Trong năm 2023, Việt Nam đón 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam, đánh dấu tầm vóc và vị thế mới của đất nước. Đây cũng là năm có đến 5 đoàn thăm cấp nhà nước.
Trả lời báo chí dịp cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và diễn đàn.
Chỉ tính riêng trong năm qua, Việt Nam đã có 22 đoàn lãnh đạo chủ chốt đi thăm các nước. Ở chiều ngược lại, 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài đã đến thăm Việt Nam. Theo ông Sơn, điều đó cho thấy tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.
Trong số 28 đoàn vào, có tới 5 đoàn là thăm cấp nhà nước. Trung bình cứ 2-3 tháng Việt Nam lại đón một đoàn lãnh đạo nước ngoài thăm cấp nhà nước.
Có thể nói Toàn quyền Úc David Hurley là người mở màn khi thăm cấp nhà nước Việt Nam vào tháng 4-2023. Ông cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón trên cương vị mới.
Chuyến thăm 4 ngày của Toàn quyền Úc David Hurley chứng kiến các hoạt động ở cả thủ đô Hà Nội và TP.HCM, mở ra hy vọng về việc hai nước sớm đưa quan hệ lên tầm cao mới vào thời điểm phù hợp.
Đến tháng 6-2023, Việt Nam tổ chức đón tiếp thành công thêm một chuyến thăm cấp nhà nước khác. 21 phát đại bác đã được bắn trong lễ đón chính thức Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Phủ Chủ tịch. Chuyến thăm đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng người dân hai nước. Hình ảnh hai vị nguyên thủ và phu nhân cùng ăn sáng, dạo hồ Gươm và trò chuyện cùng nhau đã để lại ấn tượng thân tình, gần gũi giữa các lãnh đạo.
Chuyến thăm này không chỉ củng cố mối quan hệ đã có từ hàng trăm năm trước mà còn chứng kiến những cơ hội hợp tác mới. Hơn 100 văn kiện đã được doanh nghiệp hai bên ký kết, thể hiện tinh thần cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập tháng 12-2022.
Vào trung tuần tháng 9, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự chú ý lớn của truyền thông quốc tế. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Việt Nam theo lời mời của một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyến thăm cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, cả tổng thống và phó tổng thống Mỹ đều cùng đến Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ.
Chuyến thăm được đánh giá là mang ý nghĩa lịch sử khi còn chứng kiến việc hai nước nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Và chính Tổng thống Joe Biden, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cùng tháng 9-2023, cũng đã đề cao việc này, nhấn mạnh Việt Nam và Mỹ là minh chứng cho việc hàn gắn sau chiến tranh.
Trung tuần tháng 12-2023, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Việt Nam, đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước thứ ba của ông trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm, với sự tiếp đón trọng thị, chân tình đặc biệt đã tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước núi sông liền nhau. 36 văn kiện đã được ký kết, là số lượng văn kiện hợp tác nhiều nhất từ trước đến nay trong một chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hai bên đã ra tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc, nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Theo Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, chuyến thăm lịch sử Trung Quốc vào tháng 10-2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng, là những dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Tuyên bố chung cũng khẳng định các nguyên tắc của việc phát triển quan hệ là tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Những nội hàm của quan hệ ở tầm cao mới là 6 phương hướng phấn đấu để tăng cường quan hệ như được nêu trong tuyên bố chung, tức "6 hơn".
Đó là Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Chia sẻ với báo giới dịp cuối năm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điểm lại những dấu ấn nổi bật của ngành ngoại giao năm 2023 và nêu định hướng cho ngành trong năm 2024.
Thêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận