Nhu cầu mua nhà của người nước ngoài rất lớn
Ông Hoàng Hải, cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết tại hội thảo quốc tế Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam, do Bộ Xây dựng phối hợp với tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức ngày 13-7 tại Hà Nội.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), TP.HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (50)...
Theo ông Hải, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Qua đó cho thấy việc Luật Nhà ở quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được mua, sở hữu đất ở tại Việt Nam.
Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng chưa đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.
Băn khoăn bán nhà nhưng không bán đất
Còn theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật Nhà ở quy định về chế độ tiếp cận nhà ở của người nước ngoài ở Việt Nam theo hướng mở hơn là phù hợp.
Vì Việt Nam rất cần một lực lượng nhân sự trình độ cao, một phần nguồn nhân lực chất lượng cao chính là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Muốn vậy thì họ phải được mua nhà.
Dự thảo Luật Nhà ở đưa ra khung rộng rãi hơn trước nhưng dự thảo gần nhất Luật Đất đai lại không cho phép người nước ngoài sử dụng đất. "Như vậy, chúng ta chỉ bán cái xác nhà cho người nước ngoài chứ không bán đất", ông Võ nhận định.
Tình trạng người nước ngoài được mua nhà nhưng không được mua đất sẽ khiến họ không tin vào chính sách bán nhà cho người nước ngoài. Cái gốc vấn đề là Luật Đất đai quy định cả về quản lý và sử dụng đất đai. Đáng lẽ, Luật Đất đai chỉ nên quy định việc quản lý đất đai, còn việc sử dụng đất đai thì nên quy định trong các luật chuyên ngành khác.
"Các nước họ cũng làm vậy, ở ta sáng tác một hồi thì lẫn lộn giữa quản lý và sử dụng", ông Võ nhấn mạnh.
TS Nguyễn Anh Tuấn, tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu Tư, cũng cho rằng cần làm cho thị trường nhà ở hấp dẫn hơn trong mắt người nước ngoài.
Cùng quan điểm, GS Nguyễn Mại nói: "Tôi thấy lạ khi chúng ta cấp phép dự án đầu tư cả khách sạn, resort cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng, bán lại cho người Việt, nhưng lại lăn tăn việc cho họ sở hữu mấy ngàn mét vuông đất xây chung cư bán cho người nước ngoài. Trong khi nhu cầu mua nhà của người nước ngoài rất lớn, chỉ tính riêng Hàn Quốc đang có khoảng 400.000 người đang sống và làm việc tại Việt Nam".
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Hải cho hay vấn đề giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở do Quốc hội quyết, còn ban soạn thảo rất mong muốn Luật Nhà ở quy định luôn phần sử dụng đất xây nhà, nhưng điều này vượt thẩm quyền ban soạn thảo luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận