Rời Đà Lạt thơ mộng, xe chúng tôi tiến đến thị trấn D'Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Suốt đoạn đường, mai anh đào đua nhau khoe sắc hồng chúm chím bên những rặng thông già lao xao, cùng những dốc sương mù đặc trưng cho vùng đất cao nguyên, đẹp ngỡ ngàng.
Ngày xuân, thị trấn khoác lên tấm áo mới, nhiều vật dụng trang trí đỏ rực cùng các chậu hoa đủ sắc màu.
Đi thêm một đoạn, hồ Đa Nhim mênh mang trong tầm mắt, với bờ đập trải dài 1,5km. Đây là nơi hợp lưu của sông Krông Lét đổ vào sông Đa Nhim. Được biết lòng hồ có đường hầm thủy áp dài 5km xuyên qua núi, nối tới hai ống thủy áp bằng hợp kim, đường kính hơn 1m, dài hơn 2.000m, dốc 45 độ, dẫn nước cho nhà máy thủy điện Đa Nhim dưới chân núi, thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, tạo ra nét đặc trưng có một không hai cho đèo Ngoạn Mục.
Càng gần đèo, khung cảnh càng hiện lên xanh mướt. Đèo Ngoạn Mục còn gọi là đèo Sông Pha, nối cao nguyên Langbian với thung lũng Ninh Sơn, một bên là núi non xanh thẳm, một bên là thung lũng với những mái nhà thấp thoáng.
Đèo quanh co với nhiều khúc cua tay áo, tạo hình vòng sóng uốn lượn đẹp mắt, con đường như dải lụa mềm vắt ngang sườn đồi xanh mướt. Con gái tôi nhìn những chiếc xe đi phía xa, nói giống như mấy món đồ chơi nhỏ xíu đang chậm chạp di chuyển.
Chiều dài đèo khoảng 18,5km, độ dốc trung bình hơn 9 độ, là ngọn đèo có độ dốc lớn nhất ở phương Nam. Tôi cảm nhận được sự thay đổi khí hậu cùng cảnh quan rõ rệt trên chiều dài con đường.
Lúc bắt đầu vào đầu đèo phía Đơn Dương, mây mù lãng đãng trên những tán thông, không khí mát mẻ dễ chịu, đặc trưng cho vùng đất cao nguyên thông reo gió hát. Càng xuống phía dưới, nắng càng rực rỡ mang theo cái nóng hanh hao của vùng duyên hải Nam Trung Bộ cùng rừng cây dầu, và nhiều loại cây đặc trưng cho miền nhiệt đới.
Tại khúc cua Eo Gió, bất chợt cơn gió se lạnh ùa tới, rồi thoáng chốc nhường chỗ cho cái nắng nóng tràn về. Thật không ngoa khi nói rằng đi trên đoạn đèo này sẽ cảm nhận được thời tiết bốn mùa hội tụ.
Cung đường có hai đoạn đi bên dưới đường ống này, cảm giác thật thích thú. Nhìn hai ống dẫn nước lừng lững thẳng đứng từ đỉnh xuống chân núi, tôi thật khâm phục trí tuệ và sức lực của những con người đã xây đựng nên công trình, để thắp lên nguồn điện cho vùng đất cao nguyên và miền duyên hải, cùng hệ thống tưới tiêu cho vùng đất Ninh Thuận quanh năm gió nắng.
Khu vực chân đèo sầm uất hàng quán, là điểm dừng chân thú vị, khi vừa lắc lư trên ngọn đèo quanh co khúc khuỷu. Nơi đây có đủ món cho du khách lựa chọn, đặc biệt là món cơm gà đặc sản của sông Pha và Ninh Thuận.
Hỏi thăm người dân địa phương, gia đình tôi dừng chân tại quán Phước, gần bờ đập để ăn trưa. Gà đồi vàng ươm, cơm nấu với nước luộc gà óng ả nhìn thôi đã thèm, kèm thêm chén canh chua lá giang cùng ít đồ chua tăng khẩu vị. Thời điểm gia đình tôi ghé quán đã hơn 1h chiều, vậy mà vẫn chật ních khách xếp hàng chờ, đủ thấy sức hút của ngôi quán nhỏ này.
Suốt đoạn đường, xe cộ đi lại tấp nập. Đây chính là tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với cửa ngõ duyên hải miền Trung. Hướng từ Lâm Đồng là dòng người tìm đến miền biển xanh cát trắng. Chiều ngược lại là những người trốn cái nắng nóng, muốn đắm chìm trong làn gió se lạnh của xứ sở sương mù.
Buổi đêm, ngồi trước hiên nhà người bà con ở Đồng Mé, dọc quốc lộ 27, tôi thấy nhiều chiếc xe tải đi lại nhộn nhịp. Chị Mi, người bà con của tôi, cho hay đó là những chuyến xe hai chiều, chở rau củ, hoa quả từ Đà Lạt xuống Phan Rang, rồi chở ngược hành tỏi, lá é, hải sản từ miền biển lên cho vùng núi.
Dọc hai bên quốc lộ 27 là những vườn táo sum suê. Cùng với cây nho, táo xanh là loại trái cây đặc trưng của Ninh Thuận. Tôi dừng lại ngẫu nhiên ở một quầy bán táo ven đường. Cô chủ giới thiệu cho tôi hai loại, táo gió trái nhỏ và táo bom trái to gấp đôi, gấp ba. Cô nói táo và nho mùa Tết là ngon nhất, trái ngọt, giòn mà giá lại rẻ. Tôi mua cả hai loại dành nhâm nhi trong chuyến đi, thật sự ngon, ngọt giòn mà không bị cứng.
Chuyến du xuân cho tôi nhiều điều thú vị về đất và người Ninh Thuận. Trong đó đèo Ngoạn Mục là nơi thu hút khá nhiều du khách, không chỉ bởi vị trí cửa ngõ mà còn bởi thiên nhiên kỳ vĩ trải dọc suốt chiều dài cung đường, đáng để cho ta một lần trải nghiệm…
Ngày 24-2 (rằm tháng giêng) là hạn cuối nhận bài cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận