Chiều 27-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề án 1665/QĐ-TTg đến tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước.
Sau 5 năm triển khai, đề án đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Theo đó, tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn đã tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022).
Có 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.
Đến nay, có 60% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình, 90 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, 45 cơ sở đào tạo đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông. Hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đồng thời, ký kết với 8 doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc huy động nguồn lực triển khai đề án trong giai đoạn 2 (năm 2022-2025).
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhận định hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo mang lại nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác triển khai.
Trong những năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng các giải pháp để triển khai có hiệu quả đề án, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ngay từ các bậc học phổ thông.
"Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị hoàn thiện, ban hành bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đây là một thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học và tầm ảnh hưởng của cơ sở giáo dục đại học đó với cộng đồng, xã hội", bà Minh chia sẻ.
Tạo sân chơi kết nối "Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp"
Theo báo cáo kết quả triển khai đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, hằng năm bộ còn tổ chức các ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên, tạo sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Ngày hội đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút hơn 20.000 người tham dự, tổ chức được 40 hội thảo, diễn đàn truyền cảm hứng, hơn 200 đơn vị, trường học tham gia và 50 doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư đồng hành.
Song song với ngày hội khởi nghiệp, cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
Trải qua 5 năm tổ chức, từ hàng nghìn dự án của các học sinh, sinh viên đến từ các địa phương, trường đại học, cao đẳng, ban tổ chức cuộc thi cấp trung ương đã nhận được tổng số: 1.670 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 900 dự án đến từ các trường THPT, THCS trong toàn quốc.
70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm được duy trì ở mức cao trên 7% năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận