18/02/2022 10:12 GMT+7

Khởi động giải thưởng VinFuture mùa II - Trọng tâm của giải thưởng: Tái thiết và hồi sinh

DUY KHOA
DUY KHOA

Giải thưởng VinFuture 2022 vừa được khởi động với chủ điểm hướng đến những phát minh và sáng chế khoa học mang lại cho thế giới sự hồi sinh và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.

Khởi động giải thưởng VinFuture mùa II - Trọng tâm của giải thưởng: Tái thiết và hồi sinh - Ảnh 1.

Các nhà khoa học là thành viên của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng VinFuture tham gia sự kiện giao lưu thuộc Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2021 - Ảnh: BTC cung cấp

"Chủ điểm VinFuture 2022 hướng đến những phát minh và sáng chế khoa học mang lại cho thế giới sự hồi sinh và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19", đại diện Vingroup cho biết như vậy khi mùa giải thứ II Giải thưởng VinFuture chính thức khởi động.

Theo đó, thời gian nhận đề cử từ ngày 16-2 tới hết ngày 17-5. "Điều này thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" nhất quán của chúng tôi. Nếu bảo vệ sức khỏe là thách thức của nhân loại năm 2021 thì "Tái thiết và Hồi sinh" chính là vấn đề cấp bách mà thế giới phải đối mặt năm 2022", vị này nói thêm.

Lan tỏa giá trị và tầm ảnh hưởng của giải thưởng

Từ những nhận định trên, đại diện đơn vị này cho biết mùa giải thứ II sẽ đặt trọng tâm "Tái thiết và Hồi sinh" với kỳ vọng tạo động lực và truyền cảm hứng tới các nhà khoa học toàn cầu.

"Thông qua giải thưởng, chúng tôi mong muốn góp phần cùng thế giới giải quyết những vấn đề thời sự hậu đại dịch, mang lại tác động tích cực ngay tới cuộc sống của hàng triệu người trong năm nay", đại diện đơn vị này chia sẻ.

Theo Gs. Sir Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, mùa giải đầu tiên đã ghi nhận những lợi ích và thành quả mang tầm vóc toàn cầu của khoa học đỉnh cao trong việc bảo vệ sức khỏe con người.

"Thế nhưng, nhân loại còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác như nâng cao chất lượng sống, chống biến đổi khí hậu, tăng hiệu suất lao động sau những đứt gãy... Với mùa giải năm nay, chúng tôi muốn vươn xa hơn, lan tỏa rộng hơn giá trị và tầm ảnh hưởng của giải thưởng, trong nhiều lĩnh vực tới nhiều vùng đất mới với sứ mệnh hồi sinh thế giới sau đại dịch", Gs. Sir Richard cho biết.

Để tham gia mùa giải năm nay, đại diện ban tổ chức cho biết các dự án đề cử cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề cử, được đề cử thông qua các tổ chức, cá nhân uy tín về khoa học công nghệ trên toàn thế giới.

Các dự án đề cử sẽ được đánh giá qua các bước sàng lọc và xét chọn của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng VinFuture, là các nhà khoa học uy tín, trong đó nhiều người sở hữu các giải thưởng danh giá như Nobel, Turing, Millenium....

Khởi động giải thưởng VinFuture mùa II - Trọng tâm của giải thưởng: Tái thiết và hồi sinh - Ảnh 2.

Các chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021 - Ảnh: BTC cung cấp

Giúp thay đổi cuộc sống con người tốt hơn

Theo GS Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học của Viện nghiên cứu Ung thư Ludwig, Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, mùa giải năm nay cần có nhiều hơn những phát minh, sáng chế giúp thay đổi cuộc sống con người.

"Chúng tôi mong đợi sẽ tiếp nhận những giải pháp khoa học kiệt xuất với lĩnh vực đa dạng hơn, từ nhiều quốc gia hơn, được tạo nên bởi các nhà khoa học không phân biệt tuổi tác, giới tính, không phân biệt nguồn gốc, màu da, sắc tộc... với tiềm năng ứng dụng trên quy mô lớn hơn", GS Chí kỳ vọng.

Trước đó, VinFuture mùa đầu tiên đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng khoa học công nghệ toàn cầu, với 599 đề cử chất lượng từ các nhà khoa học, nghiên cứu, phát minh từ 6 châu lục trên toàn thế giới.

Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu đôla Mỹ đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Karikó, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công trình liên quan tới công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Giải Đặc biệt dành cho "Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới" được trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs).

Giải Đặc biệt dành cho "Nhà khoa học nữ" đã được trao cho Giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người.

Giải Đặc biệt dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển" thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS.

Như vậy, tiếp nối mùa giải đầu với 4 công trình khoa học đột phá được vinh danh, có tầm ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của con người ở quy mô toàn cầu, VinFuture mùa thứ II đã được khởi động trong sự mong đợi của cộng đồng khoa học quốc tế.

Cổng nhận đề cử năm 2022: https://online.vinfutureprize.org/nomination

10 tiêu chí đề cử Giải thưởng VinFuture:

1. Cần có bằng chứng rõ ràng hoặc tiềm năng cho một sản phẩm hoặc dịch vụ cuối cùng dựa trên ứng dụng thực tế;

2. Các giải pháp đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm qua hoặc có khả năng mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm tới;

3. Các giải pháp phải phù hợp với một hoặc nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs);

4. Các giải pháp phải được chứng minh bằng khoa học (có bằng chứng rõ ràng về việc đã vượt qua các thử nghiệm khoa học liên quan và trong trường hợp nghiên cứu, nó phải được chứng minh bằng thực nghiệm hoặc được đánh giá rộng rãi);

5. Mở rộng cho các nhà nghiên cứu hoặc nhà sáng chế đã tham gia vào việc phát triển các giải pháp cơ bản, chứ không phải các doanh nhân hoặc công ty đã giúp thương mại hóa/phổ biến công nghệ;

6. Các sản phẩm cuối cùng của nghiên cứu phải có tiềm năng mang lại lợi ích cho mọi người trên toàn cầu, bao gồm cả những người đến từ các nước đang phát triển và kém phát triển, cũng như các cộng đồng có thu nhập thấp và thiệt thòi;

7. Mở rộng cho các cá nhân hoặc nhóm các nhà nghiên cứu/nhà phát minh;

8. Ưu tiên cho những người được đề cử trong giai đoạn hoạt động tích cực của sự nghiệp;

9. Cùng một cá nhân/nhóm có thể được đề cử cho một hoặc nhiều Giải thưởng Đặc biệt của VinFuture nếu đủ điều kiện.

10. Nghiên cứu/ Giải pháp/ Sáng chế được đề cử có thể thuộc bất kỳ chuyên ngành nào của khoa học, kỹ thuật hoặc công nghệ, bao gồm cả các phương pháp tiếp cận đa lĩnh vực.

VinFuture là quỹ phi lợi nhuận

Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20-12-2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại - là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỉ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập.

Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hằng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.

Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu đôla Mỹ là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu; 03 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đôla Mỹ, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Ngoài ra, Quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEM.

Ba nhà khoa học với công nghệ vắc xin mRNA nhận giải thưởng VinFuture 3 triệu đô Ba nhà khoa học với công nghệ vắc xin mRNA nhận giải thưởng VinFuture 3 triệu đô

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng chính 3 triệu USD cho ba nhà khoa học: Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công nghệ nghiên cứu vắc xin mRNA cứu sống hàng triệu người.

DUY KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên