Tôi đã sai - một cái sai tôi không thể sửa dù tôi đã cố sửa suốt 15 năm qua. Bao thành tích, bao việc tốt tôi đã làm, bao lời khen cũng không thể giúp tôi hài lòng về mình.
Một học trò phải nghỉ học, một học trò bị dập tắt tương lai, học trò ấy bị xúc phạm danh dự cũng bởi cái sai của tôi của 15 năm trước.
Rời khỏi phòng họp của nhà trường sau khi hội đồng kỷ luật vừa tạm đình chỉ một tuần học đối với học sinh Bùi Văn Sơn - học sinh lớp tôi chủ nhiệm, về nhà trên đoạn đường chỉ dài 1km, nhưng với tôi, con đường hôm ấy lại dài vô tận.
"Thời gian đã trả lời và thời gian đã cho tôi cơ hội để làm lại. Có lẽ tôi đã trở thành một người thầy có tâm nhưng không ai biết rằng chữ "Tâm" mà tôi có được của hôm nay phải trả giá bằng bài học lương tâm của 15 năm về trước và nhiều năm sau nữa".
Trần Thị Kim Dung
Trần Thị Kim DungNăm 2001, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi xin về công tác tại trường THPT thuộc huyện ngoại thành Hà Nội. Vừa tốt nghiệp và được đứng trên bục giảng, tôi đã nghe các thầy cô có kinh nghiệm bảo: Vào lớp lúc nào cũng phải nghiêm khắc để học trò phải sợ, không nên cười với học trò vì nó sẽ leo lên đầu lên cổ mình. Tôi nghe những lời khuyên ấy và như học thuộc lòng.
Tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn văn lớp 10A6. Bắt đầu với công việc cũng là lúc tôi bắt đầu đưa ra những hình thức kỷ luật, yêu cầu học sinh thực hiện. Từ việc đứng xó lớp để học, phạt lao động, mời phụ huynh đến và dọa đuổi học... tôi thực hiện như công việc được lập trình sẵn.
Tôi cũng nhận thấy việc mời phụ huynh đến trường là điều khiến học sinh lớp tôi sợ nhất. Không khí trong lớp luôn căng thẳng, mỗi khi tôi bước vào lớp là lớp im phăng phắc không một tiếng động.
Tôi cứ tin rằng biện pháp giáo dục của mình có hiệu quả. Nhưng tôi đã lầm. Các hình thức giáo dục của tôi đã phản tác dụng. Khi học trò căng thẳng và mệt mỏi, các em tìm cách phản kháng.
Một buổi chiều, tôi vừa đi dạy về thì đứa em họ chạy lên báo: "Thằng Sơn lớp chị đánh em". Vừa nghe, tôi đã tức sôi người và nghĩ cách trừng phạt. Trong đầu tôi chỉ kịp nghĩ: "Chắc nó thù mình vì chiều nay mình phạt nó". Ý nghĩ đó thống trị trong đầu tôi. Sáng hôm sau, tôi báo việc học sinh Sơn đánh em tôi với nhà trường và đề nghị kỷ luật Sơn.
Tôi đã kéo bao nhiêu người vào một sự việc xích mích bình thường giữa các học sinh, từ ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, ban đại diện phụ huynh, phụ huynh học sinh, gia đình tôi và cả những học sinh làm chứng.
Chỉ một cái bạt tai, chỉ một cú đá của hai học trò, tôi đã kết luận Sơn tội đánh nhau và đề nghị đình chỉ việc học của em một tuần. Đề nghị của tôi được chấp nhận khi tôi khăng khăng "Sơn đánh em tôi do bị tôi phạt trên lớp", bất chấp lời khuyên của nhiều người. Tôi đã không nghe, không hiểu và không chịu hiểu.
Kỷ luật được học sinh, tôi hả hê. Nhưng đôi mắt và ánh nhìn của Sơn hôm đó ám ảnh tôi đến tận hôm nay, không biết đến bao giờ tôi mới có thể quên được ánh mắt ấy. Em đã tới xin tôi để được đi học, em xin tôi tha thứ. Nhưng lòng tự ái và kiêu ngạo của một cô giáo vừa ra trường đã khiến tôi không nghe, không hiểu và không tha thứ.
Sau một tuần bị đình chỉ học, Sơn chán đời, chơi bời, đánh nhau... Sau đó, em đã bị nhà trường đuổi học. Trước khi nghỉ học, em đến gặp tôi và nói: "Cô không phải đuổi học em nữa, em cũng không muốn đi học nữa. Nhưng chính cô là người đẩy em vào tình cảnh này".
Tôi chết lặng người đi và sụp đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên tôi nhận ra thế nào là kinh nghiệm - kinh nghiệm mà tôi chưa có, nhận ra mình cũng không có cả cái tâm của người thầy. Tôi không chỉ vô tâm mà còn nhẫn tâm.
Tôi thực sự xấu hổ khi nghe học trò gọi mình là cô giáo. Đó cũng là khoảnh khắc mà tôi thực sự hiểu ra vì sao nghề dạy học là nghề cao quý nhất, và giữa một người thầy chỉ dạy kiến thức và giảng bài hay (điều mà nhiều người làm được) và một người thầy có nhân cách, có trái tim nhân hậu, luôn luôn biết lắng nghe là một khoảng cách thực sự.
Tôi không dám gặp lại học trò của mình. Sau khi Sơn bị kỷ luật, tôi tới gặp bố mẹ em - một lần gặp gỡ như một lần xin lỗi, cùng những lời an ủi, động viên mà tôi nói với bố mẹ Sơn. Nhưng ra về, tai tôi vẫn văng vẳng câu nói của mẹ em: "Cháu nó không đáng bị buổi học. Vì xấu hổ với gia đình, bạn bè mà thằng Sơn đã đi lên Hà Giang theo anh nó rồi".
Những buổi lên lớp sau đó, tôi không còn cảm thấy hơi mát từ những cơn gió từ sông Hồng thổi tới, chỉ thấy ngột ngạt. Tôi tự hỏi: "Mình sẽ bắt đầu từ đâu và sẽ đối diện với học trò của mình như thế nào?".
Sau lần ấy, tôi xin nghỉ công tác chủ nhiệm để có thể tĩnh tâm hơn về những chuyện đã xảy ra. Lớp 10A6 của tôi đã ra trường sau ba năm. Đã nhiều lần các em tổ chức họp lớp nhưng tôi không dám tham dự.
Tôi tìm rất nhiều lý do để từ chối, nhưng có một lý do mà mình tôi mới biết: tôi sợ phải đối diện Sơn. Tôi sẽ nói gì với em đây? "Hãy tha lỗi cho cô! ư?". Tôi đã không làm được điều ấy. Điều duy nhất mà tôi làm được là cầu cho em được bình an và hạnh phúc. Tôi nhẹ lòng hơn khi biết Sơn đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc và một công việc ổn định.
Chỉ trong một thời điểm, một lời nói, một suy nghĩ và một hành động mà tôi day dứt bao năm qua. Tôi nhận ra mình đã độc đoán, kiêu ngạo và vô cảm - điều không bao giờ được tồn tại ở những người làm thầy. Và không phải làm thầy là cái gì cũng đúng, thầy nói cái gì cũng đúng. Thầy và trò phải là hai người bạn - hai người bạn cùng đi trên hành trình dạy và học.
15 năm trôi qua kể từ ngày đó, tôi luôn nhận được sự kính trọng của học sinh, bao lớp học trò từng nghĩ về tôi như người mẹ thứ hai của chúng. Bao phụ huynh mong muốn con họ được vào lớp tôi chủ nhiệm.
Thời gian đã trả lời và thời gian đã cho tôi cơ hội để làm lại. Có lẽ tôi đã trở thành một người thầy có tâm nhưng không ai biết rằng chữ "Tâm" mà tôi có được của hôm nay phải trả giá bằng bài học lương tâm của 15 năm về trước và nhiều năm sau nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận