20/05/2018 13:14 GMT+7

Khối Hồi giáo hợp sức bảo vệ người Palestine

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Ngay sau hội nghị bất thường ngày 18-5 do Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên đã kêu gọi thế giới bảo vệ người Palestine, cử một lực lượng bảo vệ quốc tế đến Trung Đông.

Khối Hồi giáo hợp sức bảo vệ người Palestine - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang tranh thủ hoàn cảnh hiện tại của người Palestine để gia tăng sự ủng hộ trong nước trước cuộc bầu cử - Ảnh: REUTERS

OIC tiếp tục lên án mạnh mẽ các "hành động tội ác" của lực lượng Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt ở dải Gaza, nơi hơn 60 người Palestine đã thiệt mạng hôm 14-5 khi tham gia biểu tình phản đối việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv tới Jerusalem.

Tổng thống Erdogan "tấn công" Israel

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ do Tổng thống Tayyip Erdogan triệu tập cũng cam kết sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế (chính trị) phù hợp với các nước theo sau Mỹ trong việc di chuyển các đại sứ quán của họ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.

Guatemala hồi tuần này đã trở thành quốc gia thứ hai dời đại sứ quán tại Israel về Jerusalem, khả năng nước thứ ba sẽ là Paraguay cũng trong tháng 5 này.

Ông Erdogan, người đang vận động tái tranh cử vào tháng sau, đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh của OIC để tấn công Israel, so sánh hành động của Lực lượng phòng vệ Israel như việc Đức quốc xã thảm sát hàng triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Ông Erdogan không ngần ngại gọi Israel là "nhà nước khủng bố".

"Những đứa con của những người từng bị tra tấn ở các trại tập trung trong Thế chiến thứ hai đang tấn công người Palestine bằng những cách khiến cả Đức quốc xã cũng phải hổ thẹn" - Tổng thống Erdogan nói thẳng.

"Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải cử một lực lượng hòa bình quốc tế đến bảo vệ người dân Palestine, những người đang mất đi con cái của họ vì khủng bố Israel mỗi ngày" - ông Erdogan kêu gọi, so sánh đề xuất cá nhân với việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Bosnia và Kosovo trong những năm 1990.

Dù cùng là đồng minh của Mỹ tại khu vực, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều không nhìn mặt nhau đã nhiều năm qua. Sau vụ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời đại sứ quán về đây, chính quyền Erdogan đã trở thành tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất.

Những diễn biến gần đây đang ngày càng cho thấy vai trò dẫn đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc ông Erdogan sốt sắng vì người Palestine là một sự tính toán. Ba ngày quốc tang ở Thổ Nhĩ Kỳ cho những người Palestine là cách để tranh thủ sự ủng hộ từ các cử tri Hồi giáo của ông Erdogan.

Thảm cảnh của người Palestine trong các cuộc đối đầu với Israel có ảnh hưởng rất lớn tới các cử tri theo chủ nghĩa dân tộc và chức sắc tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ - những người đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì 15 năm cầm quyền của ông Erdogan.

Khối Hồi giáo hợp sức bảo vệ người Palestine - Ảnh 2.

Người biểu tình Palestine đào các hố dã chiến phòng thân trong biểu tình chống Israel ở phía đông thành phố Gaza, gần biên giới với Israel ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS

Mỹ - Israel bị tổng dập

Tuyên bố của OIC ngày 18-5 cũng cáo buộc chính quyền Mỹ đã "ủng hộ tội ác của Israel, bao gồm việc bảo vệ Israel tại Hội đồng Bảo an LHQ".

OIC cáo buộc việc chuyển Đại sứ quán của Mỹ tới Jerusalem là "hành động khiêu khích và thù địch chống lại một quốc gia Hồi giáo". Tổ chức này kêu gọi LHQ thành lập ngay một "ủy ban điều tra quốc tế" để làm sáng tỏ vụ bạo lực ở dải Gaza ngày 14-5.

Hội nghị thượng đỉnh của OIC còn có sự tham dự của Quốc vương Abdullah II của Jordan, một đồng minh của Mỹ. Triều đại Hashemite của ông Abdullah II từng là người giám hộ các địa điểm Hồi giáo ở Jerusalem.

Trong một tuyên bố, Quốc vương Abdullah II nói việc Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cách đây 5 tháng "đã làm suy yếu các trụ cột hòa bình và làm sâu sắc hơn nỗi tuyệt vọng dẫn tới bạo lực".

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong khi đó kêu gọi các nước Hồi giáo "hoàn toàn cắt đứt quan hệ với chế độ Zionist (Israel) và xem xét lại quan hệ thương mại, kinh tế với Mỹ".

Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2017 với giá trị nhập khẩu khoảng 3,4 tỉ USD, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế. “Chúng tôi có mối quan hệ kinh tế tốt với Thổ Nhĩ Kỳ và điều đó tốt cho cả hai phía” - Bộ trưởng Tài chính Israel Moshe Kahlon nói với Đài phát thanh Israel ngày 18-5, khi được hỏi liệu Israel có nên phá vỡ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên