​Khoảnh khắc mùa xuân

HOÀNG MY 07/02/2015 02:02 GMT+7

Tết với tôi cũng không phải lúc thở phào nhẹ nhõm khi xong xuôi các công việc đối nội, đối ngoại, được tắm gội tất niên, cả nhà sạch sẽ tinh tươm như đồng xu mới kẻng, đợi hưởng thụ những ngày nghỉ lễ dài nhất trong năm...

Minh họa: SALEM

1. Những ngày cuối năm, cơ quan tôi len lén biến thành một cái chợ thập cẩm theo kiểu bí mật, mua mua bán bán đủ thứ đặc sản này nọ.

Chị đồng nghiệp thở cái khì, oải chè đậu xen lẫn với háo hức bảo: Sắm cho cố, cứ như thể không châm trữ đầy nhà cửa và ăm ắp cái tủ lạnh thì không được vậy. Cuối cùng thì sau mâm cơm cúng đón ông bà về ăn tết là coi như xong một mùa xuân. Ngắn ngủi vậy thôi mà sao phải mệt quá chừng!

Đối với chị cũng như không ít bà vợ đảm đương khác thì đương tết là khi còn chộn rộn dọn dẹp, xấc bấc xang bang, tối mắt tối mũi chuẩn bị đủ thứ. Đến nỗi nhắc tới tết là ký ức về những ngày cuối cùng của tháng chạp đã hiện lên mồn một, cả nhà hầu như có mặt đông đủ nhưng ai nấy đều... quần quật.

Việc nào cũng thấy quan trọng, tựa hồ không thể để đến ngày mai được. Qua ngày ba mươi là coi như... hết tết. Nhiều người tắc lưỡi chẳng hiểu tại sao cảm giác những ngày “mùng” rất nhạt nhòa, chỉ có ăn và chơi qua nhanh đến hụt hẫng tiếc nuối.

Riêng ba mươi tết thì còn mãi trong tiếng cự nự của má, của chị, với cảnh mướt mồ hôi quét dọn cọ rửa nhà cửa của ba và mấy đứa em trai, mùi thức ăn bánh mứt, nhang đèn ngòn ngọt thơm thơm... hằn sâu vào trong trí nhớ của từng người trong gia đình.

 

2. Thế nhưng, với tôi, mùa xuân thật sự không phải là lúc cái điện thoại túc tắc báo tin nhắn của ngân hàng rằng công ty đã chuyển khoản tiền thưởng rồi, nhiều ít không dám nói nhưng “lúa” mong chờ rồi cũng đã về.

Chắc cũng không phải khi con đường rộng đẹp trước mặt cơ quan được bày bán cơ man là hoa lá đẹp đẽ. Mỗi sớm mai đi làm ngang qua, tôi nhìn thấy những người bán kiểng còn đang gắng dỗ thêm chút giấc ngủ trong cái rét dịu nhẹ của thành phố phương Nam, cảm giác mùa đông đang lùi dần, lùi dần về phía sau.

Tết nhất cũng không phải là lúc chen vô siêu thị đông đúc, mạnh ai nấy vơ vét thu gom từ tuýp kem đánh răng đến mớ cải xậy muối dưa, từ cây giò thủ đến chục quýt hồng chưng bàn thờ... Tết với tôi cũng không phải lúc thở phào nhẹ nhõm khi xong xuôi các công việc đối nội đối ngoại, được tắm gội tất niên, cả nhà sạch sẽ tinh tươm như đồng xu mới kẻng, đợi hưởng thụ những ngày nghỉ lễ dài nhất trong năm.

Tết của tôi dường như bắt đầu từ lúc chị em nhắn nhe nhau hôm nay ba lên đó. Ba lên nghen chị, nghen bây, nghen má. Ba ở dưới quê làm nốt khoảng thời gian còn lại trước khi về hưu, ráng giữ vườn tược và căn nhà lợp ngói lại, để lũ con thi thoảng nếu muộn phiền còn có chỗ đi về.

Đứa nào thu xếp đi đón ba đi nhé. Tôi ngồi ở văn phòng mà thấp thỏm hình dung ba giờ đang đi tới cầu Mỹ Thuận. Ba chắc đang ghé quán cơm ven đường ăn bữa trưa một mình đây mà. Ba ơi, ba đã tới ngã ba Trung Lương chưa, khi nào lên đường cao tốc thì ba nhắn cho con ba nhé. Ừ thì ngày cuối năm ai nấy lụi xụi về quê, chỉ mình ba tôi ngược đường, ngược hướng trở lên thành phố để ăn tết với con cháu đây mà.

Xe lên vắng khách lắm, giá cũng rẻ, ba tôi một mình một cõi, chẳng biết có kiếm ra ai đó bầu bạn đồng hành...

 

3. Rồi thì rưng rưng lắm khi tôi và thằng em trai trờ tới đón, thấy ba tôi lừng khừng đứng giữa nhà xe, vóc dáng mỗi năm mỗi xơ gầy hơn trước. Dưới chân ba cơ man là thùng xốp, là bao nilông, là giỏ lớn giỏ nhỏ.

Là quầy chuối mập ú chín bói ba cứ thấp thỏm sợ dơi ăn mất trong vườn hoặc không kịp chặt đúng dịp rời quê đi ăn tết. Là ít lá lốt, lá nha đam và rau ngót ba vặt trụi cả nhánh mang hết lên trên này. Là đôi ba quả sa kê trái mùa lấm tấm bụi phấn và vài con kiến vàng còn sót lại. Là mớ tôm đất đã được đông đá cho cháu ngoại, là cái lồng gà sống đang kêu lục tục chờ hóa kiếp.

Là tất tần tật mọi thứ còn dư lại trong nhà, ba tôi gom hết cho chuyến đi chờ đợi của cả một năm ròng...

Muốn hỏi ba rằng đường xa quá hở ba, ba có mệt không, ba mang theo chi dữ thần vầy nè, ở trên này cái gì chẳng có mà sao cứ thấy nghẹn lời. Bởi chị em tôi hiểu tất cả những thứ ấy rồi sẽ thành bữa cơm chung của gia đình nơi căn nhà phố bé xịu, hơi chen chúc tí nhưng vui đến nỗi cảm giác mỗi phút giây trôi qua đều thấy đáng tiếc.

Hai chị em chia nhau ràng rịt, đưa ba và lủ khủ quà quê ấy về. Hiên ngang và náo nức như thể người ta chở phía sau một chậu mai lác đác vàng hoặc cây tắc trĩu trịt quả vậy. Qua một ngã tư nào, có cái xe bán băng đĩa dạo mở một bài hát quen đến nao lòng: Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần... (*).

Dặn mình thôi thì đừng nghĩ, đừng lo, hãy trân quý những khoảnh khắc sum vầy vẫn đang còn trước mặt. Đường phố ngày cuối năm văng vắng lưa thưa, lác đác đã có căn nhà khóa cửa cúng kiếng tất niên rồi kìa. Tết thật sự vừa trở lại, gần lắm. Khi ba đã lên tới nơi đây, cùng với cả nhà đi về phía mùa xuân ấm.

(*): Mừng tuổi mẹ - nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận