05/05/2020 09:08 GMT+7

Khôi phục kinh tế TP.HCM như thế nào?

M.HƯƠNG - T.MẠNH - T.V.NGHI - N.HIỂN
M.HƯƠNG - T.MẠNH - T.V.NGHI - N.HIỂN

TTO - Hôm nay (5-5), UBND TP.HCM dành trọn một ngày cùng 50 doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, đại diện 14 hiệp hội ngành nghề và lãnh đạo 11 sở ngành, đơn vị liên quan, các chuyên gia kinh tế bàn các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM 2020.

Khôi phục kinh tế TP.HCM như thế nào? - Ảnh 1.

Một vài cửa hàng trong trung tâm thương mại Vincom, quận 1, TP.HCM hoạt động trở lại nhưng rất vắng khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dịp này, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM trình bày kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM và những triển vọng phát triển trong bối cảnh hiện nay. 

Các chuyên gia kinh tế sẽ đóng góp các giải pháp để vừa tích cực phòng ngừa bệnh dịch, vừa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh với những đề xuất về các chính sách lâu dài.

Nhiều chỉ số tăng trưởng giảm trong quý 1

Theo UBND TP.HCM, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,64%). 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,3%). Khách quốc tế đến TP giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 14,1%).

Cũng trong quý 1-2020, TP.HCM có hơn 1.350 DN giải thể, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỉ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng hoạt động thu ngân sách gặp khó khăn khi trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu gần 899 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 55% so với mức thu trung bình TP phải thu theo dự toán năm 2020 (hơn 1.636 tỉ đồng/ngày). 

Vì lý do trên, chỉ tiêu dự toán năm 2020 của TP là 405.828 tỉ đồng chắc chắn sẽ rất khó đạt được, nếu không có những giải pháp hiệu quả khôi phục nền kinh tế TP, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Từ thực tế trên, xác định "mỗi DN là một chiến sĩ", ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - cho biết TP sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực; qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Khôi phục kinh tế TP.HCM như thế nào? - Ảnh 2.

Chính sách phải nhanh hơn

Ông Lâm Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty TNHH nệm mousse Liên Á, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - cho rằng TP (và cả VN) có lợi thế là được nới lỏng cách ly xã hội sớm hơn các nước, giúp các DN tái khởi động sản xuất, kinh doanh sớm. 

Những ngày qua có nhiều tín hiệu khởi sắc khi người dân đã mua sắm trở lại. Hiện DN cần nhất dòng tiền để duy trì hoạt động, do đó các cơ quan chức năng nên ưu tiên quan tâm đến các chính sách về giãn thời gian đóng thuế, bảo hiểm xã hội và những chi phí khác.

Ông Minh nói thời buổi khó khăn này, các chính sách cho DN phải nhanh nhạy hơn, chứ không như quy trình khuyến mãi sản phẩm thường phải trình lên Sở Công thương và chờ sau 7 ngày mới chạy. 

Bây giờ DN cần nhanh nên những vấn đề như khuyến mãi hay nhiều thủ tục khác cần tăng tốc, giảm thời gian để kịp thời hơn cũng là cách tốt để hỗ trợ DN.

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - nêu ra thực tế vừa qua nhiều DN rất khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi, các điều kiện vay vốn... vì thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận nên TP cần đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn, công khai, minh bạch, hạn chế việc "xin - cho" bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) nhìn nhận các chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ DN của Chính phủ đã rất khẩn trương được triển khai vào thực tiễn. 

Tuy nhiên TP cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan đầu mối giải quyết chính sách hỗ trợ chú ý cải thiện thêm khi có đến 61% DN cho rằng việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi.

Khôi phục kinh tế TP.HCM như thế nào? - Ảnh 3.

Các siêu thị tại TP.HCM gia tăng khuyến mãi để thu hút khách hậu COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đừng cải cách bằng câu chữ

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) - cho biết hiệp hội đã có rất nhiều kiến nghị lên TP.HCM cũng như Chính phủ về giải quyết khó khăn cho DN và thị trường bất động sản. 

Trong đó nổi bật là vấn đề về dự án nhà ở có xen kẽ đất do Nhà nước quản lý và quy trình cấp phép một dự án bất động sản có đất hỗn hợp.

Ông Châu cho biết gần 160 dự án bất động sản liên quan đến đất công bị dừng lại từ năm 2017 đến nay vẫn gặp khó. 

Vừa qua cũng đã có một số dự án tiếp tục được triển khai rồi nhưng vẫn còn nhiều dự án chưa thể triển khai tiếp. Đề nghị các cơ quan trung ương và TP.HCM phối hợp làm việc giải quyết để DN sớm tìm được lối ra.

Một vấn đề nổi cộm hiện nay là quy trình và thực thi thủ tục hành chính thực hiện dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. 

Trước đây quy định có 6 bước, sau đó HOREA kiến nghị giảm xuống còn 5 bước, mới đây UBND TP.HCM đã kết luận sẽ gộp bước 4 vào bước 5 để tiến hành làm song song. 

"Về câu chữ thì rõ ràng đây là một cải cách lớn khi giảm thủ tục từ 6 bước xuống còn 4 bước. Nhưng bản chất thì không phải như vậy" - ông Châu cho hay.

Cũng liên quan đến các kiến nghị của HOREA, ông Châu nhắc lại đã có báo cáo 19 vấn đề của các DN liên quan đến hơn 30 dự án trực tiếp trong cuộc họp với UBND TP.HCM ngày 22-2 đến nay vẫn còn lòng vòng chưa giải quyết được.

Chuyển đổi số: tận dụng "cơ hội trăm năm"

Bàn về hướng phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện vẫn còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá cần đổi mới, sáng tạo những cách vận hành mới để cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc phải tiếp tục.

Theo ông Phong, đại dịch COVID-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia.

Từ quan điểm trên, UBND TP xác định giải pháp sẽ ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử... trên môi trường số.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên những website thương mại điện tử trên địa bàn TP.

Khuyến khích doanh nghiệp khuyến mãi giảm giá sản phẩm khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; các hoạt động dịch vụ thương mại trực tuyến và các hoạt động logistics (giao thông, vận tải, lưu kho, bảo quản và giao nhận hàng hóa) hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa, sản phẩm tại thị trường nội địa.

Đồng thời, TP sẽ triển khai các gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ nhằm kịp thời vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng.

Vận tải chờ giải cứu

lp_2 1(read-only)

Doanh nghiệp vận tải hoạt động trở lại sau mấy tháng kiệt quệ. Trong ảnh: khách đón xe đi các nơi tại bến xe Miền Đông - Ảnh: LÊ PHAN

Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - cho hay đợt dịch vừa qua, các doanh nghiệp đang vay lãi ngân hàng phải chịu cảnh không hoạt động nhưng các chi phí vận tải vẫn phải nộp.

Ông Tính cho hay hiệp hội đã kiến nghị các sở, ngành tháo gỡ các vướng mắc, trong đó miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí bảo trì hệ thống GPS, giảm thêm lãi suất ngân hàng.

"Các sở, ngành nên có giải pháp miễn phí vào bến bãi cho các doanh nghiệp vận tải, 3 bến xe lớn là An Sương, Miền Đông, Miền Tây nên làm đầu tiên để các đơn vị khác noi theo" - ông Tính kiến nghị.

Trong khi đó, Sở GTVT TP.HCM đã cùng với các hiệp hội Xe buýt, Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch, Taxi đánh giá ảnh hưởng dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp và hiệp hội vận tải kiến nghị đối với các chính sách tài chính ngân hàng, đề nghị giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả từ tháng 4, 5, 6-2020.

Kể từ tháng 7-2020 áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm. Đồng thời đề nghị giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ tháng 6 đến tháng 12 cho các doanh nghiệp...

Đối với các chính sách thuế, các đơn vị cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, cho giãn nộp 6 tháng đối với thuế nợ đọng đến ngày 31-3 không tính lãi chậm nộp, miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2020, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải, giảm hoặc miễn thu phí đậu đỗ đón khách tại sân bay, nhà ga, bến xe, cảng.

* Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành thực hiện các biện pháp cơ cấu trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí, miễn giãn thuế và các chính sách cho người lao động.

Đồng thời UBND TP sớm có kiến nghị xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ đến tháng 6-2020. Đối với đơn vị đã đóng cả năm được xem xét chuyển đóng cho thời gian kế tiếp.

ĐỨC PHÚ

Lãi suất: Nhà nước "chịu" thêm được không?

qd_congtytnhhlapphuc_27 4(read-only)

Các doanh nghiệp đều mong muốn được giảm lãi suất vay. Trong ảnh: công nhân tại một công ty ở Q.7, TP.HCM chuyên sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ thực tế ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và điện - tự động hóa, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE), cho rằng đây là ngành có đặc điểm nguồn lực lao động rất khó đào tạo, nên dù rất khó khăn doanh nghiệp (DN) vẫn cố gắng trả lương cho công nhân để duy trì nguồn lực làm việc.

Do đó ngoài giải pháp giảm lãi suất 1%/năm đối với các hợp đồng tín dụng đã ký, HAMEE kiến nghị cần giảm lãi suất 2%/năm đối với hợp đồng tín dụng mới và Nhà nước tài trợ phần này vì ngân hàng (NH) không chịu hỗ trợ.

Ngoài ra, khi ký hợp đồng giao thầu các gói thầu lớn đối với các tổng thầu, cần quy định một tỉ lệ nội địa hóa cho các DN 100% vốn VN vì nhiều DN có năng lực có thể chế tạo được nhiều loại sản phẩm chất lượng cao, công nghệ cao.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho rằng dù lãi suất bình quân đầu vào mỗi NH khác nhau và có sự phân biệt giữa các khối NH, song việc áp dụng đúng các quy định về huy động vốn, về lãi suất huy động và mặt bằng chung của lãi suất, các NH hoàn toàn có thể chủ động giảm lãi suất các khoản vay cũ hoặc cho vay lãi suất thấp hơn với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Ông Minh cũng cho biết vừa qua NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã thành lập đoàn khảo sát tình hình tại 12 NH và công ty tài chính trên địa bàn về việc thực hiện thông tư 01 của NH Nhà nước về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ.

Kết quả cho thấy các NH đều thực hiện việc giảm lãi suất cho khách hàng, với mức giảm 0,5-1,5%/năm. Tuy nhiên, các "ông lớn" như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank thực hiện chính sách lãi suất thấp hơn, dư nợ được giảm lãi cao hơn.

Về việc cơ cấu lại nợ, các NH đều thực hiện nhưng mức độ thực hiện khác nhau. Có NH chủ động nắm bắt, liên hệ khách hàng, có NH thì DN phải chủ động đề nghị.

Về khó khăn vướng mắc với NH chủ yếu là việc đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý để hỗ trợ DN.

Cụ thể về việc chứng minh thiệt hại, xác định đúng đối tượng và điều kiện để hỗ trợ, đặc biệt với DN nhỏ và vừa, là những vấn đề rất khó khăn do báo cáo tài chính và số liệu của các DN công bố chậm hoặc không đầy đủ. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình xem xét, hỗ trợ DN.

T.V.NGHI - Á.HỒNG

Du lịch TP.HCM Du lịch TP.HCM 'thấy ánh sáng' từ đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5

TTO - Trong khi các khu vui chơi, giải trí chưa được mở cửa trong dịp lễ 30-4 và 1-5, những điểm tham quan di tích lịch sử của TP.HCM đã đón lượng du khách đáng kể, trong đó có hàng trăm lượt khách quốc tế 4 ngày qua.

M.HƯƠNG - T.MẠNH - T.V.NGHI - N.HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên