03/06/2014 03:46 GMT+7

Khóc chia tay một tượng đài

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Tin đâu như sét đánh ngang tai: Ông Tam Lang mất rồi!

Vẫn biết xưa nay có câu “thất thập cổ lai hi” mà ông thì đã vượt qua ngưỡng ấy hai năm; vẫn biết nhiều năm nay ông đi lại khó khăn vì nhiều căn bệnh hành hạ... nhưng cũng không khỏi cảm thấy bàng hoàng. Bởi ở đời những người tài đức vẹn toàn như ông, ai cũng muốn họ sống đời.

Với lứa cầm bút viết thể thao như tôi, Nguyễn Nguyên, Sĩ Huyên... tuy bây giờ đã thuộc vào loại lão làng tròm trèm trên dưới 50 tuổi, nhưng thú thật chẳng hề xem được thời đỉnh cao của ông đá bóng như thế nào vào giữa thập niên 1960. Chỉ biết rằng có rất nhiều giai thoại về trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang theo lời kể của các bậc cha chú. Này nhé, ông là một trung vệ “thép” trên sân cỏ nhưng phong thái lại chẳng có gì là “thép” như thường thấy ở những cầu thủ chơi vai trò chốt chặn cuối cùng trước khung thành. Ông nổi tiếng là người chơi bóng mà trang phục thi đấu không hề bị lấm lem.

Các bậc cha chú kể một tuyệt chiêu của ông: những cú xoạc phá bóng của Tam Lang, mông và đùi chẳng trượt dài trên sân cỏ, nhờ đó mà áo quần luôn sạch tinh! Rồi cũng trong thời đỉnh cao ấy, ông còn gắn với câu chuyện “chiếc giày nhỏ” mà sau này nhiều nhà báo thường nhắc lại. Đó là việc Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản thời bấy giờ đã tặng ông một chiếc giày nhỏ và bảo rằng: Bóng đá Nhật Bản chỉ là một chiếc giày nhỏ so với bóng đá VN, so với Phạm Huỳnh Tam Lang.

Vào giữa thập niên 1960, bóng đá Việt có hai cái tên được cả châu Á ngưỡng mộ, đó là ông cùng với tiền đạo Đỗ Thới Vinh (biệt danh Vinh “đầu sói”). Cả hai trở thành những cầu thủ Việt đầu tiên được mời góp mặt trong đội hình ngôi sao châu Á.

Tài của ông là thế, còn đức thì sao? Đố ai nghe thấy được một tiếng chửi thề từ Phạm Huỳnh Tam Lang, thể hiện sự nóng giận, tức tối; dù cho đó là lúc ông hành nghề trong công việc hết sức căng thẳng: huấn luyện viên. Và cũng đố ai thấy được ông hút một điếu thuốc hay một lần nhậu nhẹt say sưa - những cảnh thường thấy ở bóng đá Việt. Thậm chí suốt những năm dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn, đó là thời bóng đá Việt bị hoành hành bởi căn bệnh bán độ, nhưng cũng không hề - dù chỉ là lời đồn - có nghi án nào dính đến Phạm Huỳnh Tam Lang. Chính nhờ cái tài và đức vẹn toàn đó, ông đã tạo nên một đội Cảng Sài Gòn được xem là biểu tượng của bóng đá Sài Gòn bằng lối đá đẹp. Đẹp từ phong cách đến lối chơi.

Nói đến Phạm Huỳnh Tam Lang, ngoài chuyện bóng đá, người Sài Gòn còn nhớ đến câu chuyện tình nổi tiếng của ông với “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết. Sau khi chia tay, ông cưới bà Tô Thị Minh Hồng và họ ở với nhau cho đến tận bây giờ. Năm 2004, khi làng bóng Việt ồn ào với tình trạng cầu thủ tha hóa đạo đức, ăn chơi long trời lở đất, một nhà báo đã hỏi ông về chuyện tình cảm của một cầu thủ nổi tiếng, ông tâm sự thế này: “Là cầu thủ, đi đây đi đó, có điều kiện gặp gỡ, giao lưu nhiều với bên ngoài. Tôi cũng quen với rất nhiều cô gái, cũng có nhiều “fan” nữ hâm mộ... Song tôi lại thuộc típ người chung tình, không “đá luân lưu” với nhiều mối tình, nhiều cô một lúc được (!). Tôi luôn rõ ràng giữa tình bạn và tình yêu”.

Có vô vàn bài viết về Phạm Huỳnh Tam Lang nhưng tôi thích nhất nhận định này của các đồng nghiệp báo Pháp Luật TP.HCM: “Ông đã làm thay đổi khái niệm “quần đùi áo số” của rất nhiều người và là thần tượng của nhiều giới qua nhiều thế hệ vì phẩm chất ông để lại trên sân cỏ”.

Một người như thế thật xứng đáng để người đời phải khóc thương!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên