Nhà đầu tư trong nước đang trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường chứng khoán khi khối ngoại liên tục bán ròng - Ảnh: BÔNG MAI
Kể từ phiên 19-2 đến nay 15-3, nhà đầu tư ngoại đã dồn dập, không ngừng bán ròng với tổng giá trị hơn 9.900 tỉ đồng, trong đó có nhiều phiên ghi nhận mức bán ròng trên 1.000 tỉ đồng/phiên.
Riêng phiên 15-3, khối ngoại đã rút hơn 473 tỉ đồng ra khỏi thị trường chứng khoán Việt. Trước đó, khối ngoại xen kẽ bán ròng và mua ròng, chứ không dồn dập bán như hiện tại.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh rơi vào Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vinamilk (VNM), Vietinbank (CTG), Masan (MSN), PetroVietnam Power (POW), Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán Vndirect (VND), Vietcombank (VCB), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH)...
Ở chiều ngược lại, khối ngoại ưu ái mua cổ phiếu của Novaland (NVL), Đô thị Kinh Bắc (KBC), Thế giới di động (MWG), Vinhomes (VHM), Vietjet (VJC), Vincom Retail (VRE), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Đặc biệt, dòng tiền nước ngoài đổ khá mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục như ETF VFMVN Diamond, FUESSVFL, E1VFVN30.
Dù nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khá mạnh, nhưng nhờ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đổ vào nên sắc xanh vẫn được giữ vững trong các phiên giao dịch gần đây.
Ở phiên giao dịch 15-3, tình trạng nghẽn lệnh, quá tải tiếp tục xảy ra đối với các giao dịch mua bán cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), tạo áp lực không nhỏ đối với nhà đầu tư.
Hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp lớn cũng bị bán ra mạnh như Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Ngân hàng BIDV (BID), Sabeco (SAB), Vincom Retail (VRE), Vietnam Airlines (HVN)...
Trong ngày, một số "công thần" thuộc nhóm ngân hàng đã gồng gánh thị trường như Vietcombank (VCB), MBBank (MBB), Á Châu (ACB)... và một số doanh nghiệp ngành khác như Petrolimex (PLX), Masan (MSN)...
Xét theo lĩnh vực, nhóm bị bán ra mạnh theo thứ tự tăng dần rơi vào vận tải - kho bãi, tiện ích, sản xuất hàng gia dụng, bảo hiểm, khai khoáng, sản xuất thiết bị - máy móc, sản xuất nhựa - hóa chất, dịch vụ lưu trú - ăn uống - giải trí.
Nhóm vẫn giữ sắc xanh tăng trưởng thuộc về công nghệ thông tin, bất động sản, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, thực phẩm - đồ uống, sản phẩm cao su, chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, sản phẩm phụ trợ, dịch vụ tư vấn - hỗ trợ, bán lẻ, nông - lâm - ngư, chế biến thủy sản, chăm sóc sức khỏe.
Chốt phiên ngày 15-3, VN-Index tạm neo ở 1.184,56 điểm sau khi tăng nhẹ 3 điểm (+0,25%), thanh khoản đạt hơn 15,105 tỉ đồng.
Rổ VN30 cũng nhích nhẹ 3,05 điểm (+0,26%) lên mốc 1.190,86 điểm.
Trong lúc sàn HNX tăng 1,28 điểm (+0,47%) lên 275,19 điểm thì rổ HNX30 lại có chiều đối lập khi rớt 1,63 điểm (-0,41%) xuống 392,77 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường bao gồm sàn HSX, HNX và UPCoM xấp xỉ 18.170 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận