Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024.
Đáng chú ý, trong top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024, ngân hàng áp đảo với 7 đơn vị xuất hiện như: Vietcombank, ACB, HDBank, MBBank, BIDV, Tecombank, VietinBank…
Động thái khối ngoại - biến số năm 2024
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra doanh nghiệp đại chúng lo ngại năm 2024 vẫn là "vùng giao tranh" giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi của thị trường.
Cụ thể, có tới 88,9% số doanh nghiệp đánh giá diễn biến tăng, giảm đan xen là trạng thái chủ đạo xuyên suốt năm.
Dù có nền tảng hỗ trợ từ mặt bằng lãi suất thấp, nâng hạng thị trường chứng khoán, tuy nhiên thị trường chứng khoán năm 2024 vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số cần theo dõi.
Các biến số này bao gồm: chính sách tiền tệ của Fed, thanh khoản hệ thống và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại và biến động tỉ giá.
Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra giá vàng liên tục lập đỉnh cũng phân tán sự quan tâm đến các kênh đầu tư khác, ngoài chứng khoán.
Trong các yếu tố nêu trên, khảo sát Vietnam Report chỉ ra diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại luôn là một yếu tố có tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán thông qua nhiều khía cạnh.
Trong năm vừa qua, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã quay sang bán ròng bắt đầu từ quý 2-2023. Những tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng mạnh liên tiếp trong bối cảnh dòng tiền đầu tư toàn cầu tỏ ra thận trọng về việc Fed sẽ neo mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Cũng theo báo cáo, mặc dù tỉ trọng giao dịch của khối ngoại hiện nay đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng động thái từ khối ngoại vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư.
Lực bán ròng khối ngoại từ đâu?
Theo đại diện Fiintrade, 4 tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng tương đương gần 74% cả năm 2023. Cụ thể, lũy kế 4 tháng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 17.000 tỉ đồng so với năm 2023 bán hơn 22.000 tỉ đồng.
Xét khung thời gian 1 năm, lực bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng, theo nhận định từ Fiintrade. Lũy kế 12 tháng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 45.300 tỉ đồng, tập trung bán mạnh trong tháng 12-2023 và tháng 3-2024.
Dòng tiền tổ chức nước ngoài được Fiintrade phân tách theo hai nhóm. Trong đó, nhóm chủ động đại diện cho dòng tiền đến từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài (phần lớn là các quỹ chủ động).
Nhóm còn lại đại diện cho dòng tiền thụ động từ các quỹ ETF. Việc giao dịch mua (bán) cổ phiếu của nhóm này sẽ dựa trên việc mô phỏng tỉ trọng danh mục của chỉ số mà quỹ đang tham chiếu.
Thống kê từ Fiintrade, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổ chức nước ngoài đã bán ròng tương đương 76% cả năm 2023. Cụ thể, tổng giá trị bán ròng của tổ chức ngoài đạt hơn 19.000 tỉ đồng.
Trong đó, nhóm chủ động bán ròng 15.700 tỉ đồng và các quỹ ETF chiếm phần còn lại (3.300 tỉ đồng). Xét khung thời gian 1 năm, xu hướng bán ròng liên tục gia tăng ở nhóm chủ động.
Trong khi đó, dòng tiền ETF ít biến động hơn nhưng bắt đầu xuất hiện xu hướng bán ròng. Lũy kế 12 tháng, nhóm chủ động đã bán ròng tổng cộng 41.000 tỉ đồng.
Cá nhân trong nước là bên mua ròng đối ứng với lực bán ròng của nước ngoài từ tháng 4-2023 đến nay trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng về vùng dưới 5%/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận