Nhân viên tuyển sinh một trường ĐH công lập tự chủ tài chính tại TP.HCM 'đứng hình' trước câu nói của một thí sinh về cha mình: "Ổng không biết gì đâu, nói... tào lao đó".
"Tôi không biết thí sinh nghĩ gì mà nói về cha mình như vậy. Gia đình ông có lẽ cũng không khá giả gì. Không biết thí sinh đó có nghĩ cho cha mẹ mình chút nào không", nhân viên này bày tỏ.
Mấy hôm trước có một người đàn ông, có lẽ là nông dân với khuôn mặt khắc khổ, quần áo tuềnh toàng đến trường hỏi về học phí. Chuyện là con ông đậu nguyện vọng 1 vào trường này nhưng không muốn học, đi xét tuyển học bạ vào một trường tư thục. Nghe nói trường tư học phí đến hơn 50 triệu đồng một năm, cao hơn so với trường công.
Ông khuyên mà con không nghe, vẫn quyết đi học trường tư. Ông lặn lội ở quê lên trường hỏi lại cho chắc nhưng cũng cảm thán: "Chú nói rồi mà con không chịu. Nó nói bạn học ở trường tư kia nên muốn học chung cho có bạn có bè, sang hơn". Nhân viên tuyển sinh ghi nhận và hứa sẽ gọi điện cho thí sinh tư vấn thêm. Và kết quả là nhận được câu trả lời: "ổng không biết gì đâu...".
Trước đó, cũng tại trường này, một thí sinh sợ không trúng tuyển nên đã xét tuyển thêm học bạ vào một trường tư thục. Trường tư báo đậu và phải đóng tiền học phí ngay. Người cha chạy xe ôm vội vàng gom góp đóng học phí để chắc chắn chỗ học cho con.
Khi có kết quả đậu trường công, hai cha con lên trường xin rút lại học phí. Cả hai tuần ông vẫn chưa rút được trong khi không có tiền để nhập học ở trường công.
Ông đi tới đi lui nhiều lần, cuối cùng trường trả học phí. Ngay lập tức ông và con đến nhập học ở trường công. Người con nói khi đi học sẽ cố gắng làm thêm để trang trải bớt chi phí học hành, giảm bớt gánh nặng cho mẹ cha.
Cùng một tình huống, hai thí sinh có những lựa chọn cuối cùng khác nhau. Học trường mình thích dĩ nhiên thí sinh sẽ thích hơn, có bạn bè học chung hẳn sẽ vui hơn. Nhưng niềm vui ấy liệu có trọn vẹn khi cha mẹ phải cày cuốc, thức khuya dậy sớm, chạy vạy cực khổ hơn?
Niềm vui bạn bè kéo dài trong bốn năm cũng đồng nghĩa cha mẹ phải lam lũ hơn trong từng đó thời gian. Đôi tay chai sần nứt nẻ nhiều hơn, khuôn mặt lam lũ sẽ nhiều nếp nhăn hơn.
Các bạn thí sinh vẫn còn rất trẻ, vẫn còn rất nhiều thời gian để vui chơi cùng bạn bè nhưng có lẽ cha mẹ các bạn không còn nhiều thời gian như thế. Bốn năm oằn lưng gồng gánh, lo lắng cho con hẳn không dễ dàng gì.
Đó là chưa kể để học ở cái mác "trường sang" kia liệu có giúp ích nhiều cho thí sinh về kiến thức, kỹ năng, thái độ, chín chắn hơn trong suy nghĩ và cải thiện cơ hội việc làm khi tốt nghiệp không hay chỉ muốn "sang" cho bằng bạn bằng bè?
Có lẽ người cha ấy không phải là cá biệt trong mỗi mùa tuyển sinh. Sẽ có nhiều bậc cha mẹ khác cũng như ông. Họ là nông dân, ít học, kinh tế eo hẹp và có thể là "không biết gì" như lời thí sinh nói nhưng họ thương con, biết hy sinh và lo lắng.
Có thể kinh tế chưa đủ cho con theo học một cách thoải mái nhưng họ sẽ cố gắng, âm thầm chịu đựng, thậm chí vay mượn để lo cho con học hành. Họ gánh phần cực khổ về mình, không nói cho con biết để con không lo lắng, yên tâm học tập.
Họ đã cho con mình chỗ dựa quá vững chắc mà đôi khi chính nó đã khiến cho những đứa con của mình ỷ lại, thiếu suy nghĩ sẻ chia.
Chọn trường, xin đừng quên cha mẹ
Chọn ngành, chọn trường theo sở thích, nguyện vọng và sở trường rất quan trọng. Nhưng còn một điều khác cũng quan trọng không kém đó là điều kiện kinh tế gia đình.
Đừng vì bạn bè hay ai khác mà bỏ qua cha mẹ mình. Chỉ có cha mẹ mới hy sinh vô điều kiện cho con cái, chấp nhận rủi ro, gánh phần cực khổ vì con tới cùng.
Đừng vội đặt niềm vui bạn bè nhất thời lên trên sự cực khổ, lam lũ của cha mẹ. Chậm một chút, nghĩ một chút, lựa chọn kỹ hơn một chút. Nếu vẫn có thể học ngành mình thích, phù hợp sở trường nhưng học phí vừa phải, cớ sao cứ phải chọn trường sang học phí gấp đôi?
Đừng để một lúc nào đó, khi thí sinh va vấp, chín chắn suy nghĩ, có khi các bạn sẽ áy náy, hối hận vì lựa chọn của mình hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận