Những người Thái Lan lạc quan nhất cũng không còn tin vào vị trí số 1 Đông Nam Á sau màn trình diễn bết bát ở King’s Cup 2019 của thầy trò HLV Sirisak Yodyardthai. Các cầu thủ Thái Lan buồn bã sau trận thua Ấn Độ, thất bại khiến họ xếp hạng bét ở King’s Cup 2019. Ảnh: A.T. “Chúng tôi đã thực sự bị VN vượt mặt” - hầu hết cánh truyền thông Thái Lan mà chúng tôi gặp ở King’s Cup 2019 đều thừa nhận như vậy. Với một đội tuyển đã thống trị bóng đá khu vực trong phần lớn 20 năm qua, chừng đó là đủ để mô tả về cuộc khủng hoảng. Cột mốc Kiatisak “Đã đến lúc phải thay Sirisak, chúng ta không thể mơ mộng về vòng loại World Cup với một HLV như vậy, chúng ta cần HLV nước ngoài” - nhiều phóng viên Thái Lan quả quyết trong một cuộc tranh luận ở phòng họp báo sau thất bại 0-1 của đội nhà trước Ấn Độ ở King’s Cup. “Không, chúng ta đã có đủ bài học về những HLV ngoại rồi. Tuyển Thái Lan chưa bao giờ thành công với những HLV đến từ châu Âu, họ không hiểu gì về bóng đá Thái Lan hay châu Á cả” - Wirawit Jareoncher, biên tập viên kênh truyền hình Thairath, phản bác. Jareoncher có lý của anh. Lịch sử tuyển Thái Lan được phủ gần kín với những HLV ngoại, chỉ tính trong 20 năm trở lại đây có đến 7/12 HLV ĐTQG là người nước ngoài, với 6 trong số đó đến từ châu Âu. Người được xem là thành công chỉ có HLV người Anh Peter Withe - với 2 chức vô địch AFF Cup và 1 HCV SEA Games trong 5 năm. Tuy nhiên, công bằng mà nói với White, vào thời ấy, việc ông có trong tay Kiatisak cùng dàn cầu thủ Thái vào loại tài hoa nhất trong nhiều thế hệ, ngôi số 1 khu vực “vùng trũng” là điều gần như nghiễm nhiên. Vì vậy, nếu chọn ai là HLV nổi bật nhất của bóng đá Thái trong vài mươi năm qua, có lẽ đó chính là một người Thái: Kiatisak Senamuang. Chỉ trong 3 năm nắm quyền đội tuyển 2014-2017 (nếu tính cả U23 Thái Lan là từ 2013), Kiatisak giúp Thái Lan giành thành tích tuyệt đối ở cả 2 kỳ AFF Cup lẫn 2 kỳ SEA Games. Chưa hết, Thái Lan còn lọt vào bán kết Asian Games 2014 cũng như đi đến giai đoạn cuối cùng của vòng loại World Cup 2018. Nhưng tại sao Kiatisak ra đi? Cách đây 2 năm, đó là một câu chuyện đình đám của làng bóng đá Đông Nam Á lẫn châu Á. Trước giai đoạn vòng loại World Cup 2018, Thái Lan khi đó - có lẽ đang ở thời điểm đỉnh cao nhất trong lịch sử bóng đá nước này - hừng hực khí thế hướng về giải đấu danh giá nhất thế giới. Chưa bao giờ người Thái mạnh mẽ và tự tin đến thế, từ truyền thông, cầu thủ cho đến người hâm mộ. Kiatisak, biệt danh “Zico Thái”, thực sự là biểu tượng cho cả nền bóng đá thời điểm đó - một cựu huyền thoại của ĐTQG, một HLV trẻ trung (lúc đấy 44 tuổi), tự tin, giàu năng lượng và có tính cách điềm đạm không chê vào đâu được. Có lẽ chính vì quá nổi bật, Kiatisak có vẻ đã tự tin thái quá. Anh tuyên bố Thái Lan nằm trong top 8 châu Á và sẵn sàng giành vé dự World Cup 2018. Sự tự tin tạo nên sức ép, giấc mơ World Cup trở thành một gánh nặng quá sức, để rồi họ sụp đổ. Trận đầu tiên ở lượt vòng loại cuối cùng, Thái Lan đá tấn công quyết liệt với Saudi Arabia, vốn được coi là một đối thủ mạnh hơn, tạo ra không ít cơ hội, nhưng đều bị phung phí. Phút 84, Saudi Arabia hưởng một quả phạt đền “trên trời rơi xuống”, giành chiến thắng chung cuộc 1-0. Khi đó vẫn chưa nhiều người nghĩ thất bại đấy sẽ khởi đầu cho cả một hành trình tuột dốc không phanh của “Bầy Voi”. Thua sát nút trên sân Saudi Arabia là chuyện chẳng có gì phải hổ thẹn, ngay cả Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng chưa chắc làm được tốt hơn. Nhưng Kiatisak và các cộng sự đã trót đặt quá nhiều niềm tin vào tấm vé World Cup và trận thua mở màn khiến các cầu thủ trở nên căng cứng quá mức, gồng mình lên đá tấn công trước những đối thủ cũng nguy hiểm không kém sau đó: Nhật Bản, UAE, Iraq và Úc. Kết quả: Thái Lan bị loại với chỉ 2 điểm, không thắng nổi một trận nào trong suốt 10 trận vòng loại cuối cùng. Sức ép của kỳ vọng Việc Kiatisak từ chức được ví như bi kịch của một người hùng. Thật vậy, anh hứa chắc như đinh đóng cột sẽ giúp Thái Lan giành vé dự World Cup, và khi không làm được, Kiatisak lập tức từ chức. Nhưng lời thề, danh dự và bi kịch của Kiatisak cũng là bi kịch của bóng đá Thái Lan. LĐBĐ Thái Lan (FAT) còn có thể tìm ra HLV nội nào, thực ra là HLV nào - dù nội hay ngoại, tốt hơn Kiatisak, am hiểu nền bóng đá và tạo ra động lực cho các học trò được như anh? Cho tới giờ, đó đã là một nhiệm vụ thất bại, dù đó là một chiến lược gia danh tiếng và lão luyện như HLV người Serbia Milovan Rajevac, hay là một ông thầy nội còn ít tên tuổi Sirisak. Dưới thời Rajevac, Thái Lan đánh mất ngôi vương Đông Nam Á khi bị Malaysia loại ở AFF Cup 2018. Rồi ở Asian Cup 2019, họ mở màn bằng trận thua đậm Ấn Độ 1-4. FAT quyết định thay ngựa giữa dòng: sa thải Rajevac khi giải đấu đang diễn ra để thay bằng Sirisak. Vốn là trợ lý của Rajevac, cựu HLV Thai Honda này chưa có một chút kinh nghiệm nào ở tầm đỉnh cao và chỉ được coi là một giải pháp tạm thời nhằm xoa dịu các cầu thủ. Sirisak thành công được thời gian đầu, nhưng rồi thảm bại ở King’s Cup. Ngay cả sau trận thua Ấn Độ, nhiều phóng viên Thái Lan vẫn khăng khăng với tôi rằng nền bóng đá của họ không hề sa sút. Nhận định đó không phải không có cơ sở. Xét tổng thể, đó vẫn là nền bóng đá số 1 ở Đông Nam Á và trong top đầu châu Á. Các ngôi sao sáng nhất của VN như Đặng Văn Lâm, Lương Xuân Trường đã phải chứng minh được mình ở các sân chơi lớn mới có cơ hội khoác áo các CLB Thai League. Ở cấp độ này, bóng đá Thái Lan vẫn vượt xa V-League cả về chuyên môn lẫn tiềm lực tài chính. Nhiều tuyển thủ Thái Lan cũng đã chứng tỏ được năng lực ở các giải đấu lớn hơn, như J-League, hay thậm chí là châu Âu, điều chưa thấy với bất kỳ nền bóng đá Đông Nam Á nào khác. Chung quy, có thể nói ở cấp độ đội tuyển, Thái Lan lâm vào khủng hoảng chủ yếu vì sức ép của những kỳ vọng quá lớn. Kỳ vọng đó không chỉ thể hiện ở vòng loại World Cup 2018. Ở các giải đấu cấp châu lục, Thái Lan luôn được chờ đợi sẽ tiến xa; trong sân chơi khu vực Đông Nam Á, họ luôn là ứng viên nặng ký nhất; ngay cả tại King’s Cup vừa rồi, mục tiêu cũng không gì khác ngoài chức vô địch. Nhưng bất chấp điều đó, năng lực tự thân mạnh mẽ của nền bóng đá Thái Lan, bao gồm sức mạnh tài chính, hệ thống lò đào tạo trẻ dày đặc và chất lượng cao, cùng một LĐBĐ hiệu quả, vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, bóng đá Thái lúc này có thể đang trong một khoảng lặng nhưng còn lâu mới là một sự suy sụp hoàn toàn. ■ Những ngày qua, báo chí VN đồn đại khá nhiều về chuyện cựu danh thủ Tochtawan Sripan - người được CĐV VN biết đến rộng rãi với cái tên Tawan - sẽ thay thế HLV Sirisak dẫn dắt tuyển Thái Lan trong thời gian tới. Nhưng biên tập viên Jareoncher của Thairath TV cho biết Tawan đã từ chối lời mời của LĐBĐ Thái, anh tỏ ra hứng thú hơn với việc dẫn dắt CLB. Trong khi đó, Kiatisak cũng trả lời chúng tôi rằng anh sẽ không trở lại dẫn dắt tuyển Thái Lan. “Zico Thái” giờ đây toàn tâm toàn ý cho một lò đào tạo trẻ do chính anh thành lập. Tags: KiatisakBóng đá Thái LanKing's CupHLV ngoại
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.