Khoe & khoe khoang giữa đại dịch

PHẠM PHONG 08/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Ranh giới giữa hai thứ này thật mỏng manh và tế nhị...

 
 

KHOE THƯỜNG VÀ KHOE KHÉO

Jonathan Berman giảng dạy tại Trường Thương mại London, chuyên nghiên cứu về hành vi của khách hàng, về lý do họ ra quyết định abc trước một nhãn hàng... Ông là tác giả của khái niệm “braggart’s dilemma”, tức “thế khó xử của người khoe khoang”. 

Lấy thí dụ: vừa làm được một cái bánh vô cùng đẹp, bạn có muốn “cõi mạng” biết về việc này không? Bạn tự nhủ: “Muốn chứ! Nhưng mình không muốn họ nghĩ mình khoe khoang!”. Chụp ảnh đưa lên, có nguy cơ bạn bị cho là khoe. Nhưng không đưa lên thì thật bất công, ai mà biết bạn mới làm được một việc mà chính bạn cũng phải khâm phục bạn? 

Theo Berman, cân bằng được hai đòi hỏi mâu thuẫn ấy là cả một nghệ thuật, bởi động lực căn bản trong hành vi của con người là muốn được ưa nhìn trong mắt kẻ khác, nhưng quá lên một tí thì lại thành kẻ khó ưa. 

Berman thấy ngày nay “nhờ” mạng xã hội mà ta được gặp cảnh khoe khoang nhiều hơn. Cũng con người bình thường ngồi đối diện đây, không nói gì nhiều về bản thân, về sở thích; nhưng trên tài khoản mạng xã hội của họ lại đầy những thứ khoe: nào nhà to, nào hoa đẹp, nào con học giỏi, nào chồng galăng... 

Thế rồi đến một lúc, bản thân người khoe cũng thấy “chướng” nên vô tình hay hữu ý mà dùng tới cách “khoe khiêm tốn”. Berman lấy ví dụ một ai đó than thở đêm qua bước trên thảm đỏ mà đạp trúng miếng bã kẹo cao su. Theo ông, người ta thấy kiểu khoe khiêm tốn này đáng ghét vì có kẻ đã đạt được mức độ thành công mà kẻ khác không có, rồi lại (giả vờ) than thở về việc ấy.

Khoe khiêm tốn hay “khoe khéo”, theo định nghĩa là “việc khoe khoang được che đậy bằng một lời than thở hoặc sự khiêm tốn”. Trong một bài viết, Jamie Ducharme nói có hai loại rõ rệt. Loại đầu là một lời than, chiếm đến 60% của thể loại khoe khiêm tốn (“Mình ghét mình trông cứ trẻ mãi, đến nỗi thằng 19 tuổi còn xông vào tán!”). Loại thứ hai là một vẻ khiêm tốn (“Không hiểu sao mình kém cỏi mà cứ bị giao làm những tác vụ quan trọng nhất?”).

Các nhà nghiên cứu bèn tiến hành các thí nghiệm xem người ta sẽ phản ứng ra sao với người “khoe khéo”, có thấy họ đáng yêu và giỏi giang hơn không. Kết quả: khoe theo lối “truyền thống” ăn điểm về cả hai khía cạnh ấy, ít nhất là do nó “thật”. 

Ovul Sezer, một thành viên của đội nghiên cứu khuyên rằng nếu muốn khoe một điều gì đó thì ta cứ khoe thôi, ít nhất là mình tự khen mình, rồi sau đó còn nhận được phần thưởng của thành thật, còn hơn là dùng đến “khoe khéo” để cuối cùng mất mọi đằng.

 
 

KHOE TRONG ĐẠI DỊCH CÓ GÌ SAI KHÔNG?

Khi đại dịch COVID-19 mới diễn ra, trên mạng có phong trào thử thách lúc cách ly: số lượng sách đã đọc, các bài thể dục khó đã chinh phục... Iris Casiano là một nhà tư vấn tâm lý, bà nhận thấy đi kèm với phong trào vui vẻ kia là một nhãn dán có phần hằn học: “Khoe khoang lúc cách ly”.

Bà cũng nhận thấy một số khách hàng mang tâm lý “có lỗi” và “xấu hổ” khi phát hiện ra những khía cạnh tích cực của cách ly (khi ấy không ai nghĩ đại dịch sẽ đi lâu, đi xa tới tận hôm nay và cứ ngỡ rằng thời gian cách ly ấy chỉ là ngắn ngủi vài tuần).

Họ thấy do cách ly mà thành ra thiết tha hơn với việc kết nối người thân yêu, biết quay lại chăm sóc bản thân như ngủ đúng giờ, tập thể dục chăm chỉ, sắp xếp lại nhà cửa, máy tính... toàn những thứ khiến họ thêm tự tin vào khả năng “dám thay đổi” của chính mình. Họ không dám thổ lộ điều này với ai, chỉ dám nói với Iris những cảm xúc hân hoan đó. Bà bảo họ rằng rất nên tự hào vì những thay đổi tích cực như vậy, và rằng là con người, chúng ta phải chấp nhận một sự thực: có những thời điểm khó khăn cho tất cả mọi người: có người mất rất nhiều, thậm chí mất hết, nhưng lại có những người biến chính lúc này thành cơ hội để phát hiện ra sự kiên cường đáng kinh ngạc của loài người.

Kiên cường là khả năng đối đầu về cảm xúc và tâm thần trước hoàn cảnh khó khăn. Đứng từ góc độ này, theo Iris, những gì bị gọi là “khoe khoang” nên được coi là “sự phản ánh tính kiên cường và nguồn sống tích cực của cá nhân trước nghịch cảnh”. Điều đó là có lợi, và Hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng: tư tưởng lành mạnh, hy vọng và tích cực là yếu tố chủ chốt để xây dựng nên sự kiên cường và hồi phục tốt.

Iris nói giữa một cuộc hỗn độn mà bản thân vẫn làm được việc này việc kia để tự hào thì cứ nên vui. Bà cho một thí dụ nhỏ là lục trong tủ lạnh chỉ còn vài thứ vớ vẩn sót lại mà vẫn nấu được nồi xúp ngon thì cứ nên chụp ảnh mà chia sẻ trên Instagram, rồi sẽ có những người đón nhận nó như một biểu tượng của sự kiên cường và uyển chuyển, và đến lượt “quỹ kiên cường” của họ cũng được đánh thức mà bắt chước theo.

MỘT ĐỘNG CƠ KHÁC CỦA KHOE KHOANG

Trái với Iris, trong một bài viết trên trang Magdalen, Sebastian Partogi thành thật nhìn nhận bản thân mình có hơi khoe khoang, không phải về vật chất mà về thành tựu trong nghề nghiệp. Lý do: đó chính là thứ khiến anh bất an nhất.

Partogi nhận thấy trong đại dịch, khi cảm giác mình tệ hại hơn vì mất kết nối người thực với người thực, anh lại muốn khoe về kỹ năng viết và dịch của mình hơn bao giờ hết. Thế rồi đột nhiên anh thấy hình như người đọc đang mất cảm tình vì sự khoe này quá đà. Anh dừng lại, nhận ra bên dưới ham muốn khoe khoang tài giỏi là một cảm thức khốn khổ về cô độc, vô tích sự. Dịch COVID-19 càng khốc liệt, tài chính cá nhân càng kiệt quệ, công việc càng bất ổn, cảm thức ấy càng tăng khiến anh càng muốn nói to với mọi người rằng tôi còn sống, tôi đọc nhiều sách lắm, tôi không sao, tôi vẫn là người được việc, và hơn tất cả, tôi vẫn đáng yêu.

Partogi nhìn quanh, bạn bè anh cũng nhiều người như thế. Họ khoe nhiều thứ khác nhau nhưng đều là để che đậy cảm giác đang gặp khó, đang thiếu thốn. Partogi kết luận: khoe khoang trên mạng xã hội thực chất là một tiếng kêu cứu của những người đang tuyệt vọng vì buồn chán.

CHỐNG CHỌI SỰ KHOE KHOANG CỦA KẺ KHÁC

Bất kể lý do gì, khoe khoang giữa lúc đại dịch cũng là không nên, dù là khoe “nghị lực vượt nghịch cảnh”, khoe “tủ lạnh đầy ắp ăn làm sao hết?” hoặc khoe “sự thanh thản ngắm chồi non mới nhú ở bancông”.

Khi số đông đang mất mát vì đại dịch, người ta không nên chia sẻ những thứ mà họ thấy là “lợi ích từ đại dịch”, bởi vì cái “lợi ích” ấy với họ có thể là lớn lao, giúp họ tìm lại được con người đích thực của họ, nhưng nó chỉ là hạt cát chìm lỉm giữa “bể khổ” của những người đang mất mát ngoài kia. “Hạt cát lợi ích” ấy nếu có thì nên giữ trong lòng, hãy nhìn vượt ra khỏi đó nhận lấy bức tranh toàn cảnh.

Trong một bài viết, bác sĩ tâm lý học Amy Morin cho rằng những hình ảnh đáng ghen tị trên Instagram, Facebook... chỉ khiến người ta thêm tiêu cực. “Chỉ cần quẹt màn hình vài phút là đủ đi từ tệ tới tệ hơn. Không cẩn thận, sự khoe khoang của người khác có thể làm hại đến sức khỏe tâm thần bạn”.

Đặc biệt là với những người đang sống trong phong tỏa, cách ly, căng thẳng; việc nhìn vào những bức ảnh “an nhiên” trên mạng của những người khoe mình hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn, giàu có hơn sẽ làm nảy sinh sự so sánh vô lý mà không cưỡng lại được. Nghiên cứu đã chỉ ra độ ganh tị với người trên mạng là có liên quan tới độ trầm cảm, và càng trầm cảm người ta lại càng ngồi một chỗ, thụ động lướt mạng, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn tiêu cực khó phá bỏ.

Phải làm sao? Theo Amy Morin, bạn không thể khiến người khác bớt khoe họ giàu có và bình an ra sao giữa đại dịch, bạn cũng không thể nói họ là đừng có “khoe khéo”, “khoe khiêm tốn” nữa, nghe ghét lắm, nhưng bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi sự tấn công cùng lúc của cả đại dịch lẫn sự khoe khoang của kẻ khác, nhất là khi sự khoe ấy nhắm tới... bạn.

Theo Morin, bạn chỉ cần:

- Ít vào mạng xã hội lại. Tốt nhất là không theo dõi những ai làm mình nghĩ tiêu cực, xấu xí đi. Chỉ đọc những gì làm mình vui, mình tốt lên. Nhưng nói chung hãy bớt đi thời gian cho mạng xã hội.

- Không so sánh vớ vẩn nữa. Đừng mất năng lượng chỉ để so sánh giữa đời thực của mình với cảnh đời hư ảo mà kẻ khác muốn mình nghĩ là của họ. Nhớ rằng rất nhiều thứ bạn thấy trên mạng xã hội không hề phản ánh chính xác cuộc sống của người khác. Và cho dù có chính xác đi chăng nữa, tức người ta giàu hơn, bình an hơn bạn giữa đại dịch thì cũng là... việc của người ta. Nếu đã quyết so thì hãy so luôn với những cảnh đời còn khổ hơn bạn.

- Hãy tự yêu mình. Ganh tị là khi ta tự xỉ vả mình vì đã không được như kẻ khác. Giờ là lúc hãy tập thương lấy mình, coi mình là bạn thân mình, cùng nhau lèo lái “có ít dùng ít có nhiều dùng nhiều” qua khó khăn.

LỜI KHUYÊN CHO KẺ HAY KHOE

Theo chuyên gia Sezer, nếu không kiềm chế được sự khoe thì xử sự tốt nhất lúc này là chớ có tự khoe, hãy dùng người khác khoe hộ mình. Một người khác khen bạn làm bánh đẹp, một người khác khen nhà bạn sao mà đẹp..., khi đó bạn sẽ thoát khỏi việc bị coi là kẻ khoe khoang.

Nhưng rốt cuộc, nếu phải vất vả thế thì để làm gì? Để làm khổ người khác à? Để trêu tức ai đó à? Hay để như nhà văn Richelle E. Goodrich từng nói: “Một tràng khoe khoang chẳng thu hút được người bạn thật sự nào. Nó chỉ đặt ta lên một bục kê, khiến ta trở thành một mục tiêu dễ nhắm hơn”? 

(*) Tổng hợp và dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận