Chỉ hơn 60% số học sinh dự tuyển vào lớp 10 của Hà Nội sẽ vào được trường công lập. Ở một số địa bàn căng thẳng về chỗ học, tỉ lệ này còn thấp hơn nữa.
"Cân não" đặt nguyện vọng vào lớp 10
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong số 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm nay, chỉ có gần 110.000 học sinh sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đáp ứng 61%.
Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi thí sinh sẽ có 3 nguyện vọng, trong đó 2 nguyện vọng nằm trong khu vực tuyển sinh là nơi học sinh cư trú. Nguyện vọng 3 nằm trong khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nhưng đây là nguyện vọng ít phụ huynh và học sinh đặt hy vọng vì thường các trường có chất lượng thấp hơn hẳn so với các trường tốp đầu thì mới có nhiều cơ hội đỗ nguyện vọng 3.
Vì thế, sự "cân não" đặt vào nguyện vọng 1 và 2, trong cùng khu vực tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới trường THPT công lập tại Hà Nội phân bố không đều. Có nơi tốc độ đô thị hóa, tình trạng di dân cao nhưng trường công lại ít. Điển hình là quận Hà Đông, ngoại trừ trường chuyên thì chỉ có 3 trường THPT công lập.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, năm học này toàn quận có gần 8.000 học sinh lớp 9 hoàn thành chương trình THCS và tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Con số này tăng so với năm ngoái vài trăm em.
Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của cả 3 trường THPT công lập ở địa bàn này đều giảm. Cụ thể năm trước chỉ tiêu là 765 thì năm nay 3 trường này đều giảm xuống còn 675 chỉ tiêu. Mỗi trường giảm 90 chỉ tiêu.
Theo số liệu đăng ký dự thi mới công bố, tỉ lệ chọi tính giữa chỉ tiêu và nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Trường THPT Trần Hưng Đạo - Hà Đông đều gần chạm mức 1/3 (3 học sinh, chọn 1). Tỉ lệ học sinh tại Hà Đông có thể vào các trường công lập trên địa bàn quận này thấp hơn hẳn so với tỉ lệ chung của thành phố.
Nếu căn cứ vào điểm chuẩn của các trường công lập ở địa bàn này năm trước và áp lực về tỉ lệ chọi của năm nay thì học sinh phải đạt 8,25 - 8,50 điểm/môn thi mới hy vọng đỗ.
Quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng là địa bàn chỉ có 3 trường THPT công lập trong khi tình trạng di dân, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Các trường ở quận này đều nằm trong tốp 2 (xếp theo điểm chuẩn hằng năm), tuy nhiên tỉ lệ chọi ở các trường này vẫn khá cao.
Cụ thể Trường THPT Hoàng Văn Thụ tỉ lệ chọi giữa chỉ tiêu và nguyện vọng 1 là 2,38, THPT Trương Định là 1,45, THPT Việt Nam - Ba Lan: 1,74.
Tuy nhiên nếu tính cả 3 nguyện vọng thì tỉ lệ chọi vọt lên khá cao do nhiều học sinh đăng ký nguyện vọng 2 và 3 để "chống trượt". Nếu đặt mục tiêu học sinh tại địa bàn được học các trường trong khu vực thi, tỉ lệ học sinh đỗ công lập của quận này cũng thấp dưới mức trung bình của thành phố.
Cuộc đua vào "trường top"
Tuy quy định 2 nguyện vọng trong cùng một khu vực tuyển sinh, phù hợp với nơi cư trú nhưng Hà Nội vẫn linh hoạt cho phép các trường hợp muốn xin đổi khu vực tuyển sinh khi có nguyện vọng chính đáng. Vì thế ở nhiều trường hàng top (trường có uy tín, điểm chuẩn cao) thường thu hút học sinh ở nhiều quận, huyện khác nhau đăng ký.
So với một số trường tốp dưới, các trường "đỉnh" ở các khu vực tuyển sinh không có tỉ lệ chọi quá cao, thường dao động trên dưới 1/2 (2 học sinh, lấy 1). Nhưng tỉ lệ chọi ở nhóm trường này không nói lên "mức nhiệt" của cuộc đua đầu vào, vì chỉ những học sinh có học lực khá, giỏi mới dám đăng ký vào các trường này. Và với các trường này, kỳ thi là cuộc đua của những học sinh có thực lực, với mức điểm thi phải đạt 8,5 điểm trở lên/môn thì mới chắc chắn đỗ.
Vì thế, dù tỉ lệ chọi thấp, một số trường của quận Hoàn Kiếm như Trần Phú, tỉ lệ chọi chỉ có 1/1,4 và THPT Việt Đức là 1/1,5; hay Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) tỉ lệ chọi 1/1,6, nhưng cửa vào cũng rất hẹp.
Chỉ có Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thuộc hàng top nhưng luôn có tỉ lệ chọi cao nhất thành phố những năm gần đây, năm nay là 1/3,1. Và dĩ nhiên ở đây vẫn là cuộc đua của những học sinh có thực lực khá, giỏi. Điểm chuẩn của trường này các năm 2023 xấp xỉ mức 8,5 điểm/môn. Năm nay dự đoán cũng sẽ không thấp hơn mức này.
Trường thiếu nguồn tuyển, trường "tràn tuyến"
Hà Nội có khái niệm trường "tràn tuyến" để chỉ các trường đã tuyển xong đợt 1 không đủ chỉ tiêu và được thành phố cho phép tuyển học sinh ở nhiều khu vực khác trong thành phố.
Năm 2023 Hà Nội có hơn 10 trường điểm chuẩn chỉ ở mức 17 - 24, trung bình mỗi môn thi 3,4 - 4,8 điểm/môn. Nhưng có trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Năm nay các trường THPT Đại Cường, THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa), THPT Bắc Lương Sơn (Thạch Thất). Hồng Thái (Đan Phượng), Đông Mỹ, Quốc Trinh (Thanh Trì)... có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp hơn chỉ tiêu.
Nhiều trường khu vực ngoại thành có tỉ lệ chọi rất thấp, còn thấp hơn các trường tư. Năm 2023, các trường THPT tư thục và công lập tự chủ như THPT Phan Huy Chú (Đống Đa), THPT Marie Curie, THPT Lương Thế Vinh... có mức điểm chuẩn cao hơn nhiều trường công lập.
"Không thiếu chỗ học"
Khi trao đổi về áp lực thiếu chỗ học lớp 10 trường công lập, ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học. Bên cạnh trên 60% số học sinh vào công lập, số còn lại học tư thục, học chương trình giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.
Tuy nhiên trên thực tế, áp lực về chỗ học không như sự tính toán cơ học, vì còn lệ thuộc rất nhiều vào nhu cầu, lựa chọn của phụ huynh, học sinh dẫn tới tình trạng có nơi không tuyển đủ chỉ tiêu, có nơi thì áp lực quá lớn vì số học sinh quá đông, trường công quá ít. Một số nơi khác thì nhu cầu chạy đua vào trường tốp đầu khốc liệt.
Nguyên nhân do đâu?
Mạng lưới trường phân bố không đồng đều và bất hợp lý so với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số cơ học, khoảng cách chất lượng giữa các trường còn quá lớn là những lý do khiến áp lực vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng nóng bỏng, còn nóng hơn cả kỳ thi đại học. Giải quyết được các bất hợp lý này thì mới mong "hạ nhiệt" thi lớp 10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận