Tết năm nào, dẫu bận rộn đến đâu tôi cũng dành thời gian quay trở lại Tây Bắc. Có những năm bận rộn với lịch công tác đến tận 27, 28 Tết, chỉ kịp vội vã thu vén ít quần áo và vật dụng cá nhân, tôi chạy ra sân bay, đáp chuyến bay cuối ngày về Hà Nội rồi hối hả bắt chuyến xe đêm lên Tây Bắc.
Mãi cho đến tận sáng, mỏi mệt bước xuống xe, nhìn thấy thị trấn nhỏ đang say ngủ trong tĩnh mịch sương sớm, lòng tôi mới thôi nôn nao mong chờ.
Nhớ hoa dó, bánh chưng Tây Bắc
Tây Bắc là vùng đất đã gắn liền với biết bao nỗi nhớ niềm thương thời còn thơ dại trong tôi. Tây Bắc trong tôi là bạt ngàn núi rừng điệp trùng, được bao bọc bởi vẻ bình yên của muôn vàn sắc xanh cây lá.
Những ngày còn nhỏ, mỗi lúc xuân về, tôi thường được bố mẹ dắt dạo quanh những khu rừng tĩnh lặng, ngắm hoa dó nở rộ từng chùm dịu dàng trong gió, tỏa hương thơm thoang thoảng dưới chân đồi.
Với nhiều gia đình sống tại vùng núi như chúng tôi khi ấy, hoa dó là một loài thực vật thiêng liêng. Tôi nhớ mỗi dịp đến Tết, bố tôi thường cất công lên rừng kiếm những cành hoa dó bé nhỏ mang về để chưng trên bàn thờ. Đây là một phong tục khá lạ mà theo bố tôi kể lại là bắt nguồn từ đồng bào người Tày ở vùng ngoài của Văn Chấn, Yên Bái.
Sau khi hái được hoa dó, bố tôi thường đi loanh quanh khu vườn sau nhà, chọn cây chuối non to tầm cổ chân người lớn, cẩn thận cắt thành mấy khoanh nhỏ. Số khoanh chuối đó, bố tôi sẽ tỉ mỉ khắc tỉa thành cốc rồi chọn những cành mận hoa nở trắng tinh cùng với hoa dó thơm ngát cùng cắm vào.
Sau đó, bố sẽ nhẹ nhàng đặt hai cốc lên bàn thờ tổ tiên, một cốc đặt trên bàn thờ Thổ công gác trên xà nhà nơi cửa ra vào. Bố tôi vẫn thường bảo mỗi mùa xuân về, khi nhìn thấy hoa dó, hoa mận trên bàn thờ là cảm giác an vui, ấm áp đã tràn ngập khắp gian nhà gỗ đơn sơ.
Đứa trẻ ngây thơ là tôi khi ấy thường ngước đôi mắt tròn xoe, ngắm nhìn sắc trắng của hoa trên bàn thờ giữa bảng lảng khói hương trầm, ngỡ như mùa xuân đã ghé qua đầu ngõ, mang theo biết bao hy vọng và hạnh phúc.
Cũng trong những ngày cuối năm se sắt lạnh ấy, lũ trẻ chúng tôi thường háo hức bên nong gói bánh chưng của mẹ. Tôi là con gái nên bao giờ cũng được giao nhiệm vụ phụ mẹ lau lá, buộc lạt ngoài cho vài ba chục cái bánh chưng dài.
Bọn trẻ con chúng tôi ngày thường vốn hiếu động mê chạy từ góc này sang góc khác, nay bỗng hóa ngoan ngoãn đúng kiểu "gọi dạ bảo vâng" khiến bố mẹ cứ tủm tỉm cười suốt. Cũng bởi bố mẹ biết rằng niềm háo hức đợi chờ của chúng tôi chỉ tập trung vào cuối buổi, khi người lớn còn thừa lại một ít gạo và nhân sẽ gói cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng nhỏ nhắn luộc cùng nồi bánh với gia đình. Bọn trẻ chỉ chờ đến lúc đó sẽ nhanh chóng hối thúc bố mẹ vớt cái bánh đó ra thưởng thức trước tiên.
Tôi không nhớ tuổi thơ mình đã được thưởng thức bao nhiêu chiếc bánh chưng nhỏ nhắn được gói theo kiểu "vét" hết nguyên liệu như thế. Nhưng cảm giác nóng hôi hổi và ngọt bùi hương vị của đồng quê, của thảo mộc núi rừng, gợi nhớ về một khoảng đời tuổi thơ dẫu lam lũ nhưng yên vui bên cạnh bố mẹ vẫn theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời.
Lại nhớ đến khoảng thời gian đầu tiên về làm dâu, với kinh nghiệm học bánh chưng từ gia đình trước đây, tôi cũng tự gói được những chiếc bánh chưng to cho gia đình chồng. Tuy nhiên khâu nêm nếm gia vị lại chẳng thể hài hòa như cách mẹ làm trước đây.
Các con tôi cũng chẳng được mẹ gói cho những chiếc bánh nhỏ nhắn như xưa. Mà đôi khi, với bọn trẻ con sinh ra và lớn lên ở phố thị như con tôi, những chiếc bánh chưng nhỏ bé kia cũng chẳng phải là niềm háo hức gì đáng kể.
Món ăn đặc biệt trên mâm cỗ Tết
Suốt nhiều năm xa quê, lần nào tôi cũng tranh thủ quay về nhà vào một hoặc hai ngày cuối năm, vừa để tranh thủ biếu bố mẹ chút tiền sắm Tết, vừa cùng ngồi lắng nghe những thanh âm và hình ảnh thân thuộc nơi quê nhà.
Bố tôi, người thương binh trở về từ chiến trường năm nào vẫn cố gắng vun vén, tính toán từng chút cho gia đình. Năm nào bố cũng cố gắng nuôi một con lợn to trong chuồng từ đầu năm để dành mổ Tết. Một phần bố tôi sẽ để dành ăn, phần còn lại để dành cho con mỗi đứa một ít.
Thường gần sáng tầm 29 Tết, bố sẽ bắt đầu mổ lợn. Mỗi dịp ở nhà, tôi thường thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, nghe tiếng nước vặn rả rích xen kẽ âm thanh tí tách khi bố mẹ nhóm lửa đun nước mổ lợn. Tôi háo hức góp một tay phụ giúp bếp núc cho bữa ăn đoàn viên.
Món ăn đặc biệt nhất trên mâm cỗ nhà tôi chính là món chả nướng của bố. Cách thức làm món này theo bố tôi chia sẻ cũng khá đơn giản: bố lấy mỡ chài quấn thịt băm thật nhỏ trộn thêm gia vị thành từng miếng bằng ngón tay cái rồi bọc ngoài bằng chiếc lá chanh to, lấy thanh tre chẻ mỏng kẹp thành từng vỉ đều tăm tắp nướng trên bếp than hồng. Miếng chả vàng chín mềm hòa quyện với mùi lá chanh khó cưỡng bao giờ cũng là món hết đầu tiên.
Tôi cũng thích cả món nem ống được làm từ thịt băm lẫn bì thái mỏng, ướp hạt dổi thêm chút tỏi và thính nếp rang vàng. Cuối mùa đông, bố tôi thường đi rừng chọn thêm vài cây nứa già khô, đem về cắt ống, rửa sạch, hong khô để đó.
Đến khi làm nem Tết, ông sẽ lèn nem vào ống thật chặt. Lần nào con về, ông cũng buộc cho vài ống về ăn Tết. Nhìn ống nem được chuẩn bị kỳ công như thế, tôi càng thấy được tình thương và sự chắt chiu bố mẹ dành cho con lớn đến nhường nào.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chúng tôi đã trưởng thành, mải miết với cuộc sống của riêng mình. Một mùa xuân mới nữa lại sắp sang. Tôi lại nao nao nhớ mùi hoa dó thoảng nhắc mùi nhang ngày Tết, những cành hoa mận trắng tinh, rung rinh trước ngõ, nhớ cồn cào chiếc bánh chưng nhỏ xinh, nóng hổi của tuổi thơ ngày trước...
Bất giác bùi ngùi nghĩ đến bố mẹ hẳn vẫn đang ngóng chờ con ở quê nhà, mới nhận ra trên đời này, ta có muôn vàn nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để trở về, ấy chính là gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận