương chưa tiêu hết vốn và bị thu hồi lại là rất băn khoăn bởi đây là nguồn động viên lớn cho bà con.
Chương trình này triển khai cho cả giai đoạn nên thực hiện cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Nhưng vướng mắc là về cơ chế, địa phương mới bắt tay vào làm mà đã thu hồi hết thì chúng tôi rất băn khoăn", đại biểu Luyến bày tỏ.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cũng thẳng thắn dù báo cáo Chính phủ chỉ ra thủ tục hành chính đã được cải cách, rà soát nhiều nhưng "càng sửa lại ngày càng phức tạp, thời gian giải quyết sao càng ngày càng khó khăn". Dẫn chứng, quy định một dự án đầu tư đô thị có quy mô 800 tỉ đồng trở lên phải xin ý kiến cấp bộ ngành để thẩm định.
Đại biểu băn khoăn, cả nước có nhiều dự án đầu tư quy mô 800 tỉ đồng như vậy liệu Bộ Xây dựng có đủ nguồn nhân lực để thẩm định các dự án và tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định hay địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm? Bởi việc này có thể phát sinh thêm thủ tục, gây vướng mắc khó khăn thêm cho doanh nghiệp và cả địa phương.
Một ví dụ khác, đại biểu Toàn cho biết đang triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông - vốn là dự án trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên quy định không thống nhất nên dù Chính phủ chỉ đạo làm quyết liệt, giao cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, đã đạt được trên 94% nhưng vẫn không thi công được. Lý do là quy định cho phép cấp các mỏ đất, cát cho các dự án nhưng lại phải làm thủ tục thông thường.
Chính sách không đồng bộ dẫn tới "việc nọ kéo việc kia", dù đã bàn giao giải phóng mặt bằng nhưng không thể thi công triển khai dự án. "Tôi kiến nghị tới đây cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực. Phân cấp rõ địa phương được làm gì, giao quyền làm gì? Cấp trên giao nhiệm vụ và chỉ đi kiểm tra thôi thì mọi việc mới chạy thông được", đại biểu Toàn nhấn mạnh.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Thịnh - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng chỉ rõ bên cạnh việc tăng cường phân cấp thì nên chuyển việc tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng thời phải có cơ chế, giải pháp để minh bạch việc giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó các đại biểu Quốc hội, người dân, các hội nghề nghiệp phải được giám sát.
Ông nhấn mạnh ngoài nỗ lực tự cải cách của Chính phủ thì Quốc hội cũng cần thành lập một ủy ban để đánh giá, giám sát, có sáng kiến cùng Chính phủ về vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Bởi có rất nhiều vấn đề, nội dung muốn cải cách được lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải Chính phủ.
"Để không vướng mắc về không gian thẩm quyền cần có sự tham gia của Quốc hội và Quốc hội phải xác định có trách nhiệm trong vấn đề này mới có thể tạo ra sự đột phá", ông Thịnh nói thêm.
Gỡ vướng thủ tục, ngăn bệnh sợ trách nhiệm
Nhìn ở góc độ khác, đại biểu Trần Anh Tuấn - trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM - cũng sốt ruột khi cho rằng chương trình phục hồi phát triển kinh tế hiện giải ngân rất chậm, đặc biệt là chương trình đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Kích cầu cho nền kinh tế đã có nhưng hiệu quả chưa cao.
Ngân hàng Nhà nước dù đã có động thái giảm lãi suất nhưng lãi suất thực hiện với những ngành, lĩnh vực ưu tiên còn cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn. "Cần xem lại cơ chế cho vay để khả năng tiếp cận dễ dàng hơn. Chính sách tài khóa, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) là chưa đủ, mức giảm này chưa đủ mức kích cầu. Hiện tượng tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng chậm do quy định thắt chặt, mô hình kinh doanh thay đổi", ông Tuấn đánh giá.
Về các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng cần đánh giá kỹ về tính khả thi, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng từ 6 - 7%, cao hơn cả nhiệm kỳ giai đoạn 2016 - 2020 (chỉ 6,25%).
Ngoài ra cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên.
"Với những mục tiêu đề ra như vậy thì ai làm và sẽ làm như thế nào? Đây là lực cản, thách thức nội tại được coi là lớn nhất hiện nay. Bởi nếu giải quyết được thực trạng này thì mới có thể giải phóng được nguồn lực con người", ông Quảng nhấn mạnh.
Chia sẻ các vấn đề đại biểu nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện nay việc phân cấp, phân quyền ở một số chương trình chưa mạch lạc, còn hạn chế, cũng như có tình trạng còn "một rừng thủ tục gây nên vướng mắc".
Vì vậy cần phải điều chỉnh quy định cho sát, khả thi, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ trên cơ sở giao việc và chịu trách nhiệm, tăng cường giám sát.
Theo đó, khi xây dựng luật Chính phủ sẽ lưu ý vấn đề này, bởi "nếu không phân cấp phân quyền mà không phân bổ nguồn lực thì khó làm được", Thủ tướng khẳng định khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa thể bao quát được thực tiễn, do tính dự báo hoặc thực tế phát sinh.
Do đó quá trình xây dựng và thực thi văn bản có phát sinh bất cập, Chính phủ sẽ sửa đổi để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, gắn với thực tiễn khách quan.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm trong xây dựng pháp luật bao gồm cả luật, nghị định, thông tư. Bởi hiện nay cán bộ làm sai bị xử rất nặng nhưng cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là luật mà khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối "chưa ai bị làm sao hết".
Đồng thời cần khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trên cơ sở từng địa phương phải thực sự làm, nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu. "Còn bây giờ đến chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng.
Hay đến diễn đàn này mà vẫn còn than khó, vướng, chậm tháo gỡ... thì dân biết kêu ai?", ông Thưởng nêu và yêu cầu phải loại bỏ được tư duy dân "đụng chuyện" là nghĩ đến xem mình có quen ai không, nhờ ông nào nói giúp bởi tư duy đó phản ánh tiêu cực của xã hội.
Không làm được mà đổ hết cho vướng mắc là không đúng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật, từ luật đến pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những nghị định, thông tư, quyết định của Thủ tướng có tính quy phạm pháp luật, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm.
Kết quả rà soát đã được Chính phủ báo cáo đầy đủ tới các đại biểu Quốc hội, kèm theo đó là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Theo ông Huệ, rà soát lần này tập trung vào 523 văn bản, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 217 thông tư.
Ông Huệ cho biết theo đánh giá cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
"Kết luận này rất quan trọng, đã giải đáp câu chuyện: những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định và cho rằng - Nếu nói tất cả do tổ chức thực hiện cũng không đúng nốt.
Có vướng mắc cả trong hệ thống pháp luật, có chồng chéo, có chưa hợp lý nhưng kết luận của cả Chính phủ và Quốc hội đều nói số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo là không có nhiều", ông Huệ nhấn mạnh thêm.
Theo ông, nhiều nội dung các địa phương, bộ ngành đưa lên thực tế không phải là vướng mắc mà là chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc do cách hiểu ở dưới không đúng. Có tình trạng hỏi nhưng không có trả lời hoặc trả lời chung chung chứ không phải do nghị định, thông tư, cũng chẳng phải do luật.
Có nhiều văn bản ban hành không kịp thời, luật có rồi nhưng nghị định, thông tư chưa ban hành nên chưa thực hiện được. Đó là chưa kể nghị định không phù hợp với luật, thông tư không phù hợp với nghị định. Có cả văn bản điều hành không đúng với tinh thần pháp luật.
Mong chính quyền đồng hành với doanh nghiệp hơn
Nói về những khó khăn thực tại, nhiều doanh nghiệp cũng mong thủ tục hành chính nhanh, không làm khó doanh nghiệp.
Cụ thể như ông Preben Elnef - phó chủ tịch Tập đoàn Lego (Đan Mạch) - cho biết tập đoàn này đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3, tỉnh Bình Dương với quy mô hơn 1 tỉ USD. Đây là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Bình Dương được khởi công từ cuối năm 2022.
Để giải ngân vốn đầu tư đúng kế hoạch, đưa nhà máy hoạt động vào năm 2024 thì ngoài sự chủ động của nhà đầu tư, rất cần sự đồng hành của chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính.
Chính phủ hai nước và địa phương đã quan tâm giúp dự án hoàn thành các thủ tục thuê đất, cấp phép xây dựng. Trong giai đoạn tới, ông Preben Elnef mong mỏi các cấp các ngành cần quan tâm thủ tục đấu nối lưới điện bởi việc này liên quan thẩm quyền của cả cấp tỉnh và các cơ quan trung ương để nhà máy có nguồn điện khi đi vào sản xuất.
Đặc biệt với đặc điểm đây là nhà máy sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo, nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này nên có những thủ tục còn mới, chưa có tiền lệ.
Còn bà Phạm Thị Xuân Trang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương - cũng cho rằng từ nay đến cuối năm để thu hút và chăm lo công nhân thì ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, có những việc lớn hơn cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước.
Tiêu biểu như mục tiêu xây nhà ở xã hội cho công nhân đã được cơ quan chức năng đặt ra nhưng cần thực hiện nhanh hơn, có bước tiến cụ thể chứ không dừng ở khẩu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, an sinh xã hội.
Bà Trang dẫn chứng việc có nhà ở xã hội có quan hệ mật thiết, quyết định các nhà máy có tuyển được lao động hay không. Hiện có một thực trạng khá nghịch lý là mặc dù doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng nhưng không những không thừa lao động mà vẫn "mỏi mắt" tìm công nhân.
"Trước đây đơn hàng nhiều thì người lao động tăng ca và có mức thu nhập 12 - 13 triệu đồng/tháng nên họ có thể trang trải cuộc sống. Nhưng nay đơn hàng ít dẫn đến thu nhập của công nhân bị giảm. Với mức chỉ vài triệu đồng mỗi tháng nếu không có nhà ở xã hội, phải đi thuê thì công nhân không đủ thu nhập nên họ về quê, nhà máy thiếu người", bà Trang giãi bày.
Cùng nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngoài những khó khăn do khách quan như dịch bệnh, khủng hoảng chung của kinh tế thế giới thì cần tránh cả những khó khăn do chính các cơ quan quản lý gây ra.
Một doanh nghiệp nêu ví dụ chủ trương di dời hàng ngàn nhà máy ngoài khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương được ban hành mới đây đang khiến doanh nghiệp lo lắng.
"Sau dịch COVID-19 doanh nghiệp đã đuối sức, tiếp theo lại gặp giai đoạn kinh tế khó khăn nhưng cơ quan chức năng yêu cầu di dời nhà máy thì doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực. Do có đề án di dời nên khi chúng tôi đi làm thủ tục liên quan nhà máy hiện hữu gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí. Kiến nghị gia hạn thời gian để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và có lộ trình để di dời" - bà Trương Thị Thúy Liên, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, chia sẻ thêm.
Tháo gỡ khó khăn cho bất động sản
Ngày 24-10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu nêu kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá thị trường bất động sản mặc dù Thủ tướng chỉ đạo cần sớm tháo gỡ khó khăn nhưng thực tế cả nước có không biết bao nhiêu dự án "nằm chết đứng".
Ngay tại Hà Nội hiện cũng có hơn 700 dự án chậm triển khai nhiều năm, vừa rồi đã rà soát thu hồi hơn 100 dự án với quy mô hàng nghìn ha đất để đấu thầu, đấu giá lại.
Theo ông Dũng, nếu tháo gỡ được vướng mắc, kích thích thị trường bất động sản thì sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực liên quan như vật liệu, điện nước, việc làm... Qua đó sẽ tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên thực tế bất động sản cả nước có rất nhiều vấn đề đặt ra về pháp lý. Ví dụ như các dự án nếu lấy tư duy bây giờ, pháp luật bây giờ chiếu vào thì sai, nhưng ngày xưa các dự án không đấu thầu, đấu giá, chỉ kêu gọi nhà đầu tư vào giao đất. Ông Dũng kiến nghị Quốc hội nên có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết khó khăn cho bất động sản vì có những vấn đề nằm ngoài tầm quyết định của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận