Ảnh minh họa một ngôi sao bị xé nhỏ bởi ảnh hưởng trọng trường cực lớn của một lỗ đen khổng lồ - Ảnh: NASA
Sự kiện xảy ra cách Trái đất 215 triệu năm ánh sáng, được quan sát lần đầu tiên vào tháng 10-2019. Đó là một ngôi sao trong chòm sao Eridanus giống như Mặt trời, bị một lỗ đen lớn gấp 1 triệu lần khối lượng của nó phá hủy, theo trang Space.com.
Đây là ví dụ gần nhất về một ngôi sao bị "xé nát" do sự gián đoạn thủy triều (TDE) khổng lồ tạo ra từ một lỗ đen mà các nhà thiên văn học từng phát hiện.
Suốt nhiều năm nghiên cứu hiện tượng trên, bằng cách quan sát sự phân cực của ánh sáng từ sự kiện này, các nhà nghiên cứu tại Đại học California-Berkeley nhận định phần lớn vật chất sao này đã bị thổi bay khỏi lỗ đen với tốc độ tới 35 triệu km/h.
Vụ nổ này, được đặt tên là AT2019qiz, đã tạo ra một đám mây khí mà những quan sát mới về ánh sáng phân cực này cho thấy nó đối xứng hình cầu.
Đám mây khí này rộng gấp 200 lần khoảng cách trung bình từ Trái đất đến Mặt trời. Điều này có nghĩa là bán kính của đám mây khí này lớn hơn 100 lần so với quỹ đạo Trái đất. Rìa ngoài của đám mây khí cách trung tâm lỗ đen khoảng 1,5 tỉ km.
"Một trong những điều điên rồ nhất mà một lỗ đen siêu lớn có thể làm là cắt nhỏ một ngôi sao bằng lực thủy triều khổng lồ của nó", ông Wenbin Lu, một nhà thiên văn học tại UC Berkeley và đồng tác giả của nghiên cứu mới, nói.
Đây là sự kiện đầu tiên thuộc loại này đủ sáng để nhìn thấy, cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu chi tiết những gì xảy ra với vật chất từ ngôi sao sau khi nó bị cắt nhỏ.
Sự thật thú vị ở đây là một phần đáng kể vật chất trong ngôi sao đang chuyển động xoắn ốc vào trong không rơi vào lỗ đen; nó bị cắt nhỏ đồng thời tiếp tục xoắn ốc như sợi mì spaghetti và bị thổi bay khỏi lỗ đen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận