Các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp tại TP.HCM tìm đến các nhà đầu tư là những doanh nhân để được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm khi bắt đầu đặt chân vào con đường khởi nghiệp - Ảnh: Q.Linh |
Từ sân chơi này, một số dự án khởi nghiệp đã ra đời, tham gia vườn ươm doanh nghiệp chờ ngày “đủ cứng cỏi” để chào sân.
Thế nhưng khi nhiều bạn còn tiếp cận khởi nghiệp bằng chuyện vốn thì TS Nguyễn Bá Hải (tác giả “mắt thần” cho người khiếm thị) lại nói vốn không phải quan trọng nhất. Theo anh, hệ sinh thái khởi nghiệp mới là yếu tố cần. Anh đã xin địa chỉ email và được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cung cấp ngay lập tức tại buổi gặp mới đây để gửi bản hiến kế về hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trao đổi nhanh, TS Hải nói có thể hình dung hệ sinh thái ấy vận hành nhiều mảng. Trong đó có học tập, huấn luyện những kiến thức cơ bản liên quan đến nhiều lĩnh vực khởi nghiệp, sự tương tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhiều yếu tố khác.
“Các yếu tố này do chính cộng đồng khởi nghiệp cùng cung cấp, chia sẻ cho nhau và dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp như một từ điển mở trên Internet để ai quan tâm khởi nghiệp đều có thể tìm thấy điều họ đang cần và đi tìm” - anh Hải phân tích.
Điều tương tự được Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM triển khai gần hai năm qua trong dự án “Mỗi doanh nhân - một người thầy” và đã có vài cặp “thầy - trò” tìm ra nhau. Những người trẻ đam mê, khát khao khởi nghiệp được các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm, cả bài học thất bại có khi nhiều hơn mà không phải bất cứ bài giảng nhập môn nào về khởi nghiệp cũng có.
Tuy vậy, không phải là tất cả song vốn vẫn là yếu tố không thể thiếu với số đông người trẻ khởi nghiệp. Đây cũng là điều được nhiều bạn trẻ hỏi Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh tại buổi đối thoại hôm 14-3 khi nói đến khởi nghiệp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng rất chia sẻ việc không thể không cần vốn khi bắt tay khởi nghiệp trong buổi đối thoại với thanh niên hôm 20-3.
Tại TP.HCM, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã vận hành nhiều năm qua nhưng hiện đang... hết tiền! Số tiền 30 tỉ đồng ủy thác của lãnh đạo TP đã xoay vòng hết và năm 2016 phải hoàn trả khoảng 11 tỉ đồng khi đến hạn nên các dự án xin vay hiện đang xếp hàng chờ.
Quyết định tăng nguồn quỹ này lên 100 tỉ đồng đã có từ Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên VN TP.HCM hồi tháng 10-2014 nhưng hiện vẫn chưa có tiền. Lý do là có chủ trương đưa các nguồn quỹ do các hội, đoàn thể quản lý về đầu mối Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tuy nhiên, tại cuộc làm việc mới nhất, hầu hết các hội, đoàn thể không đồng thuận mà muốn được tiếp tục vận hành như thời gian qua. Không có vốn thì nói giúp đối tượng mình phụ trách làm ăn, khởi nghiệp chỉ là làm cầu nối chuyển hồ sơ xin vay qua ngân hàng chứ biết giúp bằng gì (!?).
Giám đốc BSSC Trương Lý Hoàng Phi cho rằng rất cần có quỹ đầu tư mạo hiểm. Hình dung là doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm cùng lập quỹ, có thể chỉ rõ lĩnh vực muốn đầu tư để cộng đồng khởi nghiệp thấy phù hợp bắt tay cùng làm.
Như cách một đơn vị đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng cho nhóm M4S khởi nghiệp với cửa hàng cá sạch và chưa đặt bất kỳ điều kiện nào có thể xem là một dạng đầu tư mạo hiểm.
“Dĩ nhiên cần chấp nhận rủi ro nhưng khởi nghiệp thành công, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng thắng lớn” - chị Hoàng Phi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận