Mẹ trách oan nhóc tì vô lễ hay khịt mũi, nhại giọng người lớn, sau thăm khám mới rõ con mắc chứng máy cơ.
Hai chuyện trên đủ giới thiệu sự lợi hại của Tic với trẻ con mà ít người biết.
Tic là gì?
Tic là một rối loạn vận động và/hoặc phát âm không chủ đích, chủ yếu tại mặt, nên còn được gọi là chứng máy cơ mặt. Tic xuất hiện ở khoảng 20% trẻ tuổi đi học, nặng lên ở 11-12 tuổi và giảm dần. Đa số biến mất hẳn trừ một số ít mãn tính.
Tic bộ dạng theo 2 thể Tic đơn giản (nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm, thở dài, húng hắng, e hèm, lẩm bẩm, tặc lưỡi, la hét…), và Tic phức tạp với sự tham gia của nhiều nhóm cơ (cắn môi, nhổ tóc, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn, bắt chước hành động người khác...), âm thanh khó đỡ (lặp lại từ vô nghĩa, nhại giọng người khác, lẩm bẩm, có khi nói tục ....). Nếu rối loạn vận động, phát âm đồng loạt và nặng được gọi là hội chứng Tourette.
Bệnh sinh chưa rõ. Những cái tên được bêu gồm bất thường gen, não, dẫn truyền thần kinh (dopamine, serotonine...), bệnh huntington, dị ứng, nhiễm trùng, chấn thương, hóa chất tẩy rửa, phim ảnh, trò chơi điện tử, trẻ sinh khó, sinh nhẹ cân, mẹ hũ chìm hoặc thuốc lá khi mang thai, trẻ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A...
Chẩn đoán khó, vào tay bác sĩ “mắt xanh” mới phăng ra Tic với vô vàn triệu chứng tương tự như khụt khịt mũi (viêm hô hấp), nhấp nháy mắt (tật khúc xạ), nhất là loạt triệu chứng “tâm thần” (rối loạn lưỡng cực, tăng động giảm chú ý, tự kỷ ...)
Tic làm phiền lòng phụ huynh, gây rắc rối cho trẻ, nhưng nhìn chung không nặng và không cần điều trị. Can thiệp cần kíp khi trẻ gặp rắc rối. Nhiều trẻ bị cô giáo mắng vốn vì lườm nguýt, giễu nhại trong lớp, bị mang tiếng “con nít quỷ” vì mút chuột khi có phụ nữ bước ngang, bị gán oan “ma hành” vì lẩm bẩm nói với hư vô... Một số nhóc Tic bị giải đi điều trị tăng động giảm chú ý, tự kỷ oan ...
Điều trị Tic ra sao?
Bên cạnh thuốc men, thì cognitive behavioral therapy /liệu pháp nhận thức - hành vi /CBT, là át chủ bài giúp trẻ giảm hoặc cai hẳn Tic. Nôm na người tìm cách đảo ngược thói quen của trẻ, chẳng hạn trẻ hay nháy mắt, khịt mũi sẽ được hướng dẫn thay bằng động thái khác như thở sâu, nhắm mắt ...
Tic nhẹ, đa phần khỏi, điều trị không khó, nên chuyện chính là lần ra nguyên nhân và hỗ trợ trẻ tránh rắc rối nếu có. Thành bại tại thái độ của người lớn. Không ít trẻ bị “dần” ra trò vì tội bất trị, trẻ trâu, đến khi được minh oan thì sang chấn tâm lý lãnh đủ.
Biết con mình bị Tic hoặc nhằm phòng ngừa, việc cần làm của phụ huynh :
- Căng thẳng là ngòi nổ số một của Tic, thắng thua ở chỗ này. Mấy mẹ hổ nhẹ tay kẻo tạo Tic cho con, rồi lại lấy đó hài tội ương ngạnh mà tăng roi vọt với trẻ.
- Bảo ban trẻ ngủ đủ, thiếu ngủ là tay bo cho Tic.
- Kiểm tra lại thực phẩm dị ứng, bất dung nạp, khi Tic có vẻ rộ lên ở trẻ trong thời gian gần.
- Triệu chứng không ầm ĩ thì đừng ầm ĩ. Tảng lờ là liệu pháp trị Tic. Càng chú ý càng làm trẻ căng thẳng.
- Ghi lại bộ dạng để khi Tic trổ mòi, phụ huynh có cơ đối phó.
- Giải thích cho trẻ hiểu chúng không làm gì sai, chỉ cần kiềm chế là được.
- Giành cho trẻ chế độ ăn lành mạnh, vui chơi thoải mái.
- Cho lớp, bè bạn biết bệnh tình nếu tiện. Nhiều trẻ Tic bị tẩy chay, bị bạo lực học đường, vì mang tiếng oan là láo...
Lần nữa, tội đồ smartphone lại bị xướng tên. Dù không chắc, nhưng số giờ trước màn hình sẽ tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc Tic. Nhiều phụ huynh đổ oan trẻ học trò hư từ nội dung trên màn hình mà không biết đơn giản là Tic.
Sau cùng, Tic không thật sự phổ biến, nghĩa là số trẻ có hành vi lạ là vấn đề tâm tính, bệnh tật thật, không dính gì rối loạn vận động, phát âm. Biết thêm Tic để tham khảo, không lấy đó bao biện trẻ hư hay xem nhẹ bất thường. Không khó nhận ra Tic và bệnh tự kỷ, thoạt trông y hệt nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận