Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án về chuỗi lúa gạo bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 5 triệu AUD
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) và Tập đoàn SunRice cùng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) phối hợp với Trường đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Cần Thơ và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tại ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Tổng kinh phí hơn 5 triệu AUD, vùng trồng 1 triệu héc ta với 1,5 triệu nông hộ trồng lúa. Thời gian thực hiện 4 năm (2022-2025)
Tại buổi lễ, thượng nghị sĩ Tim Ayres - bộ trưởng Thương mại và Sản xuất của Úc - cho biết đây là dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.
"Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới, trong đó hơn 53% được sản xuất từ Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Úc, do tác động của biến đổi khí hậu, việc sử dụng quá nhiều nguồn nước tác động rất lớn đến những dòng sông. Việt Nam và Úc có những tương đồng có thể chia sẻ, chúng tôi mong muốn học hỏi hợp tác lẫn nhau để sản xuất lúa bền vững, hiệu quả hơn", ông Tym Ayres nói.
Đại diện Tập đoàn SunRice cho biết mục tiêu của dự án khuyến khích các hợp tác xã và các nhóm nông dân sản xuất lúa gạo áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững với các chỉ số đo lường thuộc Bộ quy chuẩn canh tác lúa gạo bền vững (SRP), liên quan đến sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và tưới tiêu, nâng cao giá trị gạo và giảm thiểu chi phí.
Khuôn khổ chính của dự án gồm: thành lập một trung tâm tiên tiến về quy trình xay xát và chế biến sau thu hoạch tại Nhà máy Lấp Vò, thuộc Tập đoàn SunRice; thiết lập một phòng kiểm định chất lượng gạo để định lượng các thông số chất lượng; tổ chức các chuyến tham quan, học tập tại trung tâm tiên tiến cho nông dân, cán bộ khuyến nông.
Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp những năm qua được triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - nhận định bối cảnh sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đang phải đối mặt với thách thức kép của biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta phải tổ chức sản xuất tốt hơn để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
"Những năm qua có rất nhiều chương trình, nguồn lực của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể tại chương trình khởi động dự án hôm nay sẽ xây dựng 1 triệu héc ta sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có yếu tố không làm phát thải khí nhà kính tăng lên", ông Tùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận