05/04/2023 11:00 GMT+7

Khởi nghiệp với truyền thông quảng cáo, nhắm khách hàng lớn

Unikon ra đời với sứ mệnh giúp khách hàng tự động hóa giao tiếp tất cả giai đoạn qua ứng dụng nền tảng sáng tạo nội dung tự động.

Unikon - ứng dụng AI trong truyền thông quảng cáo - Video: SƠN TRANG - DIỄM HƯỜNG - CÔNG TUẤN

Với nhiều năm kinh nghiệm làm mảng nội dung, chị Hoàng Hường (TP.HCM) - một founder của Unikon - thấy thực tế là nhiều công ty và thương hiệu không có khả năng truyền tải thông điệp qua việc sản xuất nội dung ở phạm vi rộng với số lượng lớn.

Nói cách khác, với những dữ liệu đã được phân tích, AI có thể tạo ra nội dung tự động hợp xu hướng ở đa dạng thức, từ bài báo, hình ảnh đến âm thanh một cách dễ dàng trong thời gian ngắn.

Unikon áp dụng các thuật toán để máy tính có khả năng "học hỏi" thông tin trực tiếp từ dữ liệu để càng được sử dụng nhiều, hệ thống sẽ càng hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.

Công nghệ này cho phép máy tính xử lý ngôn ngữ của con người dưới dạng dữ liệu văn bản hoặc giọng nói, "hiểu" ý nghĩa đầy đủ, hoàn chỉnh với ý định và cảm xúc của người nói hoặc người viết.

Cụ thể hơn, với một số từ khóa đầu vào, hệ thống AI của Unikon có thể tự động tạo ra số lượng lớn sản phẩm nội dung, bao gồm: bài đăng trên mạng xã hội, bài viết SEO dài, sách, bình luận.

"Với các doanh nghiệp cần có một lượng đáng kể nội dung trong thời gian ngắn với nguồn nhân lực nội dung hạn chế, gói nội dung văn bản của Unikon là một giải pháp cho doanh nghiệp", Hường giới thiệu.

Hành trình khởi nghiệp của Unikon

Khởi nghiệp với truyền thông quảng cáo, nhắm khách hàng lớn - Ảnh 2.

3 nhà sáng lập của Unikon - Ảnh do nhân vật cung cấp

Khoảng năm 2017 - 2018, khi còn làm trong mảng nội dung cho các tập đoàn lớn, Hường cùng các founder tương lai đã có cùng một niềm trăn trở về vấn đề nội dung ở Việt Nam. Theo đó, có rất nhiều nội dung trùng lắp, sao chép của nhau một cách vội vã và có chất lượng thấp đang lưu hành trên khắp các nền tảng. Có những nội dung mà máy có khi lại làm có thể tốt hơn nội dung của những người sao đi chép lại.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của cô cùng cộng sự, cách tiếp cận nội dung của giới công nghệ và giới nội dung khác nhau. Với giới nội dung, họ luôn chú trọng chất lượng, giọng điệu và cái gọi là hay. Trong khi giới công nghệ chỉ lướt xem nội dung thể hiện được các gạch đầu dòng về sản phẩm không, không cần biết ai làm, người hay máy.

Đầu năm 2020 sau chuyến đi Đà Lạt về, 3 người quyết định thành lập Unikon - là đơn vị ứng dụng AI trong việc xây dựng và cung cấp các giải pháp về sáng tạo tương đối hoàn thiện để phục vụ trên các nền tảng hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực nội dung và truyền thông marketing.

Khởi nghiệp với truyền thông quảng cáo, nhắm khách hàng lớn - Ảnh 3.

Châu, Tuấn Linh và Hường trong chuyến đi "thai nghén" Unikon ở Đà Lạt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhóm bắt tay xây dựng công cụ sản xuất nội dung (content builder). Khó khăn nhất khi mới bắt đầu là đội ngũ công nghệ có quá nhiều ý tưởng và triển khai quá nhiều hướng. Sau vài năm mà đã làm demo tới vài trăm tools, nhưng nhìn lại thì điều này tạo ra hứng thú cho người làm, lại thiếu tập trung nên khó tạo ra một sản phẩm hoàn thiện.

Đến giữa 2022, nhìn ra vấn đề, không thể làm theo hứng thú và hào hứng làm cái mới trong khi cái cũ chưa hoàn thiện, đội ngũ sáng lập trao đổi lại, quyết tâm làm thì phải tập trung.

"Mình cũng trao đổi với anh em, phân định rõ ràng giữa nghiên cứu sáng tạo công nghệ và chuyện sản phẩm để ra thị trường. Mình phân bổ lại nhân sự, điều phối quá trình tham gia nhằm tạo ra sản phẩm trọn vẹn thay vì chỉ có những bản demo cho thỏa niềm đam mê của người thiết kế. Cũng nhờ start đội ngũ tinh gọn của một start-up nên quá trình điều chỉnh cũng không quá phức tạp", Hường nói.

Khởi nghiệp với truyền thông quảng cáo, nhắm khách hàng lớn - Ảnh 4.

Người ảo có khả năng sáng tạo nội dung kịch bản của Unikon - Ảnh do nhân vật cung cấp

Start-up nhưng ngay từ đầu chủ yếu hướng tới khách hàng lớn

Chiến lược được các nhà sáng lập của Unikon với kinh nghiệm khá dày dặn tự tham vấn và phản biện nhau để lập ra nên khá bài bản từ đầu. Mô hình khá tinh giản, nhân sự dưới 10 người dù quy mô công việc nhanh chóng tăng lên. Theo Hường, điều may mắn là trong quá trình triển khai, chính khách hàng đưa ra những nhận định tốt nhất cho nhóm để có thể hoàn thiện.

Khá sớm sau khi thành lập, nhóm đã có một loạt khách hàng, hầu hết là các agency hoặc khách hàng lớn từng có quan hệ với các nhà sáng lập dự án. Unikon cung cấp giải pháp AI để triển khai các chiến dịch hàng năm cho họ.

"Mình tập trung cho các nhãn hàng lớn, vì họ đề cao sáng tạo đổi mới. Và quy mô lớn nên họ rất thích tự động hóa tối đa có thể thay vì trao đổi với từng người cho mỗi vấn đề", Hường nói và giải thích thêm, trong giai đoạn đầu khi thị trường chưa đủ lớn, khách hàng nhỏ khó dùng sản phẩm của Unikon vì giá thành cao hơn mức họ chi trả, trong khi chi phí lương lao động lại rẻ hơn.

Hường nhận định, thị trường có thể đổi khác, song ứng dụng Unikon vẫn có phân khúc để cạnh tranh. "Nội dung cần hàng ngày dạng nhanh, nhiều nên người chi trả cũng không thể trả nhiều cho mỗi tác phẩm. Về lâu dài, máy làm việc này vẫn có phân khúc để cung cấp cho thị trường những bài viết với câu chữ rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu", Hường chia sẻ.

Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award

Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.

Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với giá trị 100 triệu đồng/giải.

Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...

Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].

MINH HUỲNH

Khởi nghiệp với truyền thông quảng cáo, nhắm khách hàng lớn - Ảnh 6.
Video: Giải pháp thông minh giúp người dùng không lo quên tắt máy lạnh Video: Giải pháp thông minh giúp người dùng không lo quên tắt máy lạnh

Với BenKon SmartAir - thiết bị giám sát thông minh, người dùng có thể điều khiển nhiều máy lạnh từ xa (không giới hạn khoảng cách) chỉ bằng chiếc điện thoại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên