19/01/2019 12:02 GMT+7

Khóc cười chuyện giới trẻ áp dụng quy tắc trên mâm cơm

TÂM BẢO KIỀU
TÂM BẢO KIỀU

TTO - Bên cạnh những ý kiến trái chiều khác nhau về việc áp dụng những quy tắc khắt khe trong cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ những kỷ niệm 'khó đỡ' trước áp lực ứng xử chuẩn mực trên mâm cơm nhà mình.

Khóc cười chuyện giới trẻ áp dụng quy tắc trên mâm cơm - Ảnh 1.

Bên mâm cơm của người Việt dù cầu kỳ hay đơn giản đều yêu cầu các thành viên tuân thủ một số quy tắt nhất định - Ảnh minh họa: CÁT KHUÊ

Chia sẻ với Tuổi trẻ Online, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (1999, Bình Dương) kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong 1 lần đi ăn tiệc tất niên với gia đình. "Tiệc tất niên của gia đình, có rất đông thành viên từ ông bà, các bác, cô chú và cả con cái cùng ăn cơm. Theo nguyên tắc, mình phải mời đầy đủ theo tất cả vai vế của họ (trừ mấy đứa em), và lần lượt từng đứa em của mình cũng phải mời giống như thế. 

Nhưng vì gia đình nhà ông nội mình có 9 người con, nên cũng mất kha khá thời gian chỉ để mời cơm. Mọi người đều "Con mời ông ăn cơm", lại đến "Cháu mời các bác ăn cơm", "Con mời bố mẹ ăn cơm", "Cháu mời cô chú ăn cơm", "Em mời anh chị ăn cơm", mời theo đúng 1 vòng tròn... 

Nếu họ ngồi gần nhau còn đỡ, chỉ cần có 2 bác ngồi xa nhau là vừa mời bác này xong lại phải quay sang hướng khác mời tiếp bác kia. 

Mình rất muốn ăn cơm nhưng lại sợ, không dám bỏ sót ai, vì mời sót sẽ bị trách. Đôi khi mình nghĩ cứ như người miền Nam "con mời cả nhà ăn cơm" có khi lại hay. Mời đông người xong hết muốn ăn luôn, hoặc đến đứa cuối cùng mời xong thì hết luôn bữa cơm rồi" - Ánh cười, kể lại.

Nhưng cô gái này cho rằng ngoài chuyện phải mời mọc trên bàn tiệc đông người, các quy định về phép lịch sự trên bàn ăn đều cần thiết. Cô nói: "Ở nơi đông người, đặc biệt là khi dùng bữa với người lớn thì việc làm theo quy tắc thể hiện phép lịch sự cũng như gia giáo của gia đình. 

Ban đầu mình đọc bài viết chia sẻ trên mạng về các quy tắc bên mâm cơm việc, thấy cũng nhiều vấn đề. Nhưng mà đọc hết mới thấy đó đều là những điều đơn giản, làm nhiều sẽ thấy bình thường, có khi còn có lợi nữa, như là ghi điểm trong mắt gia đình vợ/chồng tương lai chẳng hạn".

Trần Nguyễn Huệ Thư (1997, Ninh Bình) lại rơi vào hoàn cảnh khó xử hơn. "Ngày xưa lúc ăn cơm cùng gia đình, thường là trong bát canh luôn có cái muỗng để múc canh. Nhưng lần đó mình lỡ cho đũa vào. Bố mình thấy, im lặng cầm bát canh đổ đi luôn. Mình sợ quá nên cũng chỉ dám ăn nhanh rồi chạy ra ngoài chơi", Thư nhớ lại.

Cô kể thêm: "Bố mình hơi khắt khe trong chuyện ăn uống, nên ngày bé mình sợ nhất ăn cơm với bố mà không có mẹ. Cứ khi nào có mẹ ăn cùng thì mới cảm giác yên tâm và đỡ sợ hơn. Giờ thì lớn rồi, thì mọi chuyện cũng thay đổi, bố mẹ chỉ suốt ngày hỏi bao giờ có người yêu thôi".

Khóc cười chuyện giới trẻ áp dụng quy tắc trên mâm cơm - Ảnh 2.

Quy tắc khi ăn cơm là cần có. Nhưng không nên quá cứng nhắc - Ảnh: CÁT KHUÊ

Cùng cảnh ngộ với 2 bạn trẻ trên, nhưng Nguyễn Hoàng Duy (1997, Hoàng Mai, Hà Nội) lại gặp nhiều áp lực hơn khi phải đối mặt với những chuẩn mực của 1 gia đình Hà Nội gốc. 

"Ngày xưa, mỗi lần đến bữa cơm, khi thấy mình mắc lỗi về cách ăn uống, bố mẹ lại cằn nhằn: "Con là người Hà Nội gốc sao lại ăn uống thế!". Mình rung đùi, bố mẹ kêu. Mình chép miệng,bố mẹ kêu. Mình húp canh ra tiếng, hay ăn bún phở xì xụp bố mẹ cũng lại kêu. Ăn mà không mời là bị bố mẹ cằn nhằn cả buổi. Có đợt mình bóc kẹo cao su cũng phải chạy quanh nhà để mời. 

Mọi thứ phải chuẩn từng li từng tí nên nhiều khi cũng khó chịu, nhưng mãi rồi cũng quen. Giờ ra đường, gặp bạn nào chép miệng mình cũng hay bị để ý. Hay đi ăn mà gặp trường hợp ăn uống "thoải mái", vô duyên quá cũng sẽ nhắc nhở, nếu là người quen. Còn với người lạ, mình sẽ sẽ dừng ăn cơm sớm hơn bình thường. Mình nghĩ các quy tắc là phép lịch sự cần thiết thôi".

Trước đó, bài viết dài chia sẻ những quy tắc người Việt cần biết và cần làm theo khi ngồi ăn cơm đã gây bão cộng đồng mạng, với những luồng quan điểm đồng tình phản đối khác nhau. Bài viết đưa ra 55 quy tắc ứng xử trên mâm cơm của người Việt, trong đó, có những vấn đề được "căn dặn" rất kỹ lưỡng như vấn đề dùng đũa, khi ngồi ăn, khi ăn, cách ứng xử khi ăn giữa trẻ nhỏ và người lớn, ứng xử khi có khách đến dùng cơm tại nhà…

Bạn nghĩ sao về những quy tắc trên mâm cơm Việt? Mời bạn chia sẻ ý kiến trong phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi bài về email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Mâm cơm gia đình: dạy con quy tắc hội nhập trên bàn ăn

TTO - Đang sống tại Đức, độc giả Võ Xuân Tiến chia sẻ rằng, anh quan điểm bữa cơm gia đình là dịp gặp gỡ ấm cũng của cả nhà, chỉ cần vui vẻ là được. Nhưng phụ huynh cũng cần hướng dẫn để con cái hội nhập với những quy tắc ăn uống các món năm châu.

TÂM BẢO KIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: quy tắc ứng xử