Chị Phạm Thị Mạnh và những bức tranh thêu mới được chuyển về từ Trường Sa - Ảnh: TỰ TRUNG |
"Có gì đó còn khúc mắc chưa được giải tỏa. Rồi tôi chợt nghĩ ra và bắt tay vào việc...”. chị kể nguyên cớ bắt đầu mối lo mới của chị những ngày này.
Việc gì tận dụng được thời gian mà chỉ cần hai bàn tay?
Con nhà lính, bôn ba từ Bắc Ninh vào TP.HCM, vợ chồng cùng làm thầu xây dựng và lắp đặt cửa nhôm kính, hai con đi học, tưởng như thế đã đủ nỗi lo với chị Mạnh. Vậy nhưng mấy năm nay kinh tế dần ổn định, con trai con gái đứa vào đại học, đứa lên cấp III, chị Mạnh lại đam mê hoạt động xã hội.
Lập một nhóm những người cùng chung tâm huyết, các anh chị quyên góp để đi xây trường ở những vùng xa, cấp học bổng cho học trò nghèo, lập quỹ trợ cấp cho người khuyết tật. Rồi cơ duyên con nhà lính dẫn chị đến với những đơn vị bộ đội, đóng góp xây dựng chùa ở đảo Nam Yết, gửi những gốc cây cảnh ra đảo.
“Chiếc vé độc đắc” được ra Trường Sa đã đến từ đó.
“Ra Trường Sa vui mừng là thế, vậy mà về không ngủ được, cứ nghĩ đến những người phụ nữ ở Trường Sa mà mình đã gặp” - chị Mạnh kể nỗi trằn trọc của mình.
Họ đều là những phụ nữ khỏe mạnh, mặn mòi sóng gió, thế nhưng sống trên đảo tứ bề là biển mênh mông, bốn mùa gió sóng thuyền khó mà ra khơi đánh cá, đất trồng vài cây rau còn khó khiến chân tay trở nên thừa thãi, thời giờ rảnh rỗi quá nhiều mà việc làm không có.
“Vốn là người chân đi tay làm, tôi nghĩ nếu mình ở đó chắc không chịu được. Cái gì cũng thiếu, chỉ dư thừa thời gian. Phải có việc để làm, tăng thu nhập là một, bớt cô đơn là hai, giữ cái tính siêng năng, cần cù, chịu khó của phụ nữ là ba...” - nghĩ vậy và chị quả quyết với chính mình: Phải tìm cách giúp chị em tạo thêm việc làm khi nhàn rỗi.
Nghĩ rồi chị Mạnh đắn đo lựa chọn: Trường Sa không có đủ đất, nước để nuôi, trồng, không có đủ điện để sản xuất, không có khách hàng để buôn bán, không có nơi đào tạo nghề. Việc gì tận dụng được thời gian mà chỉ cần hai bàn tay? Đến đây thì chợt nhớ ra những bức thêu chữ thập đã khiến các cô các chị ở thành phố mê mệt mấy năm nay.
Nghĩ là làm, dù chưa bao giờ cầm tới cái kim, chị Mạnh lập tức đi tìm mua hàng chục bộ mẫu thêu chữ thập, kim chỉ, liên lạc với đảo trưởng Trường Sa Lớn, với chi hội phụ nữ của đảo, với các tàu đi Trường Sa...
Bốn tháng sau, những bức thêu được đóng khung hoàn chỉnh đã được chuyển trở lại nhà chị.
Thu hoạch rau cho bữa cơm gia đình trên đảo Trường Sa - Ảnh: T.T.D. |
Những bức tranh lẫn cát bụi Trường Sa
Những bức tranh thêu nằm lọt thỏm trong xưởng nhôm kính của gia đình, chị Mạnh bày lên bộ salon gỗ, thỏa thuê nhìn như đang ngắm những tác phẩm của chính mình.
Chị Mạnh tinh ý và đầy lòng chia sẻ nên cảm và nhìn ra được điểm khác biệt của những bức tranh thêu từ bàn tay của chị em phụ nữ nơi đảo Trường Sa gửi về.
Miết ngón tay trên mặt kính, chị tận tình chỉ dẫn cho khách trên bức tranh thêu cảnh làng quê: hãy nhìn những mảng trắng, xanh chỗ mặt nước này, nó không được mịn màng, trắng sáng như những bức tranh đang được bày bán bên ngoài đâu, ấy là vì trong này đã lẫn vào chút bụi cát Trường Sa đó.
"Màu sắc các bức thêu nhìn cũng có vẻ thẫm hơn, tôi cho rằng do đã thấm chút mặn từ gió biển. Khung thì rất chắc chắn, tay bộ đội đóng đấy... Hàng 'Made in Trường Sa' mà", chị Mạnh nói.
Vừa tìm chỗ tiêu thụ tranh thêu, chị Mạnh lại đang tính tiếp việc chụp cảnh biển đảo Trường Sa in thành tranh, tìm người có chuyên môn thiết kế thành mẫu thêu... để những bức tranh sắp tới chỉ cần liếc qua đã biết ngay “Made in Trường Sa” mà không cần đến nhãn dán, đóng mộc của thị trấn Trường Sa nữa.
Chị hồ hởi bấm ngón tay tính tiếp: “Bán được tranh, tôi sẽ chuyển tiền về cho các chị em. Số vốn mua nguyên liệu ban đầu coi như là quà tặng chúc mừng niềm vui mới...”.
Gọi điện cho chị Như Liên - chi hội trưởng Hội phụ nữ Trường Sa Lớn, chị hào hứng trả lời: “Trước đây tôi cũng có thêu vài bức để treo trong nhà, biếu cha mẹ. Gợi ý của chị Mạnh khiến các chị em rất vui vì có công việc thiết thực, vui hơn nữa là có người chia sẻ với cuộc sống của mình".
"Người đã biết chỉ cho người chưa biết, sau vài ngày thì ai cũng miệt mài thêu. Nếu có thể tạo ra một sản phẩm của Trường Sa để đưa vào bờ tiêu thụ thì các gia đình chúng tôi không có gì mừng hơn. Trường Sa đón nhận ân nghĩa của đất liền quá nhiều rồi...”.
Một sản phẩm “Made in Trường Sa” tham gia thị trường ở đất liền quả là một đề nghị đáng suy nghĩ, đáng để chung tay vào việc.
Nhắc đến Trường Sa không chỉ là câu chuyện chủ quyền. Đảo Trường Sa dù nhỏ bé vẫn luôn hào phóng với khách. Những người khách may mắn được đến Trường Sa ai cũng cố gắng mang về một vật kỷ niệm: viên đá san hô, chiếc vỏ ốc, quả bàng vuông, mảnh cờ nát bươm vì gió...
Những người dân Trường Sa thiếu thốn nhiều, cô đơn không ít, nhưng vẫn luôn muốn tự mình sản xuất ra một cái gì đó mang dấu ấn đặc biệt của Trường Sa. Bức tranh thêu từ ý tưởng của chị Mạnh có thể là một sự bắt đầu cho những ý tưởng, sự chung tay khác từ đất liền, để Trường Sa không xa...
Thêu hải đăng, bàng vuông lên tranh Thu Sai (Trường Sa Lớn, Khánh Hòa) gọi điện cho chị Mạnh nhân dịp về Cam Ranh thăm gia đình. Thu Sai cười giòn: “Em có ảnh tự chụp ở Trường Sa, có biển, có đảo, có hải đăng, có hoa quả bàng vuông... Nhân vào bờ, em sẽ đi hỏi xem làm thế nào để chuyển sang thành mẫu thêu. Nếu làm được chắc các chị em sẽ thích thú hơn, sản phẩm cũng ý nghĩa, giá trị hơn. Bức vừa rồi em thêu mấy tháng luôn đó...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận