Dù vậy, Boonson không thể thắng Xie ở chung kết cự ly 100m. Nhưng không hề gì, với thời gian 10,02 giây, Boonson chỉ thua đối thủ hùng mạnh Xie Zhenye vỏn vẹn 0,05 giây.
Nếu để chọn ra một nội dung mang tính đại biểu cho các kỳ đại hội thể thao, cự ly chạy 100m nam chính là nội dung mang tính biểu tượng.
Nói vậy bởi cự ly 100m luôn khiến các sân vận động, dù rộng lớn đến 80.000 chỗ ngồi như sân Hàng Châu Olympic, phải bùng nổ với những cú nước rút ngoạn mục. Đó là sự bùng nổ của Boonson ở Asiad 19. Xie quá mạnh và bứt tốp từ những bước chạy đầu tiên.
Còn Boonson khởi động khá chậm, và đến 20m cuối anh mới bứt lên để đua với Xie. Thua nhưng Boonson vẫn tạo ra cảm giác chỉ cần đường đua dài thêm chừng 5m, anh có thể vượt cả Xie.
Đó là một màn biểu diễn hội tụ đầy đủ các phẩm chất ngôi sao. Mohd Awang, một phóng viên Malaysia, chia sẻ anh bị sốc vì cú bứt lên của Boonson.
Nhiều phóng viên Philippines, Singapore khác cho biết cũng ủng hộ Boonson. Cái tên Boonson thực sự tạo ra hiệu ứng gây sốt tại Asiad 19 khi anh suýt chút nữa đánh bại tượng đài Trung Quốc Xie Zhenye ở nội dung hấp dẫn nhất của Asiad 19.
Nếu đối chiếu số liệu với Giải vô địch thế giới diễn ra vài tháng trước, Boonson đã chạy nhanh hơn đến 3 VĐV lọt vào chung kết. Và người Thái có quyền mơ về ngày Boonson cạnh tranh với các chân chạy hàng đầu thế giới ở cự ly 100m.
Có đến 12.500 VĐV dự Asiad 19, nhưng chỉ có vài chục gương mặt là có thể khuấy động khán đài như Boonson. Hầu hết là những VĐV đoạt nhiều huy chương, hai kình ngư Trung Quốc Zhang Yufei (6 HCV) và Hàn Quốc Kim Woomin (3 HCV, 1 HCB), chân chạy Adekoya của Bahrain (4 HCV), tay vợt bóng bàn nữ Sun Yingsha (3 HCV)…
Nhưng những màn trình diễn đỉnh cao không chỉ thể hiện ở số lượng. Câu chuyện về "lão bà" 48 tuổi Oksana Chusovitina (thể dục dụng cụ) là minh chứng. Đẳng cấp trong quá khứ và sự bền bỉ của hiện tại là thứ khiến Chusovitina được ủng hộ nhiều hơn cả các VĐV chủ nhà tại Asiad này.
Một số nước Đông Nam Á cũng có những siêu sao tạo điểm nhấn. Như Indonesia có xạ thủ Muhammad Putra với 2 HCV cá nhân. Singapore có Shanti Pereira đoạt HCV 200m và HCB 100m nữ. Còn Philippines tiếp tục tự hào về John Obiena - người từng đoạt HCB thế giới, nay đoạt thêm HCV nhảy sào ở Asiad 19…
Trong khi đó, thể thao Việt Nam trải qua một khoảng lặng về chất siêu sao ở Asiad 19. Tại Asiad 18, Việt Nam có HCV môn điền kinh, có một cuộc phiêu lưu thú vị của đội tuyển bóng đá nam, có màn ganh đua ngoạn mục giữa Huy Hoàng với Sun Yang… Đến Asiad 19, Việt Nam sụt giảm cả về huy chương lẫn những câu chuyện tạo cảm hứng.
Phạm Quang Huy - "xạ thủ vàng" mới nổi - là một câu chuyện thú vị về tính "gia truyền" của môn bắn súng. Nhưng hình ảnh của Quang Huy vẫn khá lặng lẽ trước giới truyền thông châu lục. Ở các khu phỏng vấn (mixed zone), truyền thông hầu như chỉ quan tâm đến Putra.
Trong khi đó, cả 2 HCV của cầu mây và karate đều không thật "đã". Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các VĐV, nhưng ở môn cầu mây, việc Thái Lan bỏ nội dung 4 người khiến đường vô địch của Việt Nam thênh thang.
Còn ở nội dung kata đồng đội nữ của karate, Nhật Bản không tham dự và chỉ có vỏn vẹn 4 quốc gia thi đấu. 2/3 HCV của Việt Nam đến từ những cuộc so tài kém sôi động nhất ở Asiad 19.
Nếu Nguyễn Thị Thật tung cú nước rút thành công để lọt vào top 3 nội dung xe đạp đường trường, cô xứng đáng được xem là siêu sao truyền cảm hứng hàng đầu của Việt Nam tại Asiad 19.
Nữ tay đua này hội tụ đầy đủ các yếu tố về đẳng cấp, được truyền thông chú ý và lại phải vượt qua chấn thương. Nhưng việc cô thất bại trong gang tấc đã tạo nên một trong những nỗi tiếc nuối lớn nhất của thể thao Việt Nam ở Asiad 19.
Nhiều năm trước, tôn chỉ của Olympic là sân chơi dành cho VĐV nghiệp dư (để phân biệt với VĐV dự các giải nhà nghề). Nhưng theo dòng thời gian, quan điểm này dần thay đổi. Thể thao cần sự sôi động, cần những cái tên rực sáng và thu hút tài trợ. Thể thao Việt Nam ở Asiad 19 lại thiếu đi điều đó!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận