Nhiều vườn dừa tại Bến Tre bị sâu đầu đen tấn công, nhà vườn đành phải đốn bỏ vì không có khả năng phục hồi - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Hội thảo do Sở Khoa học và công nghệ Bến Tre phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo khoa học này, ông Nguyễn Trung Chương cho biết tỉ lệ xuất hiện sâu đầu đen hiện nay khoảng 500 - 600ha trên 78.000ha dừa của tỉnh Bến Tre. "Tỉ lệ này chiếm không tới 1%, như vậy là không đáng bao nhiêu. Mà tại nghe vậy hoảng hồn rồi la lên", ông Chương nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tiến sĩ Lê Khắc Hoàng - trưởng bộ môn bảo vệ thực vật (khoa nông học, Trường đại học Nông lâm TP.HCM), sâu đầu đen đã từng tấn công và gây thiệt hại cho dừa tại nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm và đúng cách.
Tiến sĩ Hoàng dẫn chứng tại Ấn Độ, Sri Lanka (1980 - 1990; 2010 - 2017) sâu đầu đen gây hại 42% - 62% diện tích dừa. Mới đây, tại Thái Lan, sâu đầu đen gây hại gần 45% diện tích dừa khiến từ một nước xuất khẩu dừa phải nhập khẩu dừa nguyên liệu. "Tại Bến Tre, sâu đầu đen tấn công và gây hại một diện tích khá lớn", tiến sĩ Hoàng nói.
Trên thực tế, các nhà vườn tại Bến Tre đang rất đau đầu vì sâu đầu đen tấn công vườn dừa. Trong số diện tích hecta dừa bị sâu đầu đen tấn công, một phần diện tích đã được phục hồi nhưng bên cạnh đó, một diện tích khá lớn sau khi bị sâu đầu đen tấn công, người dân phải đốn bỏ trồng lại.
Ông Nguyễn Văn Vưng, phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000ha. Trên 60% dân số Bến Tre sống nhờ vào cây dừa. Tuy nhiên thời gian gần đây, dịch sâu đầu đen gây hại cho dừa khiến năng suất dừa giảm.
Ông Võ Văn Nam - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết sâu đầu đen được phát hiện từ tháng 7-2020 tại huyện Bình Đại với diện tích ban đầu khoảng 2,4ha.
Tính đến nay, tổng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công trên toàn tỉnh đã gần 1.000ha.
Ông Nam cho biết thêm việc tiêu diệt, hạn chế sự phá hoại của sâu đầu đen trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
"Việc triển khai kiểm soát sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học cần thời gian để thực hiện các nghiên cứu, đồng thời việc kiểm soát trên đồng ruộng cũng cần nhiều thời gian để thiên địch hoạt động và nhân nguồn trên tự nhiên. Do vậy việc triển khai biện pháp sinh học chưa rộng rãi và nông dân ở một số mô hình nôn nóng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sau khi phóng thích làm ảnh hưởng đến biện pháp sinh học.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 việc triển khai các biện pháp diệt trừ sâu đầu đen không liên tục khiến nhiều vườn dừa bị tái nhiễm sâu đầu đen. Một số vườn dừa cao gây khó khăn cho việc phát hiện, phòng trừ…", ông Nam nói.
Tiến sĩ Lê Khắc Hoàng đưa ra khuyến cáo để phòng trừ sâu đầu đen, khi phát hiện dừa bị sâu đầu đen tấn công cần giật tàu, loại bỏ tàu để tránh lây lan. Bên cạnh đó, khi thả ong ký sinh thì không phun thuốc trừ sâu để ong không bị chết. Thời gian qua, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông lâm TP.HCM đã xây dựng được quy trình nhân nuôi ong ký sinh thành công và phóng thích hơn 5 triệu ong ký sinh và các thiên địch khác để diệt trừ sâu đầu đen, cho hiệu quả khả quan, diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công tại Bến Tre dần hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận