02/07/2013 09:20 GMT+7

Khởi động chậm chạp của COC

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Trung Quốc một lần nữa tung ra đề xuất về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) mà giới chuyên gia đều cho rằng Bắc Kinh thiếu thiện ý triển khai thật sự.

TIOoyOQv.jpgPhóng to
Ngoại trưởng John Kerry (trái) gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trước Đối thoại ASEAN - Mỹ ngày 1-7 - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul - người điều phối Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc vào tối 30-6, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc đồng ý khởi động tham vấn về COC bên lề cuộc gặp SOM giữa ASEAN - Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9-2013. Phát biểu với phóng viên, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định cuộc tham vấn đó sẽ thảo luận về thời điểm và cách thức để đàm phán chính thức COC.

“Kéo dài đàm phán”

Một điều kiện mà Trung Quốc đưa ra là ASEAN phải chấp thuận việc thành lập nhóm nhân sĩ ASEAN - Trung Quốc (EPG) như là tiền đề của đàm phán. Trả lời Tuổi Trẻ, các học giả đều bình luận đề xuất của Trung Quốc không hề mới.

Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc phân tích: “Tuyên bố mới nhất của Trung Quốc chỉ lặp lại những gì quan chức họ từng nói tại tham vấn ASEAN - Trung Quốc hồi tháng 4”. Ông nhận định rằng Trung Quốc chỉ đồng ý “thảo luận COC ở cấp vụ trưởng bên lề nhóm thảo luận về triển khai DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông) và đây không phải là cơ chế chính thức để thảo luận về COC”.

Về đề xuất thành lập EPG, giáo sư Thayer cho biết Trung Quốc từng đề xuất thành lập nhóm gồm “20 thành viên với 10 từ Trung Quốc và mỗi nước ASEAN một người”. Nhưng theo ông, đến nay thành phần của EPG hay quyền hạn của nhóm này vẫn chưa được xác định. Hiện một số nước ASEAN chỉ muốn tham vấn EPG trên một số vấn đề nhất định, trong khi Trung Quốc muốn EPG thảo luận các khía cạnh của COC.

Ông Thayer bình luận: “Trung Quốc có thể gây khó dễ tại các cấp không chính thức và lợi dụng việc thiếu đồng thuận để trì hoãn tiến độ của các nhóm đàm phán chính thức”. Theo ông, đây là cách để Trung Quốc tránh bị quốc tế chỉ trích khi “không có tiến triển” trong đàm phán COC.

Tiến sĩ Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định: “Tôi nghĩ mọi người đã kỳ vọng quá đối với đề nghị mới nhất về COC của Trung Quốc”. Theo ông, vấn đề này từng được đàm phán trong cuộc họp Nhóm hỗn hợp ASEAN - Trung Quốc về triển khai DOC ở Bangkok hôm 29-5 mà không đạt được tiến triển thật sự nào.

“Trung Quốc không hề hào hứng gì với bộ quy tắc ứng xử, nên sẽ kéo dài đàm phán càng lâu càng tốt và sẽ khiến thỏa thuận cuối cùng không có tác dụng thật sự” - ông Storey bình luận. Ông cũng thừa nhận “Trung Quốc sẽ không bao giờ tự ràng buộc mình vào một bộ quy tắc hạn chế hành động của họ tại biển Đông”.

Sau tuyên bố của Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam cảnh báo không nên kỳ vọng sẽ sớm có được thỏa thuận về COC. “Điều quan trọng là chúng ta đã thống nhất được một thời điểm bắt đầu” - Hãng tin Bloomberg trích lời ông.

Cam kết của Mỹ

Hôm qua, các ngoại trưởng ASEAN đã khai mạc các cuộc đối thoại ASEAN+1 với các nước đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý trong các cuộc họp này là cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người vừa rời Trung Đông sau một lịch trình dày đặc. Theo AFP, Ngoại trưởng Kerry đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định tại khu vực. “Chúng tôi cam kết đảm bảo một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng, và đó là lý do chúng ta cùng hợp tác trên một loạt vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, từ buôn bán động vật tới buôn người, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hỗ trợ nhân đạo, thảm họa... Là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi coi trách nhiệm của mình là nghiêm túc và chúng tôi tiếp tục có mặt tích cực và lâu dài” - ông nói.

Về vấn đề biển Đông, ông Kerry nhấn mạnh: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và việc duy trì tự do thương mại hàng hải hợp pháp mà không bị xâm phạm”. Ông nói dù Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng ông hi vọng có “tiến triển thật sự” đối với đàm phán COC.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên