Phóng to |
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hồi Loan - khoa xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) và TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học Việt Nam.
* Quan điểm về tiền trong bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu được nhận xét là quan niệm của một người chín chắn và già hơn so với tuổi 16. Liệu có phải chỉ những bạn trẻ sinh ra trong nghèo khó, phải trải nghiệm qua nhiều khó khăn mới có suy nghĩ đó không?
- PGS-TS Nguyễn Hồi Loan: Cậu bé Nguyễn Trung Hiếu hằng ngày, hằng giờ trong suốt cả tuổi thơ của mình đã phải trải qua cảnh túng bấn, phải cùng gia đình vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Tôi tin chắc không chỉ mình Hiếu mà rất nhiều hoàn cảnh, những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang sẽ có trải nghiệm sâu sắc như thế. Những đứa trẻ sung sướng từ bé, sống trong đủ đầy khó có thể có những trải nghiệm quý báu như thế được.
Câu chuyện của Hiếu khiến nhiều người xúc động không chỉ vì cuộc sống khốn khó, đầy nghị lực của cậu. Người ta khóc vì có thể đã nhìn thấy chính mình một phần trong đó. Tôi đã khóc khi đọc những dòng tâm sự của em.
- TS Trịnh Hòa Bình: Chắc chắn khi người ta có va đập sẽ hiểu được những giá trị đích thực của cuộc sống và có những lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên sẽ không công bằng khi cho rằng chỉ người nghèo mới hiểu được giá trị đồng tiền. Những người có điều kiện khá giả hơn nhưng hướng thiện, biết kiếm tiền bằng sức lao động chân chính sẽ không lo họ có suy nghĩ lệch lạc.
Đọc bài văn của Hiếu, tôi thấy quan niệm của cậu bé còn hơn cả mức lành mạnh. Cũng có dằn vặt, cũng đánh giá cao giá trị đồng tiền nhưng cậu xác định rất rõ tiền không phải đích đến khi cuộc sống có nhiều giá trị khác tốt đẹp hơn, như tình yêu thương gia đình.
* Nguyễn Trung Hiếu cho biết em sẽ chuyển phần lớn số tiền có được để giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ. Ông đánh giá hành động này như thế nào?
- TS Trịnh Hòa Bình: Đối với Hiếu, tiền không phải là tất cả. Khi được mọi người chia sẻ, em cũng chỉ nhận với điều kiện “vay rồi sẽ trả”. Khi được ủng hộ nhiều hơn, em lại quyết định dành để san sẻ với những cảnh đời khốn khó hơn. Đây là cậu bé biết cho và biết nhận, biết nhận nhưng cũng biết cho. Hơn nữa, có thể Hiếu tự tin vào việc mình sẽ thành đạt và có thể tự kiếm được tiền để trả lại cho mọi người. Sẽ có người cho rằng Hiếu còn non nớt, hơi ngốc nghếch, nhưng tôi nghĩ đây là cậu bé có nhân cách hiếm có.
- PGS-TS Nguyễn Hồi Loan: Em đã vượt qua cái nghèo bình thường để nhìn ra xung quanh, nhìn thấy số phận tương tự đang cần sự chia sẻ hơn em.
* Theo hai ông, việc đưa vấn đề quan niệm về đồng tiền vào trường phổ thông để giáo dục học sinh và ra những đề văn yêu cầu học sinh tìm hiểu về tiền có phù hợp với lứa tuổi các em không?
- PGS-TS Nguyễn Hồi Loan: Không có mẫu số chung cho việc sử dụng đồng tiền ở mọi người. Song nếu không giáo dục cách ứng xử với đồng tiền cho đúng, trẻ con sẽ rất dễ ngộ nhận trong quan niệm về vấn đề nhạy cảm này. Hiện nay việc giáo dục con trẻ về giá trị của tiền và sử dụng tiền thế nào đang còn là khoảng trống. Nhà trường nên có kênh hướng dẫn học sinh về giá trị của đồng tiền, không nên né tránh nó. Tôi ủng hộ cách đặt vấn đề và ra đề thi như của cô giáo Nguyệt Anh (giáo viên dạy văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - PV). Bài văn của Hiếu, sự lay động của độc giả chính là minh chứng cho hiệu quả của phương pháp giáo dục này.
* Có một số bậc phụ huynh không muốn cho con tiếp xúc với tiền quá sớm, trong khi có những bậc phụ huynh khác lại trả tiền công cho con khi làm việc nhà hoặc thực hiện các yêu cầu của người lớn. Quan niệm nào đúng, quan niệm nào sai và nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến con trẻ?
- TS Trịnh Hòa Bình: Hiện nay, tôi quan sát thấy ở các thành phố lớn có đến 40% bố mẹ chấp nhận trả tiền để con làm một việc gì đó như dậy đúng giờ thì được 30.000 đồng, dậy muộn thì phạt 10.000 đồng. Việc này cũng có khía cạnh tích cực để con trẻ hiểu được giá trị của lao động, nhưng sẽ thiếu hụt nếu không giúp trẻ nhận thức được trong mỗi việc làm đều còn có trách nhiệm, tình cảm cá nhân.
- PGS-TS Nguyễn Hồi Loan: Đây là sự khập khiễng trong giáo dục hiện nay. Con cái chịu ảnh hưởng mạnh về quan niệm tiền bạc từ bố mẹ. Nếu mọi thứ đều quy đổi ra tiền, trẻ sẽ không còn tình yêu và trách nhiệm với công việc, với người thân. Không thể đánh đồng quan hệ công việc với quan hệ giữa những người trong cùng gia đình.
Cách giáo dục sai lầm này có thể khiến đứa trẻ có lối sống thực dụng, luôn tận dụng triệt để chức năng của đồng tiền. Trong gia đình, sự chi phối lớn nhất phải là tình yêu thương.
* Theo các ông, để giới trẻ hiện nay hiểu giá trị của đồng tiền và sử dụng nó một cách tốt nhất, những điều cốt yếu nào cần phải thay đổi trong nhận thức chung của người Việt Nam?
- PGS-TS Nguyễn Hồi Loan: Tiền là phương tiện để trao đổi. Quan niệm và cách sử dụng nó tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Ngược lại, việc ứng xử và sử dụng đồng tiền cũng thể hiện phông văn hóa, trình độ mỗi người. Lâu nay tiền chi phối tất cả mọi hoạt động xã hội nhưng không phải ai cũng có cách nghĩ và ứng xử đúng.
Đã có những người nghèo đột nhiên có một khoản tiền lớn nhưng không biết sử dụng hiệu quả, có ý nghĩa mà chỉ thỏa mãn những nhu cầu tức thời và kệch cỡm. Có những người giàu bằng lao động chân chính nhưng bị xã hội nhìn nhận theo chiều hướng xấu. Đó là những biểu hiện sai lệch do quan niệm chưa đúng về tiền và việc sử dụng tiền.
Để thay đổi, quan trọng nhất vẫn là hành xử với đồng tiền của người lớn chứ không phải chỉ thông qua vài lời răn dạy giáo điều suông.
- TS Trịnh Hòa Bình: Không tuyệt đối hóa giá trị đồng tiền, nhưng cũng phải biết trân trọng nó. Muốn làm được điều này, quan trọng nhất vẫn là giáo dục về lao động và về giá trị sống. Phải để giới trẻ thấy để kiếm được tiền, không gì khác là phải lao động chân chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận