29/12/2013 07:26 GMT+7

Khơi dậy, cổ vũ cho cái mới

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - Suốt hơn hai giờ đối thoại vào chiều 28-12, các đại biểu dự Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần IX đã đặt nhiều câu hỏi cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và một số lãnh đạo các bộ ngành.

hzbEDkIP.jpg
Phần giao lưu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với sinh viên Cao Thị Thùy (đoàn đại biểu Thái Nguyên) trên sân khấu - Ảnh: Ng.Khánh

Bằng một phong thái rất trẻ trung, thay vì ngồi, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị được đứng để tiện di chuyển và gần gũi với các bạn sinh viên hơn suốt quá trình trò chuyện. Ông chọn cách xưng hô “bác - cháu” với các đại biểu sinh viên.

Ai cũng mong VN phải giàu lên

"Khi có một ý tưởng mới, xã hội hãy cổ vũ cho điều ấy, đừng quá khắt khe. Lớp trẻ phải đi đầu khơi dậy, cổ vũ cho cái mới. Hãy hoài bão, sáng tạo và cổ vũ cho sáng tạo"

Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Đại biểu Nguyễn Phương Mai (Bắc Ninh) mời ông chia sẻ về khát vọng, ước mơ với các bạn trẻ. Thoáng một chút trầm ngâm, ông kể khi đi học nước ngoài chỉ nghĩ không biết đến khi nào VN mới giàu lên, cha mẹ ở quê mới bớt khổ. Và trong đống sách vở ông mang về sau khi học xong có cả bản thiết kế nhà vệ sinh tự hoại vì lúc ấy ở quê không hề có. “Ngay khi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu bạn bè xung quanh vì VN sắp gia nhập ASEAN, chỉ có một thôi thúc duy nhất trong tôi là làm sao để VN phải giàu hơn. Và chúng ta ngồi đây phải cùng góp sức mình vì điều ấy. Không thể nói đất nước chúng ta anh hùng mà sao cứ nghèo mãi” - ông Đam nói.

Quê Nghệ An, hiện đang học tại Hà Nội, đại biểu Cao Xuân Dũng băn khoăn sinh viên các tỉnh sau khi học xong hay ở lại TP làm việc mà ít về tỉnh, đi học nước ngoài cũng ít quay về đóng góp cho quê hương... Rất cởi mở, ông Đam nói rằng đi học cùng ông có người cũng không quay về và đừng quá cứng nhắc, máy móc với chuyện có trở về không. “Nếu bạn ở nước ngoài mà làm tốt, gửi tiền về cũng là đang đóng góp cho đất nước. Mỗi người nên có quyết tâm hoài bão của mình, VN tốt nhất phải do chính người VN xây dựng. Chúng ta hãy nhìn rộng ra, có ngành về quê đóng góp được nhưng có ngành phải ở TP mới có điều kiện phát huy khả năng” - Phó thủ tướng nói.

“Năm 2015 sẽ hình thành cộng đồng ASEAN, Chính phủ đã chuẩn bị gì để thanh niên, sinh viên tham gia tốt nhất vào sân chơi chung này?” - đại biểu Cao Thị Thùy (Thái Nguyên) đặt câu hỏi. “Vậy cháu đã sẵn sàng chưa? Nếu có hãy lên sân khấu chia sẻ với đại hội” - Phó thủ tướng đề nghị. Lắng nghe Thùy nói về nỗ lực học tập, hoạt động để đạt kết quả tốt nhất trong khả năng, cũng là cách chuẩn bị hành trang cho sân chơi chung, ông Đam nói đi đâu người ta cũng nói đến cộng đồng ASEAN nhưng không phải ai cũng hiểu.

Phó thủ tướng nói sẽ không như cộng đồng chung châu Âu vì không có đồng tiền chung mà chỉ là hợp tác dựa vào ba trụ cột: ngoại giao - quốc phòng - an ninh, kinh tế mở và văn hóa mở. “Chúng ta sẵn sàng cho ASEAN thì hãy nghĩ xa hơn đến cộng đồng thế giới. Các bạn không chỉ là công dân ASEAN mà hãy là công dân toàn cầu” - ông Đam khuyến khích.

Cơ chế cho sinh viên

Đại biểu Phạm Thị Thùy My (Đà Nẵng) hỏi Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân về chiến lược phát triển khoa học nào cho sinh viên? Trả lời, ông Quân khẳng định khoa học công nghệ luôn là quốc sách hàng đầu và đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người làm khoa học. “Chúng ta đã có chính sách trọng dụng đãi ngộ người làm khoa học - nhất là những nhà khoa học trẻ tài năng - trong việc tạo cơ chế thuận lợi cho đề tài, kinh phí nghiên cứu, và hi vọng các bạn ngồi đây sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ tài năng” - ông Quân nói.

Trước trăn trở thực trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm mà đại biểu Ngô Quang Tuân (Thái Nguyên) đặt ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Trần Quang Quý cho biết đây cũng là điều ngành giáo dục rất trăn trở. Ông Quý thông tin các địa phương sẽ phải quy hoạch nguồn nhân lực, nhu cầu ngành nghề tại địa phương, cũng như bộ đã có chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài tại VN để quá trình đào tạo sinh viên gắn với nhu cầu thực tiễn, có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Huy Hoàng (Hà Nội) thắc mắc nhiều ký túc xá xây xa trường học, thiếu khu vui chơi giải trí cho sinh viên. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết bốn năm qua, với đầu tư 13.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ và sự ủng hộ quỹ đất của các địa phương đã cơ bản hoàn thành 85 dự án xây ký túc xá cho sinh viên tại nhiều tỉnh, thành cả nước. “Nếu có đi xa một chút nhưng giá rẻ hơn, điều kiện sống tốt hơn thì các bạn hãy chia sẻ với Chính phủ. Ngày nay người ta đã lên sao Hỏa, hãy bỏ suy nghĩ về khoảng cách địa lý trong đầu” - ông Nam dí dỏm.

Hãy trở về đóng góp

Đại biểu Đặng Minh Trí - chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Pháp - hỏi: “Có sinh viên Việt kiều ở Pháp muốn về nước mà lý lịch bố mẹ từng tham gia chính quyền miền Nam, vượt biên qua Pháp, có giải pháp gì không?”. Đáp lời, ông Vũ Đức Đam từ tốn cho rằng chúng ta đều sinh ra sau chiến tranh, dù gần 40 năm thống nhất nhưng hậu quả vẫn còn rất nhiều, đất nước VN là của dân tộc VN dù có ở đâu, trong hay ngoài nước.

“Chúng ta đâu có chọn được bố mẹ, nơi sinh nên dù xuất xứ thế nào, dân tộc gì, tôn giáo nào chúng ta đều là người VN. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về chính mình. Và cơ hội thăng tiến của mỗi người phụ thuộc vào đóng góp, khả năng của mỗi người, không phụ thuộc vào cha mẹ hay nơi sinh ra. Hãy nhắn với bạn em rằng không có sự phân biệt nào cả, nếu thấy phù hợp chỗ nào thì hãy trở về đóng góp” - ông Đam chia sẻ.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên