Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đây là sự kiện do Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị chủ trì dự án - tổ chức.
Chia sẻ về dự án Dịch thuật kinh điển phương Đông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, viện trưởng Viện Trần Nhân Tông - cho biết dự án nằm trong số 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo.
Viện Trần Nhân Tông (đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai dự án, dự kiến trong 10 năm.
Dự án sẽ cho ra đời các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm:
- 150 quyển thuộc Chính tạng
- 9 quyển Nho tạng
- 2 quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử
- 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam
- 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam.
Sau khi nghe một số ý kiến tham luận về tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (gọi tắt là dự án Dịch thuật kinh điển phương Đông), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có bài phát biểu tổng kết hội thảo.
Theo Phó thủ tướng, các tác phẩm kinh điển phương Đông như các hệ thống kinh sách của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đã được dung thông, chuyển hóa thành nguồn tài nguyên vô giá, thành một phần của nền văn hiến Việt Nam.
Chúng tuy được du nhập từ nước ngoài nhưng qua thời gian đã thẫm đẫm vào văn hóa Việt, trở thành hồn cốt dân tộc và đóng góp ngược trở lại vào kho tàng di sản thế giới, nhưng đến nay nhiều tác phẩm, trong đó có cả các trước tác của học giả Việt Nam, vẫn chưa được dịch và chú giải thỏa đáng.
Vì vậy, việc dịch thuật và xuất bản có hệ thống các tác phẩm kinh điển này sẽ mang lại giá trị to lớn cho hôm nay và mai sau, "thể hiện trách nhiệm với lịch sử, với cha ông và với con cháu".
Phó thủ tướng đặc biệt ghi nhận khía cạnh xã hội hóa của dự án này. Dự án hoàn toàn không dùng vốn ngân sách nhà nước mà kêu gọi sự đóng góp của các nhà khoa học và toàn cộng đồng tham gia đóng góp tiền bạc, trí tuệ, bao gồm cả những người nước ngoài yêu mến Việt Nam.
Phó thủ tướng giải thích, dù đây là một dự án đặc biệt cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo nhưng lại thực hiện bằng nguồn xã hội hóa không phải vì Nhà nước "không có tiền làm những cái này", mà Chính phủ mong muốn đây là một dự án chung của toàn dân và thực tế có rất nhiều cá nhân, tổ chức muốn đóng góp vào dự án tạo lập những di sản chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận