Thủ tướng Thái Lan đã phải kêu gọi người dân đeo khẩu trang để chống bụi - Ảnh: Bloomberg
Bangkok Post ngày 1-10 dẫn lời ông Prayut phát biểu sau cuộc họp về tình trạng khói bụi, cho biết những phương tiện xả khói đen sẽ bị cấm lưu thông tại Bangkok đến khi sửa chữa được động cơ.
Ông cũng khuyến khích người dân để xe ở nhà, sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế khói bụi.
Tính đến tháng 8-2019, Bangkok có hơn 10,5 triệu xe đăng ký với sở giao thông đường bộ. Tuy nhiên, mỗi ngày có nhiều phương tiện đi vào thành phố từ các tỉnh lân cận như Nonthaburi, Samut Prakan và Pathum Thani.
Trong khi đó, thủ đô Thái Lan những ngày qua như chìm trong sương mù do khói bụi.
Trong ngày 1-10, Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan đo được nồng độ bụi mịn PM2.5 trong khoảng 34-73 mcg/m3 không khí. Tình hình cũng tương tự tại các tỉnh như Bang Phlad và Bang Sue.
Chính phủ Thái Lan đã đặt ra mức PM2.5 an toàn là 50 microgram/m3 không khí, dù các quốc gia khác đưa ra mức thấp hơn.
Trước đó, trong một tuyên bố đăng trên Facebook ngày 30-9, ông Prayut cảnh báo nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở thủ đô nước này đã lên mức không an toàn và yêu cầu người dân mang khẩu trang khi ra đường.
Nhà lãnh đạo Thái Lan chỉ thị các cơ quan chính phủ đưa ra những biện pháp đối phó tình trạng ô nhiễm, đồng thời yêu cầu hạn chế các hoạt động xây dựng và sản xuất nào vốn thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.
Bụi mịn PM2.5 đủ nhỏ để đi vào phổi và máu của con người, gây ra các vấn đề về hô hấp và có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch và ung thư.
"Nhiều bạn tôi cho biết mũi họ chảy nước, mắt đau. Tất cả đều ho và chuyện này không bình thường chút nào" - Piyavathara Natthadana, nhân viên văn phòng tại Thái Lan, kể lại.
Đây là lần thứ hai trong năm Bangkok bị sương mù bao phủ nghiêm trọng như vậy sau một đợt ô nhiễm hồi tháng 1. Một số nhà môi trường học đã đổ lỗi cho chính phủ không hành động hiệu quả để đối phó ô nhiễm.
"Nguyên nhân vấn đề vẫn vậy. Nguồn gốc gây ô nhiễm cũng vẫn vậy. Nhưng các biện pháp kiểm soát nguồn gốc gây ô nhiễm lại chưa được thực hiện vì họ nói rằng điều đó đòi hỏi nhiều thời gian" - ông Tara Buakamsri đến từ Tổ chức môi trường Greenpeace chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận