21/02/2018 16:59 GMT+7

Khởi đầu cánh bay Việt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Lần đầu tiên người Việt có hãng bay riêng thật sự của mình, cạnh tranh trực tiếp với các hãng quốc tế trong tình hình chiến tranh...

Khởi đầu cánh bay Việt - Ảnh 1.

DC3 là một trong những loại máy bay đầu tiên được Air Việt Nam trang bị - Ảnh: TTLTQG 2

Mặc dầu gặp nhiều trở ngại, chúng tôi đã thâu hoạch được nhiều kết quả khả quan, và kết quả trong năm thứ nhì đã tỏ ra tốt đẹp hơn năm thứ nhất

Ông LÝ CÔNG TRINH

Hà Nội, tối 22-10-1953, tòa nhà 36, đại lộ Gia Long sáng rực đèn trong buổi tiệc trà mừng đệ nhị chu niên ngày thành lập Công ty Việt Nam Hàng Không, tức Air Việt Nam.

Buổi tiệc trà đặc biệt

Trước các vị khách quan trọng, đại diện ban quản trị - giám đốc Việt Nam Hàng Không Lý Công Trinh tự hào kể lại chặng đường đầu tiên kinh doanh bay của người Việt, lĩnh vực mà trước đó chỉ có Pháp và các hãng quốc tế khác làm được:

"... Đến ngày 15-10-1953 vừa qua, Việt Nam Hàng Không được đúng hai tuổi. Nhơn dịp đệ nhị chu niên, tôi lấy làm hân hạnh và vui mừng được ngỏ lời lần đầu tiên cùng quý vị quan khách và thân chủ chúng tôi ở Bắc Việt. Quý ngài cho phép tôi mượn cơ hội này trình bày sơ lược tổ chức của Công ty quốc gia Việt Nam Hàng Không và những kết quả thâu hoạch được trong năm thứ hai...

Trước hết, chúng tôi tưởng cần nhắc rằng Việt Nam Hàng Không là một công ty quốc gia đã bắt đầu hoạt động với một số vốn 18 triệu đồng, trong đó phân nửa thuộc về chánh phủ và phần còn lại do một số công ty Pháp đóng góp vào. 

Vì lẽ, công ty hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và quốc gia Việt Nam nắm vai chánh trong sự phân phối cổ phần, chủ tịch ban quản trị và giám đốc là người Việt Nam.

Hội sở chúng tôi đặt tại Sài Gòn, nhưng chúng tôi đã tổ chức nhiều chi nhánh và đại lý ở tất cả thị trấn được các con đường hàng không của chúng tôi nối liền. 

Để thi hành việc này, chúng tôi đã dùng một đội phi cơ gồm có nhiều kiểu phi cơ khác nhau chuyên chở hàng hóa hoặc hành khách: phi cơ bốn động cơ DC4 có thể chở hơn 6 tấn hàng hóa hoặc hành khách trên con đường dài 1.500 cây số, phi cơ Bristol 170 chở được gần 5 tấn hàng hóa, và phi cơ hai động cơ C47 Dakota mà quý ngài đã thường thấy hoạt động trên phi trường Gia Lâm.

Tổng số nhơn viên của chúng tôi gồm có trên 700 người, trong đó người Pháp và người Việt cộng tác chặt chẽ với nhau.

Mặc dầu gặp nhiều trở ngại, chúng tôi đã thâu hoạch được nhiều kết quả khả quan, và kết quả trong năm thứ nhì đã tỏ ra tốt đẹp hơn năm thứ nhất. Để chứng minh sự tiến bộ đó, chúng tôi hãnh diện trình cùng quý ngài vài con số rút ra trong các thống kê của chúng tôi.

Trong năm thứ nhì (từ 15-10-1952 đến 15-10-1953), các phi cơ của chúng tôi đã bay được 16.000 giờ, sánh với 14.000 giờ trong năm thứ nhất. Suốt trong 16.000 giờ đó, chúng tôi chuyển vận được 120.000 hành khách, sánh với 105.000 hành khách trong năm thứ nhất. 

Chúng tôi cũng chở được 8.600 tấn hàng hóa, sánh với 6.160 tấn trong năm thứ nhất; 750 tấn thơ từ, sánh với 600 tấn trong năm thứ nhất. Như thế, sự tiến bộ có thể tiêu biểu bằng tỉ lệ từ 15% đến 25%".

Khởi đầu cánh bay Việt - Ảnh 3.

Tiếp viên Air Việt Nam - Ảnh tư liệu

Số phận hãng bay thứ hai

Đặc biệt, năm 1951, thời điểm Air Việt Nam ra đời, một nhóm doanh nhân khác cũng có ý định xin thành lập hãng bay tư nhân. Đó là các ông Nguyễn Bá Vạng, Nguyễn Châu (hai người này là cựu nhân viên của Hãng Avions Taxis d’Indochine), La Đông Toan, Đặng Vi và Pháp kiều Aroulanda. 

Năm 1950, mỗi người góp 10.000 đồng mở Hội Việt Nam Hàng không vận tải đại lý cuộc (ATAVINA) với các lĩnh vực kinh doanh chính là bán vé hành khách, hàng hóa và lo việc thuê máy bay khi có nhu cầu.

Ngày 19-4-1951, trong lúc Air Việt Nam khởi sự hoạt động thì nhóm năm người này cũng muốn mở một hãng bay riêng. Họ trình nguyện thư đến Quốc trưởng Bảo Đại:

"Tâu Hoàng thượng,

Chúng tôi kính cẩn tự giới thiệu một nhóm người Việt Nam đã từng làm việc hàng không. Từ đầu năm 1950, chúng tôi chủ trương một ngành hàng không thương mại đề hiệu Việt Nam Hàng không vận tải đại lý cuộc (ATAVINA). 

Mục đích là mướn máy bay, đại diện tất cả các hãng hàng không trong xứ và lo tổ chức các cuộc du lịch. 

Từ ngày mở cửa, hội chúng tôi càng ngày càng phát đạt, cho đến đỗi lắm khi chúng tôi phải từ chối nhận hàng hóa và hành khách vì các hãng máy bay không có đủ máy bay cho chúng tôi thuê.

Chúng tôi thấy không thể ở mãi trong phạm vi chật hẹp hiện thời nữa, cần phải khuếch trương theo trào lưu tiến triển trong xứ.

Nên chúng tôi có ý định xin lập một hội hàng không hoàn toàn Việt Nam có máy bay để sử dụng. Vì được quen biết nhiều nhà chuyên môn mẫn cán, chúng tôi tưởng có thể dùng toàn người Việt Nam, chỉ trừ phi công phải tạm dùng người Pháp cho đến ngày nào có thể thay thế được.

Chúng tôi dám chắc, nếu chúng tôi có máy bay trong tay, sự phát đạt mỗi ngày một thêm lên là dĩ nhiên.

Dự tính chúng tôi là thế đó. Nhưng chúng tôi sẽ không làm gì nên, nếu Hoàng thượng không giúp đỡ chúng tôi trong lúc khởi đầu. Vậy chúng tôi kính cẩn mời Hoàng thượng hạ cố nhận chức chủ tọa vinh dự của hội chúng tôi và mua giúp chúng tôi những cổ phần tùy thích Hoàng thượng.

Chúng tôi ước mong Hoàng thượng cho chúng tôi tiếp kiến một lần để giãi bày một cách tường tận công việc hữu ích cho tương lai hàng không nước Việt Nam".

Sau đó, lá thư đặc biệt này được chuyển qua lấy ý kiến Phủ thủ tướng. Ngày 5-7-1951, ông Vương Quang Nhương, tổng trưởng phụ tá thủ tướng, gửi công văn trả lời không đồng ý. 

Lý do: "Hoạt động chánh của ATAVINA là môi giới cho các hãng vận tải hàng không tại Sài Gòn, như lãnh bán giấy hành khách hoặc thuê máy bay. Như thế thì ATAVINA chỉ là một hội thương mại, chớ không phải là hội vận tải, vì trách nhiệm về hành khách và hàng hóa vẫn do các chủ hãng tàu bay đảm nhiệm. 

Nay hội có ý định đổi thành hội hàng không hoàn toàn Việt Nam và sẽ sắm tàu bay riêng, tưởng sự trù tính này là hơi sớm, nhứt là giữa lúc hội hàng không Air Việt Nam sắp hoạt động, chiếu theo hiệp ước vừa ký kết".

Cuối cùng, Việt Nam giai đoạn này chỉ có một hãng máy bay với niềm tự hào thật sự chính thức của người Việt: Air Việt Nam.

33,5% vốn của Air France

Ngoài cổ phần quốc gia chiếm 50% trong tổng số vốn 18 triệu đồng (đồng bạc Đông Dương Piastre, tương đương với hơn 300 triệu franc thời điểm ấy), còn có Hãng Air France góp 33,5%, Công ty Vận tải hàng không Đông Dương góp 11%, Hãng Vận tải biển 4,5%, Aigle Azur Indochine 0,5%...

Ban đầu, hội sở chính của hãng đặt tại số 5 Quai Le Myre de Vilers (Bến Bạch Đằng), Sài Gòn, sau dời về tòa nhà số 116 đại lộ Nguyễn Huệ.

_________

Kỳ tới: Bài toán khó: mua máy bay

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên