Trong khi người nghèo kiếm sống qua ngày nhờ bán vé số thì nhiều cán bộ sắp nghỉ hưu ở Bình Phước lại sang tận Canada để học tập làm xổ số từ kinh phí của Công ty Xổ số kiến thiết Bình Phước - Ảnh: Hữu Khoa |
Chưa đầy một tháng trước đã có vụ việc UBND Tiền Giang cử đoàn cán bộ sắp nghỉ hưu, không liên quan đến chuyên môn đi Hà Lan và Nga học kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập khiến dư luận bức xúc.
Năm ngoái, ông Nguyễn Văn Khang (chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) cũng đã ký quyết định cử hai đoàn đi công tác ở Mỹ để học tập kinh nghiệm về xổ số.
"Người dân VN còn đói khổ, ngân sách VN còn thiếu thốn, sao vẫn có nhiều đoàn cán bộ đi nước ngoài học tập bằng ngân sách nhà nước mà vẫn chẳng góp phần thay đổi được gì?", bạn đọc lên tiếng.
“Đọc mà muốn rớt nước mắt”
Đó là tâm sự của nhiều bạn đọc bất bình trước việc cán bộ nhà nước bỏ tiền tỉ đi nước ngoài học làm xổ số, trong khi vẫn còn biết bao nhiêu người dân VN đang trong cảnh nghèo đói cơ cực.
Nhiều bạn đọc thấy mủi lòng khi bỏ tiền ra mua vé số mong giúp đỡ những phận người cơ cực, “giờ lại được biết những con người cơ cực ấy được hưởng không bao nhiêu, phần còn lại đã vào tay những người quyền cao chức trọng để họ có cơ hội đi “học hỏi kinh nghiệm” mất rồi”, bạn đọc này nói.
Sự việc này cũng được nhiều bạn đọc đánh giá là “trò hề”, là một hình thức “du lịch trá hình”.
Các bạn đọc cho rằng đây chỉ là một trong những trường hợp hiếm hoi bị báo chí phanh phui. "Vẫn còn đó hàng ngàn, hàng vạn vụ việc lãng phí ngân sách nhà nước, làm khổ cho dân”, một phản hồi trên TTO viết.
Nhiều bạn đọc cũng góp lời trào phúng về vụ việc này. Một bạn đọc đặt vấn đề: “Có nước nào trên thế giới bán vé số nhiều như VN? Thiên hạ không đến học VN thì thôi chứ VN cần gì phải học ai!”. “Đi chi xa xôi vậy. Muốn học làm xổ số thì phát cho mỗi ông một cọc vé, bắt đầu làm việc từ 7g sáng tới 4g chiều, đều đặn mỗi ngày chừng một tháng là nắm hết các kỹ thuật thôi lại không tốn ngân sách nhà nước nữa. Đọc bài mà thấy hài quá, không phải tiền của mình thì chi không thương tiếc, hết ngân sách thì đè dân ra mà thu thêm thuế này thuế nọ”, bạn đọc Phạm Thanh Hiền nêu. |
Bỏ ngoài tai vấn đề Quốc hội bàn
Ông Lê Minh Tiến, giảng viên xã hội học (ĐH Mở TP.HCM), cho rằng dường như các tỉnh như Tiền Giang, Bình Phước không hề quan tâm tới những việc Quốc hội bàn về thiếu thốn ngân sách và đề xuất cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
“Quốc hội đã bàn rất nhiều, nhưng dường như các vị lãnh đạo tỉnh đã bỏ ngoài tai hết và vẫn quyết định chi ngân sách cho các việc hoàn toàn không có ý nghĩa.
Mới bàn đó và cũng nói rất nhiều nhưng các địa phương lại không quan tâm. Đáng lẽ các cơ quan nhà nước phải đi đầu trong việc cắt giảm những chi tiêu không cần thiết như vậy chứ”, ông Lê Minh Tiến bất bình.
Tiến sĩ (TS) Ôn Tuấn Bảo, nguyên vụ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng tiền chi cho việc đi học như vậy là không cần thiết, có thể sử dụng vào nhiều mục đích chính đáng hơn.
“Nếu đã đi học công nghệ mới, sao không đi học cách chế biến nông sản của mình cho tốt hơn, làm gạo của mình, làm quả của mình cho ngon hơn?”, TS Ôn Tuấn Bảo đặt câu hỏi.
Theo TS Ôn Tuấn Bảo, đất nước VN không thể sung sướng lên được nếu vẫn còn những hiện trạng gây lãng phí ngân sách, cho cán bộ đi học nước ngoài vô ích, xây dựng tượng đài, nhà máy, công trình, khu hành chính tập trung hàng ngàn tỉ đồng như vậy.
Cần kỷ luật thật nghiêm
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng chưa có điều luật hay quy định cụ thể nào cho việc cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Mỗi ngành đều có quy định riêng của mình về cơ chế cử cán bộ ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm và mỗi cơ quan đều có thể quyết định cử cán bộ của mình ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.
“Tuy nhiên, công tác cử cán bộ ra nước ngoài hiện nay đang bị lợi dụng và biến tướng. Các cơ quan muốn tổ chức các đoàn tham quan nước ngoài với mục đích “ngoại giao”, “đền ơn đáp nghĩa”, “đối ngoại”... với một số lãnh đạo và thường núp dưới danh nghĩa “học tập kinh nghiệm của nước bạn”. Thực chất thì các cán bộ đó chẳng liên quan gì đến ngành, thậm chí còn chẳng biết ngoại ngữ. Chủ yếu chỉ là đi tham quan du lịch” - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng cho biết: “Mỗi ngành đều có những quy định riêng của mình về việc sử dụng ngân sách của ngành. Nếu sử dụng sai ngân sách thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Đảng. Thiết nghĩ, ai cũng có lòng tự trọng của mình nên hãy vì lợi ích chung, đặt lợi ích của đất nước, niềm kiêu hãnh của dân tộc mà sử dụng đúng từng đồng ngân sách của nhân dân”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM, phải xử lý kỷ luật thật nghiêm những trường hợp như vậy.
“Luật ngân sách nhà nước đã có hết. Đề nghị cho thẩm tra, kiểm tra, kiểm điểm, nếu cần thì xuất toán yêu cầu trả tiền lại đối với những cán bộ đi nước ngoài học tập nhưng lại không có hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp thẳng thắn.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng mỗi đoàn sau khi đi học tập nước ngoài về cần báo cáo đầy đủ xem đã làm, đã học được những gì. Từ đó sẽ quyết định xem họ có phải xuất toán trả lại tiền cho ngân sách nhà nước hay không.
“Trong những trường hợp này cần kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ trình và ký các quyết định cho đi học tập tại nước ngoài nhưng không có hiệu quả. Đợi luật quản lý chặt thì rất khó. Vấn đề là tính tự giác của mỗi cán bộ cũng như sự nghiêm minh của các cơ quan ban ngành nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhận xét.
Quy định về thu hồi các khoản chi ngân sách không hợp lý Theo điều 66, khoản 3, điểm c Luật ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13, có hiệu lực từ năm 2017, khi xét duyệt quyết toán, cơ quan xét duyệt có quyền yêu cầu đơn vị nộp ngay các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định và xuất toán các khoản chi sai chế độ, chi không đúng dự toán được duyệt; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với thủ trưởng đơn vị chi sai chế độ, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Điều 67, khoản 4, điểm b quy định khi thẩm định quyết toán, cơ quan tài chính có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm xuất toán, thu hồi các khoản chi không đúng chế độ và yêu cầu nộp ngay các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp:
>> Giảng viên Lê Minh Tiến:
>> LS Nguyễn Hữu Thế Trạch:
>> TS Ôn Tuấn Bảo:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận