Bến cảng Cà Ná luôn tấp nập tàu công suất lớn - Ảnh: VIỄN SỰ |
“Có những đêm biển vào mùa cá nam, chủ ghe ở Cà Ná “vô” cỡ trăm triệu đồng là bình thường |
Ông Võ Hùng |
Phía ngoài quốc lộ 1, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cửa hàng buôn bán mọc lên sầm uất. Trong các ngõ làng, nhà cửa san sát, giá đất đã cao ngang ngửa với Phan Rang. Tất cả những đổi thay ấy đều được dựng xây nên từ bàn tay chai sần của nhiều thế hệ lưu dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...
Vùng biển mặn nhất xứ An Nam
Ông Võ Ngọc Quang (81 tuổi) là con cháu đời thứ tư của dòng họ Võ ở Sông Cầu (Phú Yên) di cư vào Cà Ná từ giữa thế kỷ 19. Dù vậy, những người như ông Quang đều được gọi là dân Cà Ná gốc. Bởi đó là những người trong dòng tộc gắn bó lâu năm nhất với đất Cà Ná. Mồ hôi, xương máu của họ đã đổ xuống để có một Cà Ná như hôm nay.
Gia đình ông cố của ông Quang từ Phú Yên vào Cà Ná trên chiếc ghe bầu chèo tay. Đi hết nửa con trăng, sau mấy lần né sóng ở các gành biển dọc đường, cuối cùng cũng vào đến Cà Ná.
“Ông nội tui kể lại hồi đó xứ này người Kinh thưa thớt, chỉ có cái đình làng bằng cây rừng, lợp lá buông. Phía sát chân núi là làng của người Rắc Lây, ông bà tụi tui đánh được cá lại lên đó đổi bắp gạo về ăn...” - ông Quang kể lại về những buổi đầu khai phá đất Cà Ná.
Ông Nguyễn Văn Bông - chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phước Diêm - cho biết không chỉ gia tộc họ Võ mà tất cả những lưu dân di cư vào xứ biển này từ Nam - Ngãi - Bình - Phú hầu hết đều đến đây bằng ghe bầu.
Thuộc lớp người di cư muộn nhất vào Cà Ná, nhưng đến tận năm 1967 khi theo gia đình từ Sông Cầu (Phú Yên), ký ức chuyến vượt biển đi tìm miền đất mới của ông Bông vẫn là những chiếc ghe bầu chèo tay như bao thế hệ lưu dân đến Cà Ná.
“Giàu có thì không ai bỏ xứ mà đi, chỉ có dân nghèo nên cứ ghe bầu men theo bờ mà đi, khi nào đuối sức thì ghé vô gành nghỉ lại. Tụi tui là thế hệ cuối cùng di cư vào đây, nay cũng gần nửa thế kỷ rồi” - ông Bông nhớ lại.
Ký ức của ông Võ Ngọc Quang dù chỉ từ lời kể của cha ông khá trùng khớp với tài liệu còn ghi trong tài liệu của người Pháp về mảnh đất này. Đó là ghi chép về quá trình xây dựng nên Sở muối Cà Ná vào năm 1927.
Người vẽ bản thiết kế và xây dựng nên Sở muối Cà Ná vào lúc đó là Barbarin - một nhà mại bản người Pháp. Barbarin cho biết ông đã đến mảnh đất này rất nhiều năm trước để thăm dò rồi quyết định xây Sở muối.
Theo lời Barbarin, cuối thế kỷ 19 Cà Ná vẫn còn là vùng đất hoang vu, những cánh rừng chà là chạy từ núi cao ra sát mép biển, thú dữ đông hơn dân làng. Ông chủ Sở muối đã phải thuê hàng ngàn nhân công từ nhiều nơi đến để bạt rừng, phá núi, chở nước ngọt từ nơi khác đến, với quyết tâm xây dựng sở muối đầu tiên ở phần Nam Trung kỳ vì đây là vùng có nước biển mặn nhất xứ An Nam.
Sự hoang vu của Cà Ná cũng được mô tả trong Đại Nam nhất thống chí, khi vào năm 1890 địa hạt hành chính của Cà Ná chỉ mới có làng Lạc Nghiệp với vài chục nóc nhà. Cư dân bắt đầu tăng thêm khi tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang nối thông (năm 1910) và chọn Cà Ná là một ga đón khách, rồi Sở muối được hình thành năm 1927 và có thêm làng Thương Diêm ra đời.
“Nhờ đó không chỉ ghe bầu của những đoàn di dân mà ghe buôn hải sản, ghe chở muối, ghe buôn gạo mắm, cá mực cũng đông hơn. Hồi tui còn nhỏ, cha tui cũng mấy lần về xứ đưa thêm bà con vô đây. Lúc đó không chỉ làm nghề biển mà đóng ghe, thợ nề, thợ mộc, thợ rèn... cũng đưa vô. Sinh con, đẻ cháu rồi hình thành thêm nhiều làng nữa” - ông Võ Ngọc Quang kể tiếp về hành trình của Cà Ná.
Cá cơm là nguồn hải sản tạo nên thương hiệu của làng biển Cà Ná - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Đội tàu đông nhất tỉnh
Từ một làng Lạc Nghiệp lúc khai lập với vài chục nóc nhà, đất Cà Ná bây giờ đã tách thành 10 làng ở hai xã Cà Ná và Phước Diêm, dân số trên 23.000 người. Hàng chục năm nay, kể cả khi đã tách xã, Cà Ná và Phước Diêm luôn là những xã thu ngân sách dẫn đầu huyện Thuận Nam.
Ông Đào Ngọc Ky (70 tuổi) ở thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná kể hơn 50 năm trước, thời trai trẻ ông cùng anh em đi biển chỉ trên chiếc thuyền chèo tay hoặc chiếc thúng chai, không hề có ghe máy, tàu lớn như bây giờ. Nhưng nhờ nước biển sạch và có nhiều rạn san hô kéo dài tận cù lao Câu nên cá tôm bắt không xuể.
Ông Ky nói lúc đó người Cà Ná thường lên rừng chặt là a (một loại tre) về kết chà, kết mành và thả xuống biển để dụ cá. Chỉ sau chừng nửa tháng thì cá kéo đến đông đặc, cứ thế vừa đánh bắt vừa di chuyển chà vào gần bờ hơn. “Thời đó chưa có ghe máy nên chỉ đánh mấy tháng mùa nam, đến mùa gió bấc, cỡ tháng 9 âm lịch là ngưng đi biển vì lúc đó sóng gió dữ lắm!” - ông Ky nhớ lại.
Đó là chuyện xưa, còn bây giờ trong buổi sáng đầu tiên đến bến cảng Cà Ná vào giữa tháng 9, chúng tôi đã choáng ngợp vì lượng tàu thuyền về bến ở vùng đất này đông đúc không kém bất kỳ bến tàu lớn nào tại miền Trung.
Ông Võ Hùng, chủ chiếc ghe có công suất trên 300 CV vừa cập bến, sau một đêm đánh cá cơm cách bờ chỉ hơn mười hải lý, chiếc ghe của ông đánh được gần 50 giỏ cá cơm than. Giá mua tại cảng bữa đó là 480.000 đồng/giỏ 15kg. Trừ chi phí và phần chia cho những người đi bạn, ông Hùng có gần 10 triệu sau một đêm biển.
Nhưng ông Hùng nói có những đêm biển vào mùa cá nam, chủ ghe ở Cà Ná “vô” cỡ trăm triệu đồng là bình thường. “Ghe như tui ở làng Cà Ná này đếm mỏi tay. Chiếc này tui đóng bảy năm rồi, bây giờ nhiều người đóng mới, tính chuyện cả tám, chín trăm mã lực” - ông Hùng nói.
Anh Bạch Thuận Phú - phó chủ tịch xã Phước Diêm - cho biết chỉ riêng xã này đã có gần 500 chiếc tàu, tổng công suất gần 100.000 CV. Xã Cà Ná dù có đội tàu nhỏ hơn nhưng cũng có tổng công suất trên 53.000 CV. Năm 2015, đội tàu của Cà Ná và Phước Diêm đã đánh bắt được hơn 46.000 tấn hải sản, bằng tất cả sản lượng các làng biển khác trong toàn tỉnh Ninh Thuận cộng lại.
Mấy trăm năm từ lúc lập làng, từ những chiếc ghe bầu chèo tay đi tìm vùng đất hứa đến đội tàu hùng mạnh vươn ra ngư trường xa, người Cà Ná đã đi một chặng đường dài. Và con cháu những lưu dân Nam - Ngãi - Bình - Phú ấy vẫn miệt mài đi tiếp, kể tiếp câu chuyện từ chiếc ghe bầu vượt biển của cha ông mình
3 đợt di cư Người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đi cư vào Cà Ná làm nhiều đợt. Nhưng theo các tài liệu và lời kể của các cụ cao tuổi ở Cà Ná, có ba đợt di dân lớn. Thế hệ đầu tiên vào đầu thế kỷ 19, những ghe buôn của người Quảng Ngãi, Bình Định thấy vùng biển nhiều tôm cá, có bãi đất bằng phẳng dưới chân núi đã chọn Cà Ná làm điểm dừng chân mưu sinh. Đợt thứ hai vào cuối thập niên 1930, khi Sở muối Cà Ná thành lập, dân cư Cà Ná lúc này hơn 300 người và tăng dần khi các ghe bầu chở người di cư vào càng đông. Và đợt thứ ba là vào những năm 1960, do chiến tranh loạn lạc nên người Cà Ná tìm về quê cũ và đưa anh em họ hàng vào làm ăn, sinh sống. |
____________
Kỳ tới: Thương hiệu hải sản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận