Khi cây bút Mike Daisey của tờ The New York Times bay đến Trung Quốc để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến làn sóng tự sát của công nhân làm việc tại các đối tác cung cấp linh kiện cho Apple, cũng như nhiều hãng sản xuất điện tử lớn khác của Mỹ, ông đã sốc khi phát hiện sự thật gây kinh ngạc: phần lớn ký giả Mỹ đưa tin về các vụ tự sát chưa từng đến thăm các công xưởng, thậm chí chưa từng phỏng vấn qua bất kỳ công nhân nào.
Phóng to |
Không thể ngồi yên, cách đây vài tháng, tờ The New York Times đã cử một nhóm phóng viên, do Charles Duhigg, Keith Bradsher và David Barboza dẫn đầu để điều tra tường tận hàng trăm công ty điện tử Trung Quốc vốn đóng vai trò chủ đạo để tạo ra các sản phẩm iPhone và iPad - bắt đầu bằng cái tên Foxconn, tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới.
Nhân mạng được tính vào giá một món đồ
Vụ nổ và kèm theo đó là hỏa hoạn xảy ra tại tòa lầu Building A5 vào một buổi chiều tháng 5-2011 để lại hậu quả là bốn công nhân thiệt mạng. Sự cố xảy ra tại khu vực lắp vỏ máy tính bảng iPad, công suất lên đến hàng ngàn chiếc một ngày.
“Ông là cha của Lai Xiaodong? Cậu ấy bị thương rất nặng, hãy đến bệnh viện càng nhanh càng tốt”- cha của một trong hai nạn nhân nhận được cuộc gọi từ một nhân viên Foxconn.
Trước đó sáu tháng, chàng trai 22 tuổi Lai Xiaodong rời quê nghèo đến Thành Đô, tây nam Trung Quốc, gia nhập lực lượng công nhân có số lượng lên đến cả triệu, góp phần vào hoạt động của mạng lưới sản xuất tinh vi nhất, nhanh nhất và lớn nhất hành tinh: Tập đoàn Foxconn. Hệ thống này đã giúp Apple và nhiều hãng điện tử khác nhanh chóng hiện thực hóa các sản phẩm vừa được thiết kế trên giấy.
Trong hơn một thập kỷ qua, Apple đã trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh, giàu có và thành công nhất thế giới, góp phần bởi việc làm chủ mạng lưới sản xuất toàn cầu. Apple cùng các tên tuổi công nghệ lớn khác của Mỹ đã đạt được những bước tiến vô cùng lớn trong lịch sử hiện đại toàn cầu.
Tuy nhiên, mọi thứ lại không “màu hồng” đối với tầng lớp “thấp cổ bé họng” nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng linh kiện cho Apple: các công nhân đang lắp ráp thành phẩm các iPhone, iPad và những thiết bị khác, bởi điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt.
Theo các luật sư bảo vệ quyền lợi người lao động, tài liệu cung cấp bởi chính các công ty và lời kể của bản thân những người đang làm việc tại những công xưởng này, việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân rất yếu kém, và tai nạn chết người, do đó không phải điều gì hiếm gặp.
Trước đó một năm, 137 công nhân tại một nhà xưởng như vậy ở miền đông Trung Quốc đã bị nhiễm độc từ loại hóa chất dùng để lau màn hình điện thoại iPhone. Bảy tháng sau, hai vụ nổ liên tiếp tại một số nhà máy đã làm chết 4 người, làm bị thương 77 người. Trước đó không lâu, Apple đã được cảnh báo về điều kiện làm việc độc hại ở một nhà máy ở Thành Đô.
“Nếu Apple biết mà vẫn bình chân như vại, điều đó là không thể tha thứ” - cựu chủ tịch Nicholas Ashford của Ủy ban Tư vấn quốc gia về sức khỏe và an toàn lao động cho hay. Đây là tổ chức chuyên tư vấn cho Bộ Lao động Hoa Kỳ.
Apple không phải là cái tên duy nhất làm ăn với một hệ thống cung ứng ẩn chứa nhiều rủi ro. Tình trạng lao động dưới chuẩn cho phép cũng bị phát hiện ở chuỗi cung ứng cho Dell, Hewlette-Packard, IBM, Lenovo, Motorola, Sony, Nokia, Toshiba và nhiều hãng khác.
Quy tắc ứng xử của Apple
Năm 2005, khi nhiều công ty điện tử Hoa Kỳ đã hoàn thành việc cung cấp bản quy tắc ứng xử (Code of Conduct) cho mạng lưới cung ứng linh kiện, ban lãnh đạo Apple quyết định làm điều tương tự.
Bản quy tắc ứng xử Apple ban hành khi đó có đoạn “Apple yêu cầu điều kiện làm việc tại mạng lưới cung ứng linh kiện cho Apple an toàn, người công nhân được đối xử công bằng và tử tế, và các quy trình sản xuất phải thân thiện với môi trường”.
Nhưng ngay năm tiếp theo, khi phóng viên tờ The Mail của Anh bí mật điều tra một nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, mọi thứ đều khác xa văn bản của Apple, như người công nhân phải làm quá giờ và phải chịu phạt bằng cách hít đất nếu không hoàn thành chỉ tiêu…
Ban lãnh đạo Apple bàng hoàng, ngay sau đó đã tổ chức chuyến thị sát nhà máy nói trên, yêu cầu nơi này phải cải thiện tình hình. Đến cuối năm 2011, Apple đã thị sát tổng cộng 396 nhà máy, phần lớn đều cho thấy sự vi phạm trầm trọng các điều khoản trong bản quy tắc ứng xử mà Apple đưa ra.
“Chúng ta đã có thể cứu họ”
Năm 2006, BSR (Business for Social Responsibility) cùng một đơn vị của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức khác quyết định làm điều gì đó để cải thiện tình trạng làm việc tồi tệ tại Trung Quốc và nhiều nơi khác. Foxconn đồng ý tham gia dự án.
Phóng to |
Trong suốt bốn tháng, các tổ chức thương lượng với Foxconn nhằm kiến tạo một chương trình bảo vệ quyền lợi công nhân thông qua một “đường dây nóng”, tạo điều kiện cho người công nhân có thể báo cáo về tình trạng làm việc không đạt chuẩn, tìm kiếm trợ giúp tâm lý và thảo luận về khó khăn trong quá trình làm việc. Theo lời một tư vấn viên của BSR, Apple không tham gia dự án này.
Trong quá trình đàm phán, Foxconn liên tục đòi thay đổi các điều khoản. Đầu tiên Foxconn cho rằng không cần thiết phải tạo thêm các đường dây nóng mới, mà cứ dùng các đường dây sẵn có là đủ.
Rồi Foxconn đòi loại yêu cầu trợ giúp tâm lý ra khỏi danh sách. Foxconn liên tục đòi các bên tham gia dự án cam kết sẽ không tiết lộ nội dung chương trình, rồi lại liên tục đòi sửa đổi nội dung các điều khoản.
Cuối cùng, khi thỏa thuận cuối cùng đã đạt được và dự án dự kiến đi vào hoạt động tháng 1-2008, Foxconn bỗng đơn phương đòi hỏi nhiều thay đổi trong nội dung chỉ một ngày trước khi mọi thứ đã sẵn sàng, và họ cứ giữ thái độ thiếu nhất quán cho đến khi dự án lâm vào cảnh “xôi hỏng bỏng không” - một báo cáo năm 2008 của BSR tiết lộ.
Phóng to |
Ngay năm tiếp theo (2009), một nhân viên Foxconn nhảy lầu tự sát sau khi làm mất bản mẫu của iPhone. Rồi trong hai năm tiếp theo đó, ít nhất 18 nhân viên khác của Foxconn đã có ý định hoặc hành động tự sát bất thành bằng cách nhảy lầu. Năm 2010, hai năm sau khi dự án đầy thiện chí của BSR thất bại, cùng nhiều vụ tự tử, Foxconn cuối cùng cũng cho thiết lập một đường dây nóng để tư vấn tâm lý và cung cấp những khóa học xoa dịu tinh thần miễn phí cho công nhân của mình.
“Những công nhân đó lẽ ra đã không bị thiệt mạng. Chúng tôi đã yêu cầu Apple gia tăng áp lực với Foxconn trong quá trình đàm phán, song họ đã không chịu làm thế”, một tư vấn viên BSR tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận