Phát biểu mở đầu, nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết nhà ở xã hội là từ khóa rất được quan tâm và Chính phủ, các bộ ban ngành đang nỗ lực thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Liên đoàn Lao động góp sức giải quyết nhu cầu nhà cho thuê
Theo ông Toàn, Luật Nhà ở sửa đổi sắp có hiệu lực có nhiều điểm mới, trong đó tạo điều kiện hơn cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thực tế trước đây, nhiều dự án được cấp phép, nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn về thủ tục, tiếp cận vốn, đất đai… Do nhiều rào cản nên việc triển khai chậm, trong khi nhu cầu thực tế của cả triệu lao động rất bức thiết.
Với những điểm mới của hành lang pháp lý, ông Toàn kỳ vọng không chỉ thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội để bán, mà còn thúc đẩy phân khúc cho thuê.
"Một số giải pháp thúc đẩy thuê đã được luật hóa, nhưng làm sao để thúc đẩy?", ông Toàn đặt vấn đề và mong muốn lắng nghe giải pháp từ đại diện Tổng liên đoàn Lao động, các chuyên gia và doanh nghiệp có mặt tại tọa đàm.
Lấy dẫn chứng thêm về một số mô hình cho thuê nhà ở công nhân rất hiệu quả tại TP.HCM, ông Toàn cho rằng cần nhân rộng các mô hình này, song cũng cần có những cơ chế để tiếp cận quỹ đất, vốn, tính tiền sử dụng đất…
Ông Trịnh Quang Minh - phó trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết theo Luật Nhà ở sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.
Hiện tổng liên đoàn đã thí điểm dự án 244 căn nhà ở xã hội cho thuê ở Hà Nam và mô hình được người lao động quan tâm.
"Người lao động nộp hồ sơ đăng ký nhiều lắm, nhưng quỹ căn hạn chế", ông Minh nói.
Từ thực tế thí điểm, ông Minh rút ra vài yếu tố quan trọng khiến phân khúc cho thuê được quan tâm.
Thứ nhất, không như mua, người lao động có thể tiếp cận ngay được với phương án thuê.
Thứ hai, an ninh an toàn được đảm bảo, giảm tệ nạn nhà xã hội, điều này được chính quyền, công an khu vực phản ánh.
Thứ ba, người lao động rất vui, hào hứng với môi trường sạch sẽ, an toàn, có sân chơi cho các cháu…
Theo ông Minh, Chính phủ đang phấn đấu đưa Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1-7-2024. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết khó khăn hiện nay về vấn đề nhà ở công nhân, người lao động.
Giải pháp đáp ứng nhu cầu của người lao động
Từ thực tiễn địa phương có số lượng lao động nhập cư đông bậc nhất cả nước, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng cần phân định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở và nhu cầu thuê nhà ở.
Theo ông Trung, đối với đô thị như TP.HCM, việc sở hữu được một căn nhà rất khó, liên quan đến nguồn cung, thu nhập của người dân...
Hiện nay nguồn cung nhà ở và nhà ở xã hội tại TP.HCM rất ít trong khi nhu cầu lao động của TP lại rất lớn, riêng công đoàn viên của Liên đoàn Lao động TP đã trên 1,4 triệu người.
Do đó, theo ông Trung, nhà ở xã hội cho thuê sẽ giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay, như nguồn cung, cơ chế xác nhận dễ dàng hơn, chỉ cần xác nhận của công đoàn cơ sở thì được thuê, không sợ sai đối tượng.
Tuy nhiên, cần có cơ chế để xây dựng các nhà ở xã hội cho thuê từ sở hữu, thuế, miễn giảm tiền thuê đất, cơ chế hỗ trợ lãi suất…
Bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết thêm hiện Bình Dương có gần 1,6 triệu lao động. Riêng trong các khu công nghiệp 1,2 triệu người và có 80% trong số lao động ngoại tỉnh này không có đất đai, nhà ở.
Theo bà Loan, dù người lao động Bình Dương có thu nhập cao nhất cả nước, song tính ra chỉ 7-8 triệu đồng/tháng, cao lắm chỉ 10 triệu, trong khi người lao động phải lo nhiều chi phí ăn ở, rồi gởi tiền về quê… Do đó, không đủ tiền để mua nhà ở xã hội mà chỉ đủ để thuê nhà.
Dự kiến từ nay đến năm 2030, có 129.000 lao động tại Bình Dương có nhu cầu thuê, mua và thuê mua nhà ở xã hội.
Chính vì vậy, theo bà Loan, cần tăng nguồn cung nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu người lao động và cần phải giảm các thủ tục đối với người thuê nhà ở xã hội so với người đi mua nhà.
Từ thực tiễn địa phương, bà Loan cho biết các doanh nghiệp ở Bình Dương quan tâm lớn đến người lao động, có những doanh nghiệp đã tiếp cận các chủ nhà trọ để thuê hàng trăm căn của các chủ nhà trọ cho công nhân thuê lại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chia sẻ 200.000 - 500.000 đồng/tháng tiền thuê nhà trọ với người lao động.
Theo bà Loan, trong quy hoạch khu công nghiệp mới cũng đã có quy hoạch đất để xây nhà lưu trú cho người lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận