Theo số liệu thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến quý 3-2023 có 102,15 triệu thẻ nội địa và 38,54 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành.
Tuy nhiên, có thực tế rằng nhiều người dù mở nhiều nhưng chỉ xài thường xuyên một, hai thẻ, tài khoản. Hệ quả là có hàng chục triệu thẻ, tài khoản rác.
Mời phát hành thẻ tràn lan
Chị K. (Q.1, TP.HCM) kể mấy năm trước chị mở cùng lúc bốn loại thẻ của ngân hàng để được tặng một vé máy bay khứ hồi đi nước ngoài, theo lời tư vấn ngon ngọt của nhân viên một ngân hàng nước ngoài.
Do chỉ có nhu cầu sử dụng hai thẻ để thanh toán, chị K. không đụng đến hai thẻ còn lại và nghĩ rằng mình chưa kích hoạt thẻ xem như không sử dụng, chắc không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, do không đọc kỹ hợp đồng khi mở thẻ, chị không biết rằng sau một năm cả hai thẻ kia sẽ tự động phát sinh phí thường niên.
Chỉ đến khi vào kiểm tra sao kê trên mạng chị mới tá hỏa khi một thẻ đã phát sinh 880.000 đồng phí thường niên và một thẻ khác phát sinh phí 660.000 đồng.
Chưa hết, một thẻ đã quá hạn thanh toán một ngày và phát sinh thêm 300.000 đồng phí phạt trễ hạn. Khi chị liên hệ để tìm hiểu, nhân viên ngân hàng này nói rằng nếu không sử dụng mà không hủy, thẻ vẫn phát sinh phí thường niên. "Tôi đã chấp nhận trả phí và đóng thẻ. Xem đó như bài học cho mình" - chị K. nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thời gian qua cuộc đua phát hành thẻ, tài khoản rất khốc liệt. Người dùng được mời chào lẫn yêu cầu mở thẻ, tài khoản mọi lúc mọi nơi.
Chị Hà (quận Bình Thạnh) kể đã được một ngân hàng có trụ sở tại quận 3 phát hành thẻ tín dụng có hạn mức 50 triệu đồng.
Thế nhưng, khi vay vốn tại một chi nhánh của ngân hàng này, chị lại được nhân viên tín dụng chi nhánh mời "mở giúp" một thẻ tín dụng.
Lấy lý do đã có thẻ tín dụng của ngân hàng này rồi để từ chối, chị được nhân viên tín dụng "gợi ý" đóng thẻ tín dụng đang dùng rồi mở lại thẻ mới vì thẻ cũ này mở ở chi nhánh khác.
"Đến nay, tôi không nhớ là đã mở bao nhiêu tài khoản vì ngoài tài khoản mà công ty trả lương hằng tháng, khi vay vốn ngân hàng cũng bị yêu cầu mở hàng loạt tài khoản như tài khoản thanh toán, tài khoản trả lãi.
Vay đến ngân hàng khác lại phải mở thêm 1, 2 tài khoản và thẻ nữa nhưng dùng thường xuyên chỉ 1, 2 tài khoản. Những cái còn lại, sau khi trả hết dư nợ, lại bị lãng quên. Không biết đến nay có bao nhiêu tài khoản bị tính phí", chị Hà nói.
Được mở thẻ mà không biết
Có những trường hợp bị phát hành thẻ "bị động" mà không hay biết. Như trường hợp anh H.T.M. (TP Thủ Đức). Theo anh H.T.M., trước đây anh mở một thẻ tín dụng của ngân hàng quốc tế nhưng thời điểm đó lại phát hành qua một ngân hàng trong nước.
Điều anh H.T.M. không biết là ngân hàng trong nước này đã tự động phát hành cho anh một thẻ sinh đôi với hạn mức 100 triệu đồng.
"Một thời gian sau, tôi có nhu cầu vay vốn, ngân hàng kiểm tra rồi báo rằng tôi còn một thẻ tín dụng có hạn mức 100 triệu đồng nữa.
Ngân hàng nơi tôi vay vốn yêu cầu tôi phải liên hệ ngân hàng phát hành thẻ xác nhận. Sau đó tôi phải mất công lên ngân hàng yêu cầu hủy thẻ mà tôi chưa từng mở", anh H.T.M. bức xúc.
Phản ánh đến Tuổi Trẻ mới đây, một bạn đọc cho biết cũng từng bị nhân viên tín dụng một ngân hàng ép mở thẻ dù không có nhu cầu và sau đó phải lên ngân hàng này đóng thẻ.
Có trường hợp chủ quan cứ mở thẻ vì được miễn phí năm đầu nhưng sau đó quên bẵng. Đến năm thứ 2, khách hàng mới giật mình khi bị ngân hàng tính phí.
Như trường hợp chị M.Th. (Long Biên, Hà Nội) được mời mở thẻ tín dụng ở một ngân hàng trên địa bàn cách đây 2 năm.
Dù có thẻ tín dụng của một ngân hàng khác rồi nhưng chị vẫn mở tiếp vì thấy năm đầu tiên được miễn phí thường niên. Nhận về chị cũng không kích hoạt thẻ để sử dụng.
"Khoảng 1 năm sau khi mở thẻ, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn ngân hàng thông báo nộp phí thường niên 400.000 đồng/năm.
Lúc đó, tôi mới té ngửa nhớ ra là có đang giữ một thẻ tín dụng nữa. Từ khi nhận thẻ, tôi cất ở trong ngăn kéo bàn làm việc mà không ý thức đến sự tồn tại của nó. Tôi vội ra ngân hàng nộp phí và đóng thẻ đó ngay", chị M.Th. kể.
N.T.U. (Hà Đông) kể hiện đang làm chủ ba tài khoản ngân hàng dù mới là sinh viên năm 2. Một tài khoản được mở khi mới là học sinh trung học.
Khi là sinh viên, trường yêu cầu mở tài khoản tại ngân hàng mà trường chỉ định để nộp học phí và nhận học bổng. Còn một tài khoản ngân hàng thứ ba được mở là do ngân hàng tặng cho số đẹp. Tuy nhiên, chỉ có một tài khoản là có phát sinh giao dịch.
Dễ mở tài khoản nhưng... khó đóng
Cuộc đua mở thẻ, tài khoản ngày càng quyết liệt hơn khi gần đây từ chỗ phải đến quầy giao dịch người dùng có thể mở tài khoản online thông qua app. Có ngân hàng "dụ" người dùng mở tài khoản mới với số tài khoản bằng số điện thoại, CCCD, số đẹp... nhưng tài khoản cũ vẫn duy trì.
Việc chạy đua phát hành thẻ để mở rộng thị phần, bất chấp khách hàng đó có nhu cầu sử dụng hay không... là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có hàng chục triệu thẻ "rác", gây lãng phí cùng nhiều hệ lụy khác.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lãi suất thẻ tín dụng rất cao, dao động từ 20 - 40%/năm. Ngoài lãi suất thanh toán dư nợ chậm, ngân hàng còn áp dụng phí phạt thanh toán dư nợ chậm, lãi suất khi rút tiền mặt, phí rút tiền mặt... Theo các ngân hàng, sở dĩ lãi suất thẻ tín dụng cao do đây là khoản cho vay tín chấp, rủi ro cao.
Do muốn gia tăng lượng người sử dụng, không phải khi nào nhân viên ngân hàng cũng tư vấn đầy đủ cho người sử dụng thẻ. Do vậy, có rất nhiều quy định lắt léo trong việc thanh toán mà chủ thẻ không biết, đến khi bị phạt mới té ngửa.
Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có quy định thời hạn đóng thẻ, tài khoản ngân hàng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cũng cho biết chưa có quy định về việc đóng những tài khoản, thẻ rác.
Tuy nhiên mỗi ngân hàng sẽ có quy định riêng về việc này vì những tài khoản "chết" để lâu cũng làm nặng hệ thống.
Và tùy từng loại thẻ mà có hạn sử dụng khác nhau như thẻ ATM là 5-8 năm. Sau thời gian này, chủ thẻ ra ngân hàng đề nghị phát hành lại thẻ để đảm bảo chất lượng giao dịch được tốt nhất.
Tuy nhiên ngân hàng chỉ có thể "dọn dẹp" những tài khoản có số dư bằng 0, còn những tài khoản còn tiền dù chỉ 1 đồng thì cũng không đóng được. Những tài khoản như vậy hiện nay rất nhiều.
Một số ngân hàng cho biết trước đây khi mở thẻ, tài khoản ngân hàng thường yêu cầu duy trì số dư 50.000 đồng nhưng sau này không phải loại thẻ nào ngân hàng cũng yêu cầu. Về trừ phí, có ngân hàng trừ khi số dư bằng 0 thì ngưng nhưng cũng có ngân hàng trừ âm tài khoản và cộng dồn trong thời gian dài khiến chủ thẻ méo mặt.
Nên tìm hiểu kỹ quy định để tránh bị phạt oan
Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận thời gian qua nhiều ngân hàng khá thoáng trong việc mở thẻ. Tuy nhiên, đối với khách hàng, chủ thẻ nên cân nhắc khả năng tài chính của mình trước khi chi xài.
Bởi thẻ này cho phép chủ thẻ xài trước trả sau, tức là trong 45 - 55 ngày mà không bị tính lãi. Sau thời gian này, chủ thẻ không trả hết số tiền đã xài thì mới bị tính lãi suất, nợ quá hạn.
"Trước khi đặt bút ký hợp đồng mở thẻ tín dụng, khách hàng cần phải biết rõ lãi suất cho vay, lãi suất phạt chậm trả là bao nhiêu, các loại phí và mức phải nộp... Bên cạnh đó cũng nên cân nhắc khả năng tài chính để có kế hoạch trả nợ", ông Tuấn khuyến cáo.
Hàng chục triệu thẻ “rác” chưa bị loại bỏ
Vào năm 2020, Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 47/2014, trong đó có điều khoản các ngân hàng phải thu hồi, loại bỏ hoặc vô hiệu hóa tài khoản không sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động trong thời gian tối đa 90 ngày.
Ngoài ra, các tài khoản trong trạng thái không kích hoạt trong một khoảng thời gian, ngân hàng cũng phải thu hồi hoặc loại bỏ.
Theo các chuyên gia, nếu quy định này được ban hành sẽ giúp loại bỏ nhanh số thẻ được phát hành nhưng không sử dụng (thẻ rác), đồng thời nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh mạng.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định về loại bỏ thẻ rác, tài khoản rác. Trong khi đó, theo số liệu từng được Hội Thẻ công bố, VN có khoảng 55 triệu thẻ "rác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận