Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Một con cá bột king kamfa nhỏ xíu giá vài trăm ngàn đồng, nuôi vài tháng lên đầu thì xem như "trúng số độc đắc" vì có ngay người mua giá vài chục triệu đồng. Cá càng đẹp, quí hiếm thì người nuôi ra giá nào cũng có người đến tận nhà săn lùng, mua cho kỳ được.
Doanh nhân cá cảnh
Anh Nguyễn Phước Hoàng - giám đốc Công ty kinh doanh cá cảnh các loại Phượng Hoàng ở đường Nguyễn Tri Phương,Q.10, TP.HCM - đang sở hữu những "hoa hậu" cá king kamfa và hoàng long quá bối trị giá vài trăm triệu đồng, là người từ tay trắng trở thành tỉ phú.
Trước đây làm đủ nghề mưu sinh, anh Hoàng vẫn đam mê chơi cá cảnh, săn lùng những con cá la hán vài chục ngàn đồng rồi vài trăm ngàn đồng, sau một thời gian nuôi có người trả giá cao gấp vài chục lần. Trúng nhiều "quả” cá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD, dần dần phát triển cơ ngơi thêm, anh Hoàng phất lên từ đó và chuyển sang vừa chơi vừa kinh doanh cá cảnh với tổng vốn đầu tư qui mô cho các cửa hàng, đầu mối, chi nhánh tại các tỉnh, thành lên đến vài tỉ đồng.
Trở thành doanh nhân cá cảnh, anh Hoàng tậu hẳn vài chiếc xe hơi để đi khắp nơi săn cá. Mới đây, doanh nhân cá cảnh này lại gây "sốc" giới chơi cá cảnh khi bỏ vài trăm triệu đồng sang lại cả một hệ thống cửa hàng Thập Bát La Hán chuyên bán cá cảnh và phụ kiện trên đường Minh Phụng (Q.6) của một "đại gia" khác. "Con cá la hán sẽ còn thu hút khách dài dài vì tôi biết thị trường có rất đông người mê loại cá này. Vậy thì mình phải đầu tư trước để đón gió”, anh Hoàng nói.
Phóng to |
Người đàn ông này phải cất công từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) về TP.HCM đến "phố cá cảnh" Lưu Xuân Tín (Q.5) để mua cá cảnh mang về |
Dân trong nghề cá cảnh đều biết tiếng "tỉ phú” cá cảnh Bùi Văn Phép, ngụ phường Long Bình (Q.9) với lợi nhuận thu được vài trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá cảnh. Nhờ cá cảnh, ông cất nhà lầu cùng với cơ ngơi bạc tỉ. Trước đây gia đình ông Phép nghèo khó, chật vật kiếm sống với mảnh ruộng thường xuyên mất mùa. Bắt đầu từ niềm đam mê cá cảnh, học hỏi kỹ thuật nuôi của dân chơi và kinh doanh cá cảnh, ông Phép đã làm giàu từ chính niềm đam mê của mình.
"Gắn bó với cá cảnh, tôi phát hiện rất đông dân nghiện cá cảnh sẵn sàng chi không tiếc tiền cho một con cá đẹp, cá độc. Nuôi cá cảnh có lượng khách hàng rất lớn trong và ngoài nước. Vậy tại sao mình không biết làm giàu từ cá cảnh?", ông Phép kể. Vậy là sau những năm quyết tâm đầu tư cho cá cảnh, với hơn 16.000m2 mặt nước, ông nuôi hàng triệu con cá giống các loại như la hán, tứ vân, bảy màu, hồng kim, lia thia...
Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, ông còn có khách hàng thường xuyên tại Mỹ, Pháp, Đài Loan, Nhật Bản... Ông Phép nhìn nhận nuôi cá cảnh có thể đem lại siêu lợi nhuận, lợi nhuận thu được có thể gấp mười mấy lần vốn bỏ ra ban đầu.
Vỡ nợ vì cá
Nhưng "hội chứng" cá cảnh cũng đang gây ra không ít kết cục buồn cho nhiều người và cả môi trường sống. Những con cá lau kính rồi cá hoàng đế, chim trắng... vốn là những con cá kiểng nay xuất hiện khắp nơi trên sông Sài Gòn, Đồng Nai và miền Tây Nam bộ cũng là câu chuyện bi hài xuất phát từ cá cảnh. Nhiều người chơi cá cảnh một thời gian không còn hứng thú đã thả những con cá này xuống sông, rạch và hậu quả là những con cá lau kính hay còn gọi là cá mặt quỉ đã tấn công các loài cá khác, đe dọa môi trường sinh thái và "tấn công" xé lưới của ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Bảy, một người nuôi cá cảnh có kinh nghiệm ở Thạnh Lộc (Q.12), cho biết giống cá có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ này là một loài cá cảnh được nhập về VN nuôi chung với các loại cá cảnh khác để chúng làm vệ sinh bể nuôi. Trước đây những con cá thuộc dòng "cao cấp" được nhập từ Đài Loan, Singapore, Malaysia... với giá 50-100 USD/con. Sau một thời gian nuôi làm cảnh, nhiều người đã để thất thoát hoặc thả ra sông khi "giải nghệ" thú chơi cá cảnh. Hậu quả là gây ra hiểm họa cá lau kính đang đe dọa môi trường như hiện nay.
Lợi nhuận quá cao cũng khiến nhiều người nhảy vào nuôi cá cảnh với mục đích kinh doanh rồi phá sản, nợ nần tứ giăng, thả các loại cá cảnh xuống sông như muốn giũ mọi nợ nần. Ông Trần Văn Th., nhà ở đường Hà Huy Giáp (Q.12), đang mắc nợ gần 500 triệu đồng chỉ vì cá cảnh. Số tiền trên được ông vay mượn của bạn bè để đầu tư mua các loại cá cảnh đắt tiền cùng với trang thiết bị, xây hồ. Không ngờ cá nuôi chỉ được ba tháng thì chết sạch, vốn liếng bỏ ra xem như mất trắng, ông Th. đi đến cửa hàng bán cá cho mình khiếu nại thì nơi đây phủi tay không nhận trách nhiệm, đổ thừa do ông không biết kỹ thuật nuôi nên cá chết.
"Mình dại mình chịu chứ thưa kiện lằng nhằng không tới đâu, vì quả thật mình cũng không nắm nhiều về kỹ thuật nuôi cá. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những người nuôi cá cảnh", ông Th. than thở. Để có tiền trả nợ, ông sắp phải bán lại miếng đất sau nhà cho một doanh nhân khác vừa nhảy vào kinh doanh cá cảnh.
Nghệ nhân Tư Chẩy, người có thâm niên mấy chục năm gắn bó với ngành cá cảnh, nhận định nghề nuôi cá cảnh có triển vọng rất lớn. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ, giải trí càng cao, cá cảnh sẽ còn tiếp tục gây sốt trong thời gian tới. "Nhưng dù chơi cá vì đam mê hay nuôi cá với mục đích kinh doanh thì phải tìm hiểu thật kỹ kỹ thuật nuôi. Phải biết chơi rồi mới nuôi chứ nếu chỉ nuôi vội vã, ào ào theo phong trào sẽ thất bại", ông Tư Chẩy nói.
_______________________________
Đón đọc số tới:
Chuyện viết tiếp từ Guyane
Tại sao ở Guyane xa xôi lại có chùa Một Cột? Tại sao vịnh "Bắc kỳ” vẫn còn hiện diện ở Guyane dù gần trăm năm đã qua?... Và một điều ít ai biết: những người lính An Nam đã từng có mặt ở Siberia lạnh giá để tham gia chiến đấu.
Mời bạn tiếp tục theo dõi những ghi chép và những tư liệu quí mới tìm được từ Guyane.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận