Chủ đầu tư dự án mở rộng sân bay Đồng Hới và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã quyết định dùng tiền dự kiến tổ chức lễ khởi công dự án cho quỹ khuyến học của tỉnh…
Nhiều bạn đọc ủng hộ các cách làm này và góp ý kiến xung quanh việc này.
* Kỹ sư Trần Văn Tường:
Trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư
Mỗi năm nước ta có không biết bao nhiêu lễ khởi công các dự án, công trình xây dựng được tổ chức khá tốn kém. Sau lễ khởi công, lắm khi triển khai xây dựng chậm tiến độ, đình trệ kéo dài ảnh hưởng dân sinh và đội vốn đầu tư.
Không ít lễ khánh thành cũng hình thức, chủ yếu nêu thành tích, công trình đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp, hư hỏng.
Lễ khởi công, khánh thành có thể là cơ hội tạo mối quan hệ, chủ đầu tư và nhà thầu giới thiệu về dự án công trình. Tuy nhiên, có nhiều cách quảng bá khác thiết thực, không thất thoát lãng phí, và quan trọng là phải đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng xây dựng.
Có một tập đoàn từng gửi văn bản xin được nâng hạn bảo hành cao tốc, cam kết bảo hành 5 - 10 năm đối với những đoạn đường đơn vị này thi công thay vì chỉ hai năm như quy định hiện tại.
Cam kết khá rõ ràng như sẽ không để mặt đường hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung bảo hành và thực tế đã và đang chứng minh.
Chuyện cam kết bảo hành, thi công xây dựng đạt chất lượng mà tập đoàn này đã làm cũng là một cách quảng bá thương hiệu nhận được sự tiếp nhận tích cực từ dư luận.
Nhìn từ hiệu quả và sự cần thiết trong lúc còn nhiều mối lo dân sinh quan trọng thì việc tổ chức các lễ khởi công, khánh thành hoành tráng mang tính hình thức lãng phí và chưa phù hợp. Khởi công, khánh thành sao cho thiết thực, tránh phô trương hình thức, tiết kiệm chi phí cũng là góp phần thực hiện chủ trương chống lãng phí.
Lễ khởi công, khánh thành nếu được cắt giảm bớt các tiết mục hình thức không cần thiết, chỉ tổ chức đơn giản để dành số tiền đó hỗ trợ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần phục vụ dân sinh nơi có dự án, công trình đó thì sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn.
Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa, quảng bá thương hiệu mà còn là trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư, nhà thầu đóng góp thêm cho hiệu quả dự án, công trình và phục vụ dân sinh.
Mong sao nhiều nơi điều chỉnh việc tổ chức lễ khởi công và khánh thành phù hợp, chất lượng công trình xứng đáng với chi phí đầu tư. Việc này cần khuyến khích nhân rộng ra nhiều lĩnh vực khác để tạo sự lan tỏa phúc lợi lớn hơn.
* Anh Phùng Tiến Thành (giám đốc một công ty thiết kế xây dựng ở Quảng Bình):
10 năm không tổ chức lễ khởi công rình rang
Hàng chục công trình xây dựng từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng của doanh nghiệp chúng tôi thi công trong hơn 10 năm qua chưa bao giờ phải tổ chức lễ khởi công quá rình rang.
Lễ khởi công được xem như một nghi lễ để thông báo với thổ thần đất đai về sự hiện diện của đơn vị thi công trên vùng đất đó.
Lễ khởi công đơn giản thường chỉ chú trọng phần lễ nghi, trong đó gồm các hoạt động theo truyền thống văn hóa địa phương. Sau đó cũng chỉ có đại diện chính quyền địa phương đến chứng kiến để xác nhận việc thi công công trình.
Xong lễ khởi công thì các nhóm thi công trực tiếp bắt tay vào công việc để đảm bảo tiến độ. Khởi công rình rang sẽ làm phát sinh nhiều chi phí. Chi phí này chủ yếu cho doanh nghiệp tự bỏ ra. Tiền này sẽ "ăn" trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Xuân Đạt (giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình):
Giá trị của công trình là ở chất lượng
Giá trị lớn nhất và cuối cùng của một công trình là chất lượng. Công trình thi công đảm bảo chất lượng thì mới phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư. Người dân khi đó sẽ là người hưởng lợi lớn nhất.
Khởi công rầm rộ mà công trình kém chất lượng hoặc chậm tiến độ thì cũng thành vô nghĩa. Thực tế tại địa phương những năm qua, có những công trình khởi công xong rồi "đắp chiếu", ì ạch năm này qua năm khác không triển khai. Những công trình này cũng từng tổ chức lễ khởi công rất tốn kém.
Tiết kiệm chi phí ngay từ lễ khởi công là việc nên làm. Mỗi năm đều có hàng loạt dự án được khởi công, nếu tiết kiệm thì đây cũng là một khoản rất đáng kể, cũng là cách để đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nguồn động viên lớn cho học sinh
Toàn bộ chi phí dự kiến tổ chức lễ khởi công dự án mở rộng sân bay Đồng Hới khoảng 100 triệu đồng đã được chủ đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - chuyển cho Quỹ khuyến học tỉnh Quảng Bình.
Đây là lần đầu tiên quỹ khuyến học tiếp nhận một khoản tài trợ từ chi phí tổ chức lễ khởi công một công trình.
Đời sống người dân Quảng Bình, đặc biệt người dân vùng núi, còn rất nghèo khó, để con được đến trường đã là sự cố gắng đến kiệt sức của bố mẹ. Nên việc ban tổ chức lễ khởi công dự án mở rộng sân bay quyết định chuyển tiền tổ chức lễ khởi công cho quỹ khuyến học để hỗ trợ cho học sinh nghèo đến trường là vô cùng ý nghĩa.
Số tiền này hỗ trợ một phần chi phí học tập, là nguồn động viên rất lớn về tinh thần cho các em.
* Ông Trần Xuân Vinh (chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình)
Mong hoàn thành đúng tiến độ đã hứa
Lễ khởi công là mốc đánh dấu cho việc chính thức thực hiện dự án, thông tin cho người dân được biết và cũng căn cứ vào đó để đánh giá phần việc sau này. Nhưng lễ khởi công không cần quá lớn. Điều quan trọng nhất là các giai đoạn dự án cần được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ cam kết, đảm bảo chất lượng công trình.
Những năm qua, chúng ta có không ít dự án lớn nhỏ khởi công xong thì làm dang dở, ì ạch vì vướng mặt bằng, gặp khó khăn về vốn. Có những công trình hạ tầng làm giữa chừng chưa đưa vào khai thác đã nhanh xuống cấp. Trong khi đó, nhiều người dân (nhất là những người có đất giải tỏa cho dự án) luôn mong muốn sẽ có con đường mới, cây cầu mới giúp địa phương phát triển hơn, hạ tầng đẹp hơn.
Tôi mong các dự án xây dựng giao thông đô thị đều cần được chuẩn bị kỹ càng trước khi khởi công, không động thổ rồi để đó. Trong đó dự trù các vướng mắc có thể xảy ra, khi gặp khó khăn phải có tổ công tác giải quyết ngay… Các cơ quan, đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ kể từ ngày khởi công, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của công trình.
* Anh Huỳnh Tấn Tài (một người dân có đất giải tỏa thuộc một dự án tại TP.HCM)
Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu làm chậm tiến độ
Một số dự án sau khởi công bị chậm trễ hoặc dừng chờ chủ yếu do gặp vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2015-2020, hầu hết dự án giao thông tại TP.HCM được triển khai theo phương án sẽ khởi công làm trước một số hạng mục. Song song đó, địa phương tiếp tục giải phóng mặt bằng phần còn lại.
Đây cũng là một cách để đẩy nhanh thời gian làm dự án, nhất là công trình cầu. Tuy nhiên, một số dự án cũng do bị chậm mặt bằng phần còn lại dẫn tới dang dở phải ngưng, chưa kể có trường hợp xảy ra khiếu kiện còn chậm hơn.
Sau năm 2020, lãnh đạo TP.HCM cùng các đơn vị đã có hướng xử lý để chấm dứt tình trạng này. Muốn như vậy, các đơn vị phải có khâu chuẩn bị trước khởi công kỹ càng, đầy đủ. Ngoài ra phải lường trước những vấn đề có thể xảy ra để chuẩn bị phương án giải quyết kịp thời.
Đặc biệt là khâu chọn nhà thầu đủ năng lực, sẽ chấm dứt hợp đồng ngay nếu nhà thầu yếu kém ảnh hưởng tiến độ dự án.
* Ông Lương Minh Phúc (giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận