22/06/2018 13:51 GMT+7

Khoe con trên mạng: Đừng tìm vui trên buồn phiền của trẻ!

XUÂN TIẾN - NGUYÊN LINH
XUÂN TIẾN - NGUYÊN LINH

TTO - Yêu con, hãnh diện về con, cha mẹ lên mạng khoe hình, kể chuyện của con. Người lớn vui vì những lời khen tặng của bạn bè. Có mấy ai nghĩ đến tâm tư của trẻ - nhân vật trong câu chuyện.

Khoe con trên mạng: Đừng tìm vui trên buồn phiền của trẻ! - Ảnh 1.

Đã có nhiều bài viết cảnh báo hậu quả việc khoe hình trẻ em lên mạng - Ảnh: tư liệu

Sinh nhật con gái. Mẹ vô tư đăng lên Facebook ảnh con gái lên 5 mũm mĩm với bộ đồ bơi "hở đủ chỗ" và ảnh cô thiếu nữ tuổi teen hiện tại. Bạn bè của mẹ vào like, "còm" các kiểu: "Con gái xinh quá!", "Đã thành thiếu nữ rồi đây"... Một nam đồng nghiệp trẻ gửi lời: "Má ơi, cho con góp gạo...".

Ngay cả việc khen con trên mạng cũng cần quan tâm trẻ có đồng ý hay không, việc đó có ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của trẻ trong tương lai hay không. Một đứa trẻ chỉ có thể “bình yên” lớn lên khi không bị chú ý quá nhiều, hay phải đón nhận quá nhiều lời bình luận về cuộc sống riêng tư."


Hại nhiều hơn lợi

Người lớn vẫn nghĩ đó là những câu chuyện vui vẻ. Mấy ai hiểu cảm giác khó chịu và khổ sở của con trẻ khi bạn bè con xúm nhau chọc ghẹo và bình loạn về sắc vóc và trang phục ngày bé của con, kể cả về những câu "còm" người lớn đã viết!

Vẫn thường thấy trên mạng các clip cảnh em bé ăn siêu nhanh, siêu nhiều. Người lớn share lên mạng cùng xem để giải khuây, có khi chỉ để trầm trồ ước gì con mình cũng ăn giỏi như vậy. Lắm khi là những hình ảnh "riêng tư xấu xí", người lớn cứ nghĩ "trẻ con mà, vui mà...". Mấy ai nghĩ mươi năm sau, nhân vật trong clip sẽ cảm giác như thế nào, nhất là đối với bé gái?

Những đoạn video clip hình ảnh trẻ con có tính chất hài hước, gây cười xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội, phong phú và đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung. Nhân vật chính là những trẻ nhỏ, từ 2-3 tuổi, lứa tuổi chưa nhận thức được hành vi bản thân, càng chưa thể hiểu mọi thứ về mình trên mạng.

Một số clip do người thân hoặc chính cha mẹ của trẻ ghi lại cảnh trẻ hư, mắc lỗi hoặc làm sai một điều gì đó và bị người lớn dọa đuổi ra khỏi nhà. Những đứa trẻ khóc sướt mướt, nước mắt chảy ròng ròng, loay hoay tự mình thu dọn áo quần cùng vật dụng cá nhân để... ra đi và vừa phân trần về tình cảnh mình đang gặp phải. Các clip này người lớn vô tình ghi lại hay có dàn dựng thêm, thiết nghĩ hại nhiều hơn lợi.

Con có muốn khoe đâu!

Bởi con còn bé nên cả sự vụng về, giận dữ, nỗi sợ hãi của con đều đáng yêu. Đọc các bình luận phía dưới các clip sẽ thấy người lớn bày tỏ cảm xúc vui vẻ, thích thú. Biết đâu, trẻ vừa trải qua những giây phút lo lắng, hoảng loạn, cú sốc tâm lý mà con chưa biết cách thể hiện. 

Sẽ là phán xét một chiều nếu cho rằng mục đích của những đoạn clip ngắn này nhằm thu hút người xem, "câu like". Nhưng kể về con cháu và được like, ai cũng vui. Xin đừng vì niềm vui của người lớn mà tạo ra những khó khăn, cảm xúc tiêu cực trong tâm trí của trẻ nhỏ. 

Từ góc độ tâm lý, đó là một hành động hoàn toàn sai lầm. Đó là chưa kể những hình ảnh, thước phim riêng tư thời nhỏ của trẻ đã bị công bố rộng rãi!

Cũng có thể vì yêu con, hãnh diện về con, cha mẹ vẫn thường khoe thành tích, ưu điểm nổi trội của trẻ. Điều này trên thực tế đã dẫn đến việc các bậc phụ huynh khác khi xem sẽ dùng đó làm "tấm gương", là câu chuyện để viện dẫn, so sánh với con mình. 

Việc này có khi chỉ vì muốn khuyến khích con em mình phấn đấu. Nhưng có một thực tế trái ngược là trong khi cha mẹ khoe con thì con trẻ lại phàn nàn về cha mẹ. Những cuộc chuyện trò trên mạng của những đứa con đầy những câu chuyện thể hiện sự chống đối, mặc kệ, bất cần ở trẻ. Thành tích của con mà có khi con có muốn khoe đâu! Bởi con hiểu bạn bè mình sẽ nghĩ gì...

Ở Áo, năm 2016, một thiếu nữ 18 tuổi đã kiện bố, mẹ mình ra tòa vì đã đăng ảnh thời thơ ấu của cô lên trang mạng xã hội mà không được sự đồng ý của cô, khi đó cô 14 tuổi và đã nhiều lần thuyết phục bố, mẹ gỡ hình ảnh xuống nhưng họ không đồng ý. Vì vậy khi đủ 18 tuổi, cô gái đã kiện bố mẹ về hành vi đăng hình ảnh không được sự đồng ý của mình và việc này đã gây ra sự mệt mỏi cho cô.

Ngay cả khen con trên mạng cũng cần quan tâm đến việc trẻ có đồng ý hay không và việc làm đó có ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của trẻ trong tương lai hay không. Bởi vì một đứa trẻ chỉ có thể "bình yên" lớn lên khi không bị chú ý quá nhiều, hay phải đón nhận quá nhiều lời bình luận về các góc cạnh trong cuộc sống của trẻ. 

Trẻ em khi được xã hội dành quá nhiều lời khen tặng sẽ bị lệch lạc trong quá trình hình thành, phát triển nhận thức và nhân cách. Ngược lại khi bị chê bai, dè bỉu hay kỳ thị sẽ đưa trẻ rơi vào tình trạng tự ti, trốn tránh xã hội... Những hình ảnh hôm nay có thể thành nỗi khổ của trẻ sau này.

Luật trẻ em năm 2016, tại khoản 11, điều 16 cấm: "Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em".

Điều 21 luật này cũng quy định: "Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư".

Bạn có thường khoe con trên mạng xã hội? Theo bạn, cần lưu ý điều gì khi chia sẻ hình ảnh, thông tin của con trên mạng xã hội. Bạn đã từng bị phiền toái gì vì khoe con trên mạng xã hội chưa? Hãy chia sẻ với chung tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Khoe con  trên mạng xã hội: coi chừng rủi ro

TT - Trước đây tôi thường lên mạng xã hội cập nhật thông tin. Nhưng sau thời gian cần mẫn với những dòng status, tôi bắt đầu nhàm chán bởi mỗi lần lên mạng, điều tôi bắt gặp đầu tiên là tình trạng khoe con ngày một nhiều của các bậc cha mẹ.

XUÂN TIẾN - NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên