Chuyển đổi số cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có nhà trường. Trong ảnh: một buổi học toán và lập trình AI của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5 (TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) TP.HCM, nói: "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh là tầm nhìn, tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị và là mong muốn của người dân thành phố".
Xếp thứ 5 trên cả nước về chuyển đổi số
* Chuyển đổi số của TP.HCM đến nay đã đạt đến mức độ nào trong thang đánh giá của một đô thị thông minh, thưa ông?
- Việc xây dựng một đô thị thông minh cũng như chuyển đổi số là quá trình liên tục, lâu dài nhằm mục tiêu giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đến nay, căn cứ theo bộ chỉ số về chuyển đổi số do Bộ TT-TT vừa ban hành thì TP.HCM đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh thành. Nếu so sánh ngoài nước, căn cứ trên bảng đánh giá chỉ số thành phố thông minh do Viện Quản lý phát triển Singapore thực hiện thì năm 2020 TP.HCM xếp hạng 83/109 thành phố được đánh giá.
* Những cái được và chưa được trong thực tiễn chuyển đổi số tại TP.HCM thời gian qua cũng như điều kiện cần để thành phố thực hiện chuyển đổi số thành công?
- Quá trình chuyển đổi số của thành phố thời gian qua cho một số kết quả nổi bật như: phương thức làm việc của chính quyền chuyển từ thủ công sang vận hành trên môi trường số; việc vận hành đô thị trở nên hiệu quả hơn.
Cụ thể, hiện hằng ngày trên 1.000 văn bản điện tử, chỉ đạo điều hành được tự động liên thông kết nối giữa các cấp chính quyền, cung cấp gần 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân.
Người dân dễ dàng đóng góp ý kiến, kiến nghị với chính quyền qua tổng đài 1022 và các smart app (ứng dụng thông minh) hoặc như các trung tâm điều hành giao thông, các hệ thống giám sát an ninh, các dịch vụ từ kết quả thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Dễ thấy nhất, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, chuyển đổi số đã thay đổi phương thức tổ chức phòng chống dịch, chúng ta có hệ thống bản đồ số COVID-19, Cổng thông tin COVID-19...
Tuy nhiên, thành phố còn nhiều hạn chế về chuyển đổi số. Hạn chế lớn nhất hiện nay là vấn đề dữ liệu. Như dữ liệu giữa các cấp, các đơn vị trong thành phố, giữa thành phố với trung ương chưa đồng bộ, thiếu liên thông... dẫn đến chưa phục vụ tốt việc đánh giá tình hình, dự báo và ra quyết định của chính quyền.
Đây là vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Để TP.HCM chuyển đổi số thành công, chúng ta phải triển khai đồng bộ bảy nhóm nhiệm vụ: chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động chuyển đổi số, an toàn - an ninh mạng và đào tạo - phát triển nhân lực.
Ông Lâm Đình Thắng
Thành phố thông minh, người dân hưởng lợi
* Trong tương lai, người dân sẽ được gì khi TP.HCM thực hiện chuyển đổi số thành công?
- Đến năm 2030, TP.HCM cơ bản trở thành đô thị thông minh với chính quyền số, doanh nghiệp số và sự văn minh của xã hội số.
Chính quyền thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, cải thiện chất lượng phục vụ; sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị.
Người dân sẽ được hưởng lợi khi các dịch vụ được cá nhân hóa. Dịch vụ công được thực hiện tự động bởi các tương tác giữa máy và máy. Quy trình cung cấp dịch vụ công tùy thuộc vào nhu cầu đặc thù của người dân, thay vì theo tổ chức bộ máy chính quyền.
Ngoài ra, công nghệ Internet vạn vật (IoT)và trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu cảm biến có thể được truy cập từ xa cho phép nhiều vật thể hoạt động đồng loạt, thông minh.
Các thiết bị này giao tiếp với nhau có thể hỗ trợ chính quyền điện tử hoạt động trơn tru, hợp lý, đúng thời điểm bằng cách cung cấp đủ dữ liệu chất lượng, tạo ra thông tin cần thiết.
Ví dụ, dịch vụ cấp phép lái xe có thể được thực hiện hoàn toàn tự động với cảm biến nhận dạng, xác thực người lái, tự động tương tác với hệ thống cảm biến trên xe và cảm biến chôn dưới đường.
* Những kế hoạch, biện pháp và giải pháp mà Sở TT-TT TP.HCM sẽ làm để hiện thực hóa viễn cảnh đó?
- Để chuyển đổi số thành công, thành phố phải huy động được nguồn lực của cả xã hội, từ doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, chuyên gia, trí thức và tất cả cá nhân tâm huyết, có năng lực cùng tham gia. Đây là một trong các nhóm giải pháp ưu tiên mà Sở TT-TT sẽ tham mưu cho lãnh đạo thành phố.
Điển hình như diễn đàn này cũng nhằm lắng nghe, tập hợp các ý tưởng, sáng kiến, hiến kế cho thành phố. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc công khai định kỳ các đặt hàng từ chính quyền, các bài toán của thành phố cần xã hội cùng tham gia...
Ngoài ra, Sở TT-TT sẽ tham mưu đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số của thành phố, đặt trọng tâm vào một số nhiệm vụ như: xây dựng kho dữ liệu và ứng dụng gắn với mục tiêu phục vụ người dân; triển khai dữ liệu mở, nền tảng mở để xây dựng môi trường, hệ sinh thái sáng tạo; tổ chức, giám sát việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tuân thủ kiến trúc về chính quyền điện tử và kiến trúc đô thị thông minh để có sự đồng bộ trong toàn hệ thống của thành phố...
* Lộ trình và lĩnh vực được ưu tiên thúc đẩy trong chuyển đổi số sắp tới tại TP.HCM?
- Chương trình chuyển đổi số của thành phố xác định hai mốc thời gian 2025 và 2030 với những mục tiêu cụ thể. Thành phố sẽ quyết tâm để hoàn thành các mục tiêu này.
Cụ thể, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%...
Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4; giảm 40% thủ tục hành chính; thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số; kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...
Ông Lâm Nguyễn Hải Long (chủ tịch Hội Tin học TP.HCM - HCA):
Phát huy vai trò cầu nối doanh nghiệp - hiệp hội - chính quyền
HCA mong muốn phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp - hiệp hội - chính quyền, giúp tìm kiếm và đưa các giải pháp, sản phẩm và công nghệ Việt giải quyết các bài toán thiết thực xuất phát từ thực tiễn tại TP.HCM, đặc biệt là các ý tưởng và ứng dụng công nghệ mới hiệu quả trong quản trị công, góp phần thúc đẩy phát triển thành phố trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
HCA là nơi tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 417 hội viên là các doanh nghiệp, tập đoàn, hãng công nghệ đa lĩnh vực; quy tụ các chuyên gia uy tín, tâm huyết của ngành CNTT.
Chính vì vậy, diễn đàn là cơ hội để đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, các kỹ sư, nhà quản lý... tham gia, đóng góp các giải pháp mới, ứng dụng hiệu quả, giải quyết các vấn đề mà người dân và chính quyền thành phố đang cần; chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình - một nơi đáng để người dân chọn là nơi đáng sống.
Mời bạn đọc hiến kế
Diễn đàn "Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM" do Sở TT-TT TP.HCM phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, Hội Tin học TP.HCM tổ chức từ ngày 22-11 dự kiến đến 30-12-2021. Bạn đọc trong và ngoài nước có thể tham gia đóng góp ý kiến cho diễn đàn.
Các sáng kiến, ý tưởng, hiến kế hay, thiết thực được biên tập thành kỷ yếu; các tác giả có bài đăng được mời tham dự gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo thành phố về công nghệ; được TP.HCM xem xét đặt hàng, hỗ trợ phát triển theo quy định.
Ý kiến, bài tham gia diễn đàn xin gửi về email [email protected] hoặc tòa soạn báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tham gia diễn đàn "Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận