09/02/2010 02:27 GMT+7

Khởi nghĩa Yên Bái qua cái nhìn của người Pháp - Kỳ cuối: Thế hệ khởi nghĩa Yên Bái

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái 22 năm, từ Hà Nội giám mục Gendreau báo cáo về vụ Hà thành đầu độc như một sự cảnh báo dữ dội với hệ thống cầm quyền và quyền lực nhà thờ.

Kỳ 1: “Không thể bịt mồm một dân tộc!”Kỳ 2: Từ báo cáo của các giám mục Pháp

O2FOvgNB.jpgPhóng to
Thế hệ con cháu của những nhà lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái thắp nhang bên tượng đài được đời sau xây dựng - Ảnh: LINH NHI

22 năm và hai báo cáo

Trong báo cáo này, giám mục Gendreau viết:

“Năm ngoái tôi đã... ghi nhận sự bất bình ngày càng tỏ rõ của dân An Nam chống lại chính phủ bảo hộ... nhiều sự việc đã sớm xảy ra biện minh cho các nhận xét đó. Tháng 4 năm nay, tại nhiều tỉnh An Nam (thuộc triều đình nhà Nguyễn) đã nổ ra những vụ biểu tình ầm ĩ. Dân chúng làm náo động đòi giải thuế, đến la hét phản đối ngay trước mặt các quan công sứ Pháp. Ở Bắc kỳ này thì không thấy có những việc như thế, song chiến thuật họ sử dụng lại gian trá hơn, nguy hiểm hơn. Bọn giật dây trong bóng tối ra tay tìm cách chiêu dụ bọn binh lính địa phương, nhằm mục đích đạt đến một cuộc tổng nổi dậy.

Ngày 27-6, phần thứ nhất kế hoạch này thực hiện. Vào bữa tối, hai đại đội binh sĩ Pháp của thành Hà Nội bị đầu độc suýt mất mạng. May thay là liều lượng thuốc độc đã được tính toán sai...

Thật vậy, ngay cuộc điều tra đầu tiên sáng hôm sau, người ta đã nhận ra đây là một âm mưu đã được chuẩn bị từ trước rất lâu, và hệ thống đường dây luồn lên thật cao, thật xa. Đó là âm mưu của hàng trăm hội đoàn ái hữu bản xứ mà chính quyền, do quá tin tưởng, đã cho phép hoạt động, song lại lợi dụng để tổ chức tạo phản và nổi loạn. Ngay từ tháng 11-1907, tin tức mật thám đã lưu ý những hoạt động mờ ám của các hội đoàn này.

Vài ngày trước vụ đầu độc ngày 27-6, tôi vẫn còn kêu gọi nhà cầm quyền chú ý đến những rù quến đang bí mật diễn ra trong thành Hà Nội. Cuối cùng thì hôm 27 đó, một thừa sai của chúng tôi được báo rằng âm mưu đang diễn ra, đã nhanh chóng báo tin các chỉ huy quân sự. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục làm như thế. Cho dù thái độ của nhà chức trách đối với chúng tôi có như thế nào, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phục vụ tốt nhất lợi ích chung” (1).

Câu kết chua chát của báo cáo phản ánh thân phận nhà thờ lúc đó: ba năm sau đạo luật phân biệt đời - đạo năm 1905, vai trò thượng đẳng của nhà thờ trước kia đã giảm sút. Từ vụ Hà thành đầu độc năm 1908 đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, giám mục Gendreau vẫn thống lĩnh địa phận tông tòa Đàng Ngoài ở Hà Nội, và ông vẫn là công dân Gendreau trung thành trong hai bản báo cáo cách nhau 22 năm.

Khi sự kiện khởi nghĩa Yên Bái xảy ra, vị giám mục này tiếp tục báo cáo:

”Nay ngọn lửa vẫn cứ âm ỉ dưới lớp tro. Đảng Cộng sản gắn bó với Mạc Tư Khoa vẫn đang duy trì được tổ chức của mình... Mặc cho có bị theo dõi gắt gao và bắt bớ, báo chí cộng sản vẫn được in sao, với hình búa liềm, được che đậy cứ thế mà luân chuyển; truyền đơn xúi bẩy lúc này lúc khác được ném ở tỉnh này tỉnh nọ. Phong trào to lớn này có nhiều lớp gốc rễ sâu xa mà tôi sẽ không liệt kê ở đây”.

Có thể thấy trong những bất ổn mà giám mục Gendreau báo cáo, sự sôi sục của tình tự dân tộc, tinh thần chống ngoại xâm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước lớp Yên Bái là các lớp Văn Thân, Đề Thám, Hà thành đầu độc... sau lớp Yên Bái là tiếp ngay lớp Xô viết - Nghệ Tĩnh...

Từ Yên Bái đến hải ngoại

Cũng thế, thanh niên VN trong 22 năm ấy càng bị gọi là ”An-na-mít” càng ngẩng cao đầu, kể cả các thanh niên VN đang du học tại Pháp. Ít nhất cũng có hai “tòa soạn” lớn của báo chí sinh viên VN tại Pháp. Một của sinh viên du học tại Toulouse, tờ L’Annam Scolaire (An Nam học đường). Một của sinh viên du học tại Aix - en - Provence, tờ La Nation Annamite (Dân tộc An Nam). Cả hai tòa soạn đều ở miền nam nước Pháp. Các báo này thường được đóng gói gửi lậu về quê nhà.

Số ấn hành của hai tờ báo sinh viên không rõ, song biên bản tịch thu của phòng kiểm soát văn hóa phẩm của Bưu điện Pháp năm 1927 có lần ghi chép tịch thu đến 781 số báo An Nam học đường, có lần đến 993 số báo Dân tộc An Nam. Số báo chí này ai cũng rõ là để “tiếp tế thức ăn tinh thần” cho phong trào sinh viên, trí thức đấu tranh trong nước. Thời đó còn có tờ Appel (Tiếng gọi) của nhà báo Jacques Doriot được dịch ra chữ quốc ngữ và gửi chui về nước, có lần Bưu điện Pháp tịch thu đến 878 số báo Tiếng gọi (2).

Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, vào tháng 3 và tháng 5-1930, ở Pháp, sinh viên VN biểu tình ngay hôm khánh thành tòa nhà Đông Dương (Maison de l’Indochine) ở khu đại học xá quốc tế gần Paris. Đây là một thị trấn - ký túc xá, đúng với tên gọi ”Cité universitaire internationale”, sinh viên mỗi nước trú trong một tòa nhà riêng. 51 sinh viên bị bắt hôm ấy. 19 người trong số họ, trong đó có các sinh viên Tạ Thu Thâu và Nguyễn Văn Tạo, bị trục xuất về nước ngay trong tháng 6 sau đó.

Sinh viên Tạo là ủy viên chuyên trách các vấn đề thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Trước khi bị bắt, sinh viên Tạo đã tỏ thái độ rằng Đảng Cộng sản Pháp còn quá yếu ớt trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Sau vụ khởi nghĩa Yên Bái, đảng này đã có những thay đổi mạnh mẽ hơn trước.

Về phía các công nhân VN ở lại Pháp sau Thế chiến thứ nhất, cũng theo sử gia Pierre Brocheux, đã nổi lên những phong trào đấu tranh như ở thành phố cảng Dunkerque với “Foyer Indochinois” (Nhà Đông Dương). Nhóm này năm 1938 còn đòi “tự quản”: “Chúng tôi là người An Nam, là một hội đồng của người An Nam, chúng tôi là thủy thủ, tức là công nhân. Không có người Pháp nào ở đây. Cũng chẳng có chủ nào ở đây. Ở đây giai cấp công nhân cầm quyền”. Tháng 12 năm đó “Nhà Đông Dương” bị đóng cửa vĩnh viễn!

-----------------------------------

(1) Rapport n ° 975, Rédacteur: Gendreau, Tonkin occidental, Année:1908.

(2) L’immigration politique indochinoise en France, 1911-1945, BROCHEUX Pierre.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên