Đến trường trong vòng tay cô thầy
Phóng to |
Nhìn cậu bé có nước da đen nhẻm, mặc chiếc áo cũ sờn, quần buộc ống cao ống thấp ướt sũng dưới mưa để mót mủ cao su kiếm tiền mua sách mới thấy hết nghị lực của Bùi Bá Minh (lớp 8A2 Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, Ea Đrơng, Cư M’gar, Đắk Lắk) và giá trị của những tấm giấy khen treo đầy trên vách trong gian nhà đơn sơ của hai bà cháu.
Trong hồ sơ gửi đến báo Tuổi Trẻ năm nay, những dòng thông tin ít ỏi về Minh: “Bố mẹ bỏ đi, hiện đang sống với bà nội già yếu, hằng ngày ngoài giờ lên lớp em phải đi nhặt ve chai, giữ em, hoặc đi mót mủ cao su kiếm tiền mua bút. Em chỉ có một bộ đồng phục đi học nhưng nay cũng đã ngắn, cơm ăn bữa no bữa đói”...
Gọi theo số điện thoại liên lạc ghi trong hồ sơ, chúng tôi hết sức bất ngờ khi đầu dây bên kia là giọng một cô giáo trẻ. Cô giáo không giấu nổi niềm vui khi biết Minh đã chính thức có tên trong danh sách nhận học bổng “Ngăn dòng bỏ học” của báo Tuổi Trẻ.
“Dù chỉ là giáo viên bộ môn nhưng do làm phụ trách Đội của trường nên tôi hiểu rất rõ hoàn cảnh của Minh từ lúc em mới lên học lớp 6. Biết báo đang có học bổng này, tôi nói Minh làm hồ sơ liền” - cô Nguyễn Thị Lan Phương cho hay.
Cô Phương kể trong số các học trò của cô, Minh là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất: vừa sinh ra Minh, ba em đã bỏ nhà ra đi. Minh lớn lên mà ít có hơi ấm và sự che chở của một người cha. Một mình mẹ nuôi Minh cùng hai đứa em trong nghèo đói và lam lũ. Cách đây 3 năm, mẹ Minh đột ngột bỏ nhà ra đi từ đó đến nay không còn liên lạc gì nữa.
Từ ngày đó, ngôi nhà như càng u ám hơn khi bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương trợ cấp chính sách của bà nội. Để cháu không bị đứt đoạn học hành, hai đứa em của Minh được gửi về để bà ngoại chăm sóc, còn Minh ở lại với bà nội.
Bà Nguyễn Thị Tíu - bà nội của Minh - nói giọng buồn tủi: "Hai bà cháu chỉ sống nhờ vào hơn 700.000 đồng trợ cấp mỗi tháng, cơm ăn bữa đói bữa no. Những thiệt thòi của Minh so với bạn bè cùng trang lứa là không thể kể hết. Tuy nhiên, điều làm hai bà cháu mừng nhất là được hàng xóm và các thầy cô giáo hết sức cưu mang".
Bà Tíu lấy ra đống quần áo cũ và một chiếc bàn học mà một cô giáo vừa mang đến tặng Minh để cháu làm chỗ ngồi học rồi nói: “Thỉnh thoảng các cô thầy trong trường lại mang quần áo cũ, sách vở, bàn ghế đến cho thằng Minh, tôi mừng muốn khóc”.
Cô Nguyễn Thị Lan Phương cho biết thấy hoàn cảnh của Minh, thầy cô trong trường ai cũng thương. Người có tiền cho tiền, người có quần áo cho quần áo, có học bổng hay sự hỗ trợ nào Minh cũng là người được ưu tiên xét trước. Riêng Minh, ngoài giờ lên lớp em tranh thủ phụ bà đi kiếm củi, mùa cà phê về thì lụi cụi đi mót cà phê, rồi đi trông em để kiếm tiền phụ bà. Điều kiện học hành không có, lại thiếu vắng mẹ cha nhưng Minh vẫn âm thầm tự học và có thành tích cao mà nhiều học sinh có điều kiện không đạt được.
Người tốt giữa đời
Phóng to |
Phạm Thị Thanh Hoài tranh thủ học bài trong ngôi nhà của mình - Ảnh: Bá Dũng |
Câu chuyện về cô học trò Phạm Thị Thanh Hoài (lớp 9A5 Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Quảng Phú, Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng đầy ắp nỗi buồn, nhưng vượt trên hết Hoài đã trở thành một bông hoa của trường về nghị lực tỏa sáng trong gian khó. Ba bỏ đi từ lúc Hoài mới 4 tuổi, một mình mẹ bươn chải khó nhọc nuôi ba cô con gái, nhưng từ tháng 10-2006 chỗ dựa duy nhất của ba chị em cũng không còn khi mẹ qua đời trong một tai nạn giao thông.
“Lúc ấy em tưởng chừng như mấy chị em không vượt qua nổi. Mất mẹ, ngôi nhà bỗng tang tóc. Mấy chị em lúc đó còn nhỏ nên chỉ biết ôm nhau khóc, ai cũng bàn nhau bỏ học đi làm thuê để mua gạo ăn nhưng may mắn được dì Linh nhận về cưu mang” - Hoài kể.
Dì Linh tốt bụng chính là cô Trần Thị Kim Linh - giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi (thị trấn Quảng Phú). Lúc còn sống, dì là người bạn thân thiết của mẹ. Sau khi mẹ mất, dì đã bàn với chồng rồi nhận cả ba chị em về làm con nuôi. Ông Hà Văn Nho - chồng cô Linh - được ba cô con gái nuôi gọi thân mật là dượng.
Dù dượng bị mù cả hai mắt, phải nuôi 2 người con ruột nhưng vẫn lạc quan khi nói về tương lai của ba cô con gái nuôi: “Lúc thấy các cháu như vậy hai vợ chồng liền bàn nhau phải tìm cách nuôi các cháu để ăn học đàng hoàng chứ không vì thế mà dang dở được. Không có cha, mất mẹ nhưng được cái là ba cô con gái đứa nào cũng ngoan và rất chịu khó, không phải con đẻ nhưng vợ chồng tôi thương chẳng kém gì”.
Hiện thu nhập của cả nhà chỉ nhờ vào đồng lương giáo viên của dì nên cuộc sống vốn chật vật nay lại càng thiếu thốn. Dù vậy, tất cả mọi người đều coi nhau như ruột thịt. Đến nay, chị gái đầu của Hoài đã học xong cao đẳng và đang chờ xin việc, chị thứ hai đang học ĐH Sư phạm Đà Nẵng, còn Hoài hiện là học sinh giỏi và còn cả một chặng đường đầy gian khó ở phía trước.
“Mẹ em khi còn sống cũng làm cô giáo, trong ký ức của em, mẹ đẹp lắm. Dì em cũng nhờ làm cô giáo mà nuôi được chị em em đến ngày hôm nay nên sau này em thích làm cô giáo thôi” - Hoài bẽn lẽn nói về ước mơ nhỏ của mình.
Trao 250 học bổng “Ngăn dòng bỏ học” Lúc 19g ngày 15-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk (số 2 Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ trao 250 học bổng “Ngăn dòng bỏ học” năm 2011 cho học sinh THCS, THPT tại 5 tỉnh Tây nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng (50 suất/tỉnh) do Công ty TNHH P&G Việt Nam và Metro Cash & Carry VN tài trợ. Để đến trường, rất nhiều học sinh trong số này đang phải vượt qua những hoàn cảnh, điều kiện hết sức khó khăn. Dù ở tuổi thiếu niên, nhiều bạn một buổi đi học, một buổi phải lao động để trang trải học phí và phụ giúp gia đình. Nhưng trong khó khăn cả về vật chất lẫn tâm lý, các bạn lại có chung một ước mơ học thật giỏi để trở thành người hữu ích giúp đỡ gia đình, xã hội. Mỗi suất học bổng “Ngăn dòng bỏ học” năm 2011 dành cho học sinh THCS trị giá 1,8 triệu đồng tiền mặt, học sinh THPT trị giá 2,7 triệu đồng tiền mặt (cho 9 tháng của năm học 2011-2012) như một phần hỗ trợ thêm các bạn trang trải học phí, dụng cụ học tập. Ngoài ra các bạn còn được nhận quà từ đơn vị tài trợ và báo Tuổi Trẻ. Học bổng “Ngăn dòng bỏ học” năm 2011 cho học sinh 5 tỉnh Tây nguyên thuộc Chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 303 của báo Tuổi Trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận