Năm 2024, nhiều trường đại học tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh và kỳ thi riêng, thêm tiêu chí xét tuyển…
Điểm chuẩn chót vót
Bạn Lê Huy Đông (học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Duy Từ, Thanh Hóa) cho biết đang quan tâm đến ngành công nghệ thông tin - ngành học đang được rất nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, Đông đang lo lắng điểm chuẩn của ngành này tại các trường đại học lớn đều chạm mốc gần tuyệt đối.
"Sau nhiều phân vân, tôi dự định dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm trước, ngành này của trường lấy 27,85 điểm, tương đương hơn 9 điểm/môn.
Khả năng của tôi hiện tại chỉ đạt khoảng 25-26 điểm. Tôi đã lên kế hoạch thi thêm đánh giá năng lực và tư duy để tăng thêm cơ hội xét tuyển. Nếu chỉ dùng điểm thi tốt nghiệp, tôi sẽ rất đuối sức" - Đông nói.
Từng thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn Trần Hải Đăng (học sinh Trường THPT Phương Sơn, Bắc Giang) cho biết dùng điểm tốt nghiệp THPT xét tuyển vào nhóm ngành 'hot' sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều "đối thủ" đáng gờm.
"Minh chứng là hai thí sinh thủ khoa tổ hợp A00 năm 2023 cũng từng trượt nguyện vọng 1 ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Do vậy, việc tham dự thêm các kỳ thi xét tuyển riêng chính là tự mở ra cơ hội cho bản thân đến với con đường đại học rộng hơn" - Đăng nhận định.
Sẽ khốc liệt hơn
Đến nay đã có hơn 100 đại học, trường đại học, học viện trong cả nước công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Trong đó, đa số các trường đều giữ ổn định phương thức xét tuyển. Nhiều trường thay đổi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức, thêm tiêu chí phụ để sàng lọc thí sinh khiến cuộc đua vào ngành "hot" càng thêm nóng.
Năm nay là năm đầu tiên Trường đại học Ngoại thương sàng lọc thí sinh bằng cách thêm tiêu chí phụ với phương thức 1 và 2 (các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT).
Với phương thức này, thí sinh phải đáp ứng điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.
Trước đó, năm 2023 điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại thương theo phương thức sử dụng điểm thi THPT dao động từ 26,2 đến 28,5 điểm.
Điểm chuẩn xét tuyển sớm với phương thức xét học bạ kết hợp giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế và sử dụng điểm đánh giá năng lực dao động từ 25,5 - 30 điểm, phần lớn các ngành có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vừa thông báo mở thêm ngành quản lý giáo dục, tổng tuyển dự kiến 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo, tăng 1.275 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến dành khoảng 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy khoảng 30%. Riêng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 dành khoảng 50% chỉ tiêu.
Trước đó, năm 2023 các ngành "hot" của Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhóm thí sinh có học lực từ giỏi đến xuất sắc thuộc nhóm đào tạo ngành công nghệ thông tin như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, an toàn không gian số, tự động hóa, kỹ thuật điện tử - viễn thông, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo… với điểm chuẩn cao chót vót, có ngành chạm gần tuyệt đối.
Điển hình là ngành khoa học máy tính có điểm chuẩn trúng tuyển bằng kết quả đánh giá tư duy là 83,97/100 điểm, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT điểm chuẩn lên tới 29,42 (tương đương 9,8 điểm/môn).
Điều này cũng đã khiến hai thủ khoa toàn quốc tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) cùng trượt nguyện vọng 1 ngành khoa học máy tính, vì công thức tính điểm môn toán nhân đôi (môn toán của hai thủ khoa thấp hơn các thí sinh trúng tuyển khác).
Các ngành còn lại đối với phương thức điểm thi đánh giá tư duy dải điểm chuẩn từ 50,4 đến 83,90 điểm, và từ 21 đến 28,80 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào nhóm ngành "hot", dự báo điểm chuẩn sẽ tiếp tục nóng.
Giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Năm nay Trường đại học Kinh tế quốc dân chính thức bỏ xét tuyển bằng học bạ, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống còn 18% (giảm 7% so với năm ngoái), xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết trường có định hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kết quả học tập cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến sử dụng kết quả của các kỳ thi chuẩn hóa, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Do đó chủ yếu chỉ tiêu sẽ dành cho các kết quả này, nhà trường gọi là phương thức xét tuyển kết hợp.
"Trường đại học Kinh tế quốc dân là trường tốp đầu, cần kết quả các kỳ thi có tính phân loại cao hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT", ông Triệu nhấn mạnh.
Còn cơ hội nhưng cạnh tranh rất cao
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết đối với một số chương trình "hot" nếu thí sinh chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì vẫn có cơ hội nhưng sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh rất cao trong phương thức này.
"Chúng tôi khuyên các em đang có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào những ngành học trên nên tận dụng thêm cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy.
Nhà trường cũng đã công bố kế hoạch tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy với 20 điểm thi tại 10 tỉnh thành trên cả nước, trong đó đợt 1 đã diễn ra từ tháng 12-2023. Điều này giúp thí sinh chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục tiêu của mình" - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận