26/09/2012 07:49 GMT+7

Khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân: 9 triệu đồng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 25-9, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sau một buổi thảo luận rất sôi nổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đã kết luận nhất trí với phương án Chính phủ trình.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế sẽ được điều chỉnh từ 4 triệu đồng (hiện hành) lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ cho một người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. “Tuy nhiên, một số ý kiến trong ủy ban đề nghị Quốc hội cho sửa tên thành Luật thuế thu nhập cao để phù hợp với bản chất của các quy định trên, bởi khi điều chỉnh theo mức Chính phủ đề nghị thì số người nộp thuế đang từ gần 4 triệu sẽ giảm còn khoảng 1 triệu người, như vậy cứ hơn 80 người VN mới có một người phải nộp thuế thu nhập cá nhân” - nguồn tin đề nghị không nêu tên nói.

Trước đó ngày 7-9, thẩm tra sơ bộ dự án luật này, thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách (gồm tám ủy viên) không đồng tình với phương án Chính phủ trình, mà đưa ra mức giảm trừ 7 triệu đồng cho người nộp thuế và 2,8 triệu đồng cho người phụ thuộc. Tuy nhiên, đề xuất của thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách không nhận được sự đồng tình của đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như của dư luận xã hội. Nay với phiên họp toàn thể ủy ban (gồm 37 ủy viên), mức đề xuất của Chính phủ đã được chấp thuận.

* Cùng ngày, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Theo ông Danh Út - phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, quy định về giá đất trong dự luật thu hút được nhiều ý kiến, trong đó các đại biểu đề nghị Chính phủ giải thích rõ khi trình Quốc hội rằng thế nào là nguyên tắc xác định giá đất phù hợp với thị trường, giá áp dụng để bồi thường được xác định tại thời điểm nào?

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) phân tích: Theo quy định hiện hành, Chính phủ ban hành khung giá đất, trên cơ sở đó HĐND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất hằng năm. Như vậy, bảng giá đất thường xuyên thay đổi, trong khi các dự án thường không bao giờ triển khai được trong một năm mà nhiều năm, vì vậy người giao đất và nhận đền bù trước sẽ thiệt thòi so với người giao đất và nhận bồi thường sau. Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Triệu Thị Nái (Hà Giang) nói: “Giá bồi thường đã thấp, nhưng từ khi ra quyết định thu hồi đến khi người dân nhận được tiền đền bù có khi mất 1-2 năm, lúc đó lại có mặt bằng giá khác nên dân mới bức xúc, không chịu nhận tiền”.

Đồng tình với ý kiến này, bà Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng hiện nay có quá nhiều giá đất: giá do HĐND cấp tỉnh ban hành hằng năm, giá thực tế của thị trường tại thời điểm thu hồi, giá sau khi thu hồi, giá khi đã được đầu tư hạ tầng và giá do đấu giá. “Giá thị trường là giá nào? Luật phải làm rõ mới tránh được tình trạng tùy tiện, nhiều cách hiểu khác nhau” - bà Liên nói.

Đối với thời hạn giao đất nông nghiệp, đa số ý kiến đồng tình với quy định của dự luật là 50 năm để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Tuy nhiên theo bà Triệu Thị Nái, đất của các dự án cần phải rà soát lại và có quy định chặt chẽ, đặc biệt với đối tượng là người nước ngoài, tránh để xảy ra tình trạng như báo chí nêu vừa rồi là có người Trung Quốc vào mua hàng trăm hecta đất mà chính quyền không hay biết.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên