02/05/2011 06:45 GMT+7

Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ 2: Kiếp tằm dâu...

(Bài thơ Khóc, cười của Hoài Linh viết sau cánh gà)
(Bài thơ Khóc, cười của Hoài Linh viết sau cánh gà)

TT - Khán giả yêu mến một Hoài Linh diễn hài khiến họ phải bật cười bất ngờ và sảng khoái. “Nhưng ngoài đời ai gặp cũng hỏi tại sao Hoài Linh trầm chứ không rổn rảng, tưng bừng như trên sân khấu. Khi đã quá thấm chữ “nghề” và “đời”, con người ta sẽ như thế. Đúng là ngoài đời tôi có nhiều khoảng lặng quá, nhất là mười năm gần đây”, Hoài Linh nói.

IFC0pxsu.jpgPhóng to

Hoài Linh trước giờ diễn - Ảnh: Liều A Lộc

Ngoài sân khấu, Hoài Linh như gầy hơn trong chiếc áo sơmi rộng dù đã là cỡ nhỏ nhất. Mái tóc đã thôi không còn dày và lấp ló đôi ba sợi bạc. Gương mặt phờ phạc với đôi mắt thiếu ngủ trũng sâu.

Lần phỏng vấn đầu tiên, tôi gặp Hoài Linh khi anh đang ở trường quay. Thỉnh thoảng Hoài Linh vừa chọc cười mọi người bằng một câu tếu táo rồi đưa tay che miệng ngáp một cách uể oải, mắt đờ đẫn nhìn - ánh nhìn như vô định...

Vai diễn cuộc đời

Khi khán giả cười đến chảy nước mắt với vai thằng Mắm bán báo của Hoài Linh trong vở Thằng Mắm con Muối, ít ai biết đó là một phần trong quá khứ nhọc nhằn của anh. Vở kịch xoay quanh hai nhân vật: thằng Mắm và con Muối - những đứa trẻ mồ côi, bươn chải từ bé để nuôi sống mình từng ngày.

Đó là hình ảnh của Hoài Linh và những người bạn bán hàng rong trạc tuổi mình khi anh mới 13, 14 tuổi. Những cung đường ở ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) với những năm tháng bạc phếch bụi đất, nắng rát đầu trần và cả những cơn mưa miền Nam bất chợt, cậu bé Hoài Linh còi cọc, đen nhẻm và lanh lợi bám những chuyến xe, chuyến tàu, người đi đường để bán mía ghim, trà đá, chuối khô, chôm chôm, mít xẻ... như sống lại trong Hoài Linh khi anh diễn vai thằng Mắm.

Hoài Linh khẳng định nhân vật thằng Mắm như trải thảm đỏ để anh bước vào nhân vật bởi nó quá gần, quá giống với một lát cắt tuổi thơ anh. Lần đầu tiên trong nghề diễn hài, Hoài Linh khóc thật trên sân khấu. Việt Hương (vai con Muối) cũng sụt sùi khóc theo. Đó là một trong những nhân vật mà Hoài Linh vào vai nhanh và dễ nhất, diễn hài nhưng gây xúc động nhất.

Trong một tiểu phẩm khác, Hoài Linh vào vai một cậu diễn viên học việc chạy loăng quăng cho đoàn hát của chú Thoòng. Vai diễn này là một phần quá khứ của Hoài Linh những ngày tham gia đủ các loại vai trò trong Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa) đầu những năm 1990...

Cái chất nông dân lam lũ đã thấm đẫm trong hình hài, lời ăn tiếng nói của Hoài Linh. Thế nên phần lớn nhân vật của Hoài Linh là vai những ông già, người nông dân chất phác, khắc khổ. Lội ruộng, bắt tôm, bắt cá, lái máy cày, cấy lúa, làm vườn... Hoài Linh diễn rất đạt. “Những vai đó tôi gần như không diễn mà có bao nhiêu vốn sống vận bấy nhiêu. Những việc đó hồi nhỏ tôi đã trải qua hết” - Hoài Linh bảo.

Nỗi đau có thật

Khác hẳn với một Hoài Linh đa dạng góc cạnh và rộn ràng trên sân khấu, dường như đã cho đi quá nhiều tiếng cười, anh như chắt chiu tiếng cười với chính mình. Anh Thanh Phương, trợ lý của diễn viên Hoài Linh, kể: “Những lúc có chuyện buồn, anh Linh rủ tôi đi câu tôm, câu cá từ trưa cho tới 11g đêm. Cứ ngồi yên lặng suốt, không nói tiếng nào”.

Bán cười cho thiên hạMua tiếng khóc cho mìnhKhóc cho kiếp nhân sinhCười trần gian bạc bẽo.

Khóc những khi lạnh lẽoCười những lúc đớn đau.Khóc cho kiếp tằm dâuCười trò đời tráo trở.

Khóc những khi lầm lỡCười những lúc đắng cay. Ba vạn sáu nghìn ngàyChỉ một đôi cười, khóc.

Hoài Linh bậm môi trầm ngâm rồi bảo: “Đã là diễn viên thì diễn bi hay hài đều bạc. Cười đó rồi khóc đó. Tâm lý không ổn định, cảm xúc cứ bấp bênh. Người diễn viên hài trải lòng với khán giả bằng tiếng cười còn nỗi buồn phải giữ lại, ép lại. Cái hài không giải tỏa được nỗi buồn mà cứ ấp ủ hoài nên nặng nề đầu óc, thành ra trầm cảm, lặng đi, lừ đừ và càng thấm đẫm cái buồn”.

Hoài Linh không có bạn thân là đồng nghiệp, còn những người bạn thân thuở cơ hàn xa dần xa dần vì ngại sự nổi tiếng của anh.

Không có bạn tâm giao nhưng Hoài Linh thừa nhận mình còn may mắn khi gặp được một vài người có thể coi như người thân. Nhưng họ lần lượt ra đi đột ngột. Đầu năm 2011, buổi tối diễn live show của mình thì sáng đó nghệ sĩ Kim Ngọc mất. Hoài Linh ngồi bất động khi nhận tin... Đó là người mà anh thương, tôn trọng như người mẹ thứ hai. Hoài Linh hay gọi là “má Kim Ngọc”.

Sự ra đi đột ngột của má Kim Ngọc là cú sốc lớn thứ hai với Hoài Linh chỉ chưa đầy nửa năm sau cái chết cũng rất đột ngột của nghệ sĩ Hữu Lộc - người mà anh coi như em trai.

Hoài Linh gọi điện thoại dặn dò Hiếu Hiền lo chu đáo cho mẹ và tuyệt nhiên không đả động gì tới đêm diễn. Trước đó, vai người chồng bà chủ nợ được giao cho Hiếu Hiền. Tối hôm ấy, sau khi diễn xong một phân cảnh, thấy khán giả vỗ tay rần rần, ngó ra thấy Hiếu Hiền, Hoài Linh quay ngoắt vô cánh gà. Diễn viên Việt Hương chụp lấy tay Hoài Linh tha thiết: “Anh mà không diễn là tụi em đi hết một nhóm!”.

Suốt phần sau của vở diễn đó, Hoài Linh không dám nhìn mặt Hiếu Hiền vì sợ sẽ bật khóc bởi thương thằng em. Anh bảo cái cảnh Hiếu Hiền chắp tay lạy trước bàn thờ tổ, mắt đỏ hoe sau khi diễn xong là hình ảnh đau đớn nhất trong đời diễn hài của mình.

Sau cánh gà

Những bạn diễn chung với Hoài Linh đều không lạ gì chuyện anh có hẳn một “bệnh viện dã chiến” ngay sau cánh gà mỗi khi anh làm live show. Có lần diễn viên kịch Trần Bùm nói vui mà thật: “Ai diễn chung với Hoài Linh riết cũng bị “đau tim” luôn. Ảnh cứ diễn sung quá là xỉu ngon ơ. Làm việc ghê quá mà. Những ai tinh ý khi thấy Hoài Linh nói chầm chậm trở lại hoặc đang diễn mà thò tay bắt mạch là biết ảnh đang mệt, chịu không nổi”.

Trong hậu trường của live show Hoài Linh cách đây 3-4 năm đã có hẳn một “bệnh viện dã chiến” với xe cứu thương, các loại thuốc và phương tiện, dụng cụ y tế cấp cứu tại chỗ, một bác sĩ túc trực cùng hai bình ôxy. Hoài Linh cứ diễn xong một màn là vô cánh gà để bác sĩ đo huyết áp, đưa bình ôxy cho thở. Đêm đó diễn bốn màn là bốn lần anh phải thở ôxy.

Khán giả nghiêng ngả với một Hoài Linh tấu hài rất duyên trên sân khấu, nhưng chẳng thể biết được người diễn viên ấy âm thầm chống chọi từng ngày với nhiều căn bệnh nguy hiểm: hở van tim, tụt đường huyết, hạ canxi, đau bao tử. Lúc nào trong túi của Hoài Linh cũng có máy đo huyết áp, thuốc tim và thuốc huyết áp.

Anh kể về sức khỏe của mình mà cười, nhẹ tênh: “Một năm tui vô 70-80 chai nước biển, chích nát ven luôn. Hồi trước tui thấy kim tiêm là sợ nhưng bây giờ chai luôn rồi. Nè, coi cánh tay tui nè”. Hoài Linh chỉ vào những nốt thâm mờ trên cẳng tay mình, nơi những lần lấy ven nhiều tới mức vỡ ven, không thể lấy nổi và để lại những vết sẹo mờ.

“Có người không hiểu, nói mình ham tiền chết cũng đáng. Còn tôi thì không thể mất uy tín với khán giả được một khi cái tên của mình đã in trên băngrôn...”, Hoài Linh nói rồi nhoẻn miệng cười với kiểu cười rất Hoài Linh.

____________

Ban ngày thì ly dị, tối phải diễn chung cảnh tấu hài yêu và ghen tuông. Khuya về tấp xe lên lề đường, gục khóc. Đó là Cát Phượng.

Kỳ tới: Bước qua cổng đời

(Bài thơ Khóc, cười của Hoài Linh viết sau cánh gà)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên