03/05/2016 09:11 GMT+7

Khơi sức dân từ giải quyết nhà thành hầm, phân loại rác...

MAI HOA ghi
MAI HOA ghi

TTO - Tham gia “Diễn đàn TP.HCM & khát vọng vươn lên”, nhiều người dân TP.HCM bày tỏ mong muốn việc ban hành và thực thi các chính sách của TP phải hướng đến lợi ích của người dân, tạo được niềm tin và khơi gợi sự góp sức của người dân.

Nhà người dân sống trong hẻm 574 đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM thấp hơn mặt đường khoảng 1m do dự án cải tạo hệ thống thoát nước, khiến việc sinh hoạt cuộc sống và buôn bán khó khăn - Ảnh: Quang Định
Nhà người dân sống trong hẻm 574 đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM thấp hơn mặt đường khoảng 1m do dự án cải tạo hệ thống thoát nước, khiến việc sinh hoạt cuộc sống và buôn bán khó khăn - Ảnh: Quang Định

* Ông Lê Văn Nga (Q.Thủ Đức, nghề thu gom rác dân lập):

Hành động sao cho dân tin tưởng

Tôi, 61 tuổi, đến nay vẫn đọc báo hằng ngày. Theo dõi thông tin, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng TP của chúng ta sẽ phát triển, tiến bộ nhanh chóng trong 5-10 năm tới.

Tôi tin chắc như vậy, bởi vì những người lãnh đạo mới đã nói và làm một cách quyết liệt, rất hợp với lòng dân.

Tôi thích cách làm việc dựa trên pháp luật để đảm bảo kỷ cương phép nước, nếu luật pháp, quy định mà còn bất cập thì phải hoàn thiện.

Chúng tôi làm nghề thu gom rác dân lập, sau nhiều năm dành dụm mới sắm được chiếc xe tải chạy cho an toàn.

Tốn hàng trăm triệu đồng để “lên đời” chiếc xe tải, nhưng quy định mới hiện nay là các mẫu không đúng với thiết kế ban đầu đều bị bắt và phạt rất nặng, khiến những chiếc xe này lưu hành trên đường bỗng trở nên “trái pháp luật”.

Trong khi đó lại không có quy định nào về mẫu xe mới đạt chuẩn là như thế nào. Nhiều anh em phải bán xe, quay về với những chiếc xe cũ nát trước đây. Sau khi báo chí lên tiếng về nỗi khổ của anh em chúng tôi, các ngành chức năng cũng có quan tâm.

Nhưng điều mong muốn nhất của tôi vẫn là việc Nhà nước đặt ra quy chuẩn về chiếc xe gom rác để chúng tôi chạy trên đường được an tâm là mình làm đúng theo pháp luật.

Tôi cũng hiểu rằng người lãnh đạo phía trên nói được làm được là một chuyện, nhưng cả bộ máy từ trên xuống dưới phải một lòng, làm việc mới hiệu quả.

Như trước đây, có những phong trào như phân loại rác tại nguồn, thu gom chất thải nguy hại tại hộ gia đình khi ra mắt làm rất rầm rộ nhưng cuối cùng “đầu voi đuôi chuột”, chỉ gây lãng phí.

Chương trình phân loại rác tại nguồn bất cập ở chỗ kêu gọi người dân phân loại rác, nhưng tới khi thu gom về không có nơi chứa riêng, xử lý riêng. Người dân chỉ cần một lần nhìn thấy rác mình gom lẫn lộn thì dù có nói cỡ nào họ cũng không làm theo nữa.

Đó là chuyện nhỏ, nhưng nhìn ra lớn hơn thì vấn đề là cần hành động sao cho người dân có sự tin tưởng thì họ sẽ làm theo, chứ cứ tuyên truyền chính sách, chương trình này là tốt, là hay nhưng người dân không tin thì cũng không làm theo đâu.

Ông Nguyễn Văn Quang (người dân có nhà trên đường Lò Gốm, P.7, Q.6):

Phải nghĩ đến lợi ích của dân

Hồi giữa năm 2014, đường Lò Gốm được nâng lên cao đến hơn 1m. Cũng giống như những nhà khác xung quanh, nhà tôi bị lọt xuống thấp hơn nền đường cả mét.

Tôi vay mượn nâng nền nhà lên được nửa thước, nếu nâng cho bằng mặt đường thì gần đụng tới nóc nhà luôn, ở trong nhà không đứng lên được nữa.

Mùa này vô nhà như cái hầm, nóng lắm, chịu không nổi. Q.6 có cho vay khoảng 30 triệu đồng lãi suất thấp để sửa nhà nhưng 30 triệu thì không đủ, mà vay rồi thì phải trả. Vợ chồng tôi già rồi, bệnh tật, xoay xở đủ ăn là tốt rồi, lấy đâu ra tiền trả Nhà nước?

Tôi chỉ là người dân bình thường, không dám bàn luận chính sách gì để phát triển TP này. Nhưng từ thực tế cuộc sống gia đình, hàng xóm, tôi nghĩ TP khi ra một quyết sách gì liên quan đến người dân cũng nên tính trước tính sau xem có thiệt hơn gì không.

Làm đường ảnh hưởng đến nhiều người như vậy, nhưng làm xong dân chịu khổ mấy năm rồi vẫn chưa biết có được Nhà nước bồi thường hay hỗ trợ gì không. Nếu cán bộ đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để hiểu nỗi khổ của chúng tôi thì hay biết mấy.

Gắn kết cộng đồng để xây dựng thành phố

Là người dân TP.HCM, tôi cho rằng TP không thiếu nhân tài, không thiếu những sáng kiến, hiến kế, không thiếu sự dấn thân táo bạo... để khát vọng và vươn lên, có chăng là tính quyết liệt để trọng dụng họ chưa cao.

Theo tôi, việc trọng dụng và sử dụng nhân tài đúng mức; tạo các cơ chế phát huy, động viên họ trong công việc là chuyện phải quan tâm hàng đầu.

Vấn đề thứ hai là tính minh bạch trong các thông tin liên quan đến sự phát triển của TP.

Theo tôi, trừ bí mật an ninh quốc gia, những chuyện đang điều tra, còn lại đều có thể công bố chính xác, đầy đủ cho người dân, kể cả những khó khăn, thách thức thực tiễn chúng ta đang đối mặt để người dân cùng tham gia giải quyết, góp ý tưởng hoặc chia sẻ, cảm thông về lộ trình thực hiện.

Cách làm này giúp người dân nhận thức rõ vị trí, vai trò “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” hơn. Nhân dân sẽ cùng tham gia kiến tạo, phát triển TP với tư cách người công dân thật sự.

Cách thức xây dựng, ban hành các chính sách và lấy ý kiến nhân dân cũng là điều cần lưu tâm.

Hiện nay một số chủ trương, chính sách có lúc tổ chức trưng cầu ý dân, có lúc không hoặc chưa sâu đến đối tượng chịu ảnh hưởng. Nên khi ban hành, một số văn bản gặp sự phản ứng gay gắt của người dân, đôi khi phải hủy bỏ.

Cuối cùng là xây dựng tinh thần cố kết cộng đồng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ngày xưa, nhà nào gặp mâu thuẫn gia đình, những nhà khác qua can ngăn; kẻ nào trộm cắp đều bị cả xóm vây túm.

Nhưng bây giờ chuyện này quá hiếm! Tôi thiết nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để tạo ra những giá trị thật sự từ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, xóm giềng thân thiện.

HẢI HƯƠNG

MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên